Nhân dịp kỉ niệm ngày thương binh, liệt sĩ, Nhà hát Cải lương TƯ đã biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả vở diễn THỜI CON GÁI ĐÃ XA…
Lùi sâu trong quá khứ là cuộc chiến tranh tàn khốc, là những hoang tàn, đổ nát, thương đau của khói lửa đạn bom, là cảnh rừng trơ trụi đến nghiệt ngã vì những chất độc hóa học…Nhưng thương tích lại như một vết cứa đau đớn còn mãi tận hôm nay, là tấn bi kịch cho cuộc đời của Diệu, của Diễm và bao đồng đội khác.
Trở về với cuộc sống đời thường, với một nửa khuôn mặt không còn là “khuôn mặt” nữa, Diệu không còn có cơ hội có một mái ấm gia đình. Cũng như Diễm, người bạn thanh niên xung phong xưa của cô với mái tóc rụng và bạc màu vì hóa chất, “thèm một đứa con đến phát rồ” mà không được. Họ là những người phụ nữ dũng cảm, can trường trong cuộc chiến đối mặt với quân thù, nhưng lại thật bất hạnh khi đất nước hết tiếng bom rơi. Chẳng còn khao khát nào cháy bỏng và chính đáng hơn niềm khao khát của một người phụ nữ thèm được làm mẹ. Diệu hay Diễm đều có quyền được hưởng niềm hạnh phúc ấy. Khác chăng, để được nghe một tiếng gọi “mẹ ơi”, Diễm đi xin một sinh linh bé bỏng từ phòng hộ sinh bệnh viện. Còn Diệu, cô “xin” một đứa con từ chính người đồng đội là Tân, người cô luôn thầm thương, kính trọng. Để rồi 15 năm Tân dằn vặt và 15 năm Diệu phiêu bạt cùng đứa con thơ, vì giữ một lờì hứa không làm tổn thương đến hạnh phúc của Tân và gia đình anh. Nuôi con khôn lớn chừng ấy năm trời, nỗi dâu trong cô dần nguôi ngoai, nếu như không có một ngày Diệu tình cờ gặp lại Tân, gia đình anh vô tình chuyển đến vùng đất mà cô đang sinh sống.
THỜI CON GÁI ĐÃ XA là bi kịch gia đình đầy xúc động về số phận người lính sau chiến tranh. Ở đây là nỗi đau của người con gái thầm lặng, âm ỉ với những khao khát riêng mình. Là những bù đắp thiêng liêng khi chính những khao khát kia thành hiện thực. Là nỗi đau của Tân khi thấy con mà không được nhận. Là nước mắt của người vợ (Hà), cay đắng khi bỗng nhận ra chồng có con riêng với người khác. Là tức tưởi đến cao ngạo của Diễm, người con gái đầy nữ tính trước những khinh khi vô liêm sỉ của một lão già bệnh hoạn…Nghĩa là, có rất nhiều những dồn nén tâm lí khác nhau trong mỗi nhân vật của vở diễn.
Những “sai lầm” kia của Diệu lại đáng được thông cảm. Đứa con trai ngoan ngoãn của Diệu và Tân, là kết quả của một tình yêu không tăm tối, tầm thường. Hơn thế, còn là sự sẻ chia của tình đồng đội khi mà họ đã từng sát cánh bên nhau giữ thông từng đoạn đường bom dội. Diệu đã không làm khác, cho dù có nghĩ cô sẽ mang nỗi đau của người đàn bà luôn bị người đời lên án. Nhưng niềm an ủi “mong con mình sẽ tốt như anh” giúp cô đứng vững, bươn trải tháng ngày.
Chuyển thể từ kịch bản văn học “Không duyên” của tác giả Thu Phương (TPHCM), đạo diễn Lê Chức và êkíp dựng vở đã tái hiện trên sân khấu Nhà hát CL TƯ Một thời con gái đã xa đầy hiện thực và nhân bản. Chỉ một vài chấm phá thôi, hiện thực cuộc chiến dội về nhức nhối trong cảm nhận của người xem. Những cô gái mở đường năm xưa trẻ trung, dũng cảm. Họ chịu đựng sự thiếu thốn nhiều tháng trời chẳng có lấy bánh xà phòng thơm để gội đầu, vậy mà tiếng cười vẫn trong veo. Kết vở diễn là tiếng còi tàu vang lên (như một trò chời đã được “cài” thành một lớp diễn trước đó) nhưng lại là còn tàu ĐỜi – phá tan niềm vui hội ngộ của bố con Tân, chợt trở nên thảng thốt trong mỗi người thuộc gia đình anh và kiên quyết trong ánh mắt của Diệu khi cô đưa con trở về quê cũ. Nhưng đó cũng là một tín hiệu vui của tình thân ái. Tau ra đi cho dù đến mảnh đất nào, vẫn là mạch nối các miền với nhau. Hôm qua, hôm nay và ngày mai, dù song gió đến thế nào, vẫn xuyên suốt một tình người, tình yêu chân chính của con người như Tân, Diệu, Diễm…Thiết kế sân khấu được cách điệu với hình ảnh lớn : chiếc đồng hồ – biểu tượng của thời gian và mái tóc mây dài chạy ngang qua như một quá khứ hiện hữu, gần như đã tạo nên một tuyên ngôn “nội tuyến” của tư tưởng vở diễn : Cái “thời ấy” đã xa ! Nhưng lại như một dấu khắc đòi hỏi không thể quên quá khứ ấy. Cùng với phần không thể thiếu của sân khấu cải lương – đó là âm điệu của những bài ca, cái chất thơ sâu lắng cảu ca từ đã tạo nên một không gian đầy chất trữ tình cho vở diễn. Tác phẩm được trao cho toàn bộ diễn viên trẻ Đoàn II của Nhà hát. Họ thuộc lứa tuổi sau hoà bình nhưng dường như lại cảm nhận được cuộc sống trong chiến tranh của thế hệ cha mẹ họ. Chính vì vậy ở họ luôn có sự hóa thân đến chân thực khi thể hiện và chuyển tải phần tâm lí phức tạp của những “con người” trong kịch đến với người xem. Đã có thể ghi nhận ở đây những tên tuổi mới : Phương Cúc, Mạnh Hùng, Vũ Long, Thiên Hoa…Thế hệ diễn viên thứ bảy của Nhà hát CL TƯ đang bước tiếp con đường của những người đi trước. Chúng ta được quyền tin và chờ đợi những cống hiến mới của họ./.
Bình Minh (Theo ĐAKT)