Từ trước tới nay, tuy không nói ra, nhưng ai cũng tự hào ngầm hiểu : Cải lương là … đặc sản của vùng đất phương Nam ! Và chỉ có người Nam bộ mới ca cải lương một cách nhuần nhuyễn được. Thảng hoặc người nơi khác muốn ca được bài vọng cổ đúng điệu, thì phải tập phát âm theo giọng Nam. Như anh Minh Châu, chị Thanh Vy ở Nhà hát Trần Hữu Trang thủa nào
Từ trước tới nay, tuy không nói ra, nhưng ai cũng tự hào ngầm hiểu : Cải lương là … đặc sản của vùng đất phương Nam ! Và chỉ có người Nam bộ mới ca cải lương một cách nhuần nhuyễn được. Thảng hoặc người nơi khác muốn ca được bài vọng cổ đúng điệu, thì phải tập phát âm theo giọng Nam. Như anh Minh Châu, chị Thanh Vy ở Nhà hát Trần Hữu Trang thủa nào
Thế nhưng sáng 18/11/2003, Đài VTV 3 đã phát 30 phút cải lương với đề tài Tô Đát Kỷ. Và tôi là dân Nam Bộ mê cải lương rặt ròng bỗng thấy sững sờ, bàng hoàng !!! Hay quá là hay! Đó là diễn viên Thu Trang của Nhà hát Cải lương Việt Nam! Chỉ trong một chập cải lương 30 phút ngắn ngủi, chị đã xử lí nhuần nhuyễn rất nhiều các bài bản cổ của cải lương – chứ không riêng gì vọng cổ. Mỗi một tình huống tâm lí là một làn điệu phù hợp hết sức “trúng bề trúng khía” với tâm lí nhân vật. Không khí đong đầy nhạc cảm cải lương và tính tự sự cao của loại hình nghệ thuật này… Dạo gần đây, nhân danh lý do : như thời đại đã công nghiệp hóa nhanh vội, thì cải lương cũng phải có tiết tấu vội, nhanh, tức phải bớt đi bài bản mà phải thoại nhiều hơn. Tôi trộm nghĩ : Cải lương và thoại kịch là hai lĩnh vực khác nhau. Cải lương có cái hay do đặc trưng riêng của nó, trong đó có việc sử dụng các bài bản. Lẽ tất nhiên sử dụng sao cho đắc địa, đúng chỗ, đúng nơi nhất để tôn vinh cái sở trường của mình (những vở của Hà Triều – Hoa Phượng đa số đều là tác phẩm đúng nghĩa nhất của cải lương, một cải lương viết hoa và hiểu theo ý từ trang trọng nhất, nghĩa là một nghệ thuật rất khó ca trong diễn và diễn trong ca).
Trở lại với chập cải lương ngắn Tô Đát Kỷ, phải nói Thu Trang đã có một trình tự diễn xuất thật tuyệt vời. Chị đã tài tình chuyển biến từ cái bi thuần khiết khi con người tiểu thư Thiên Lương chợt sống lại nơi mình, sang cái ác, cái dâm bạo liệt khi con Hồ Ly sống dậy từ cái thân xác mà nó đã nhập vào để ẩn thân và để hoành hành !Nhưng cái đáng nói ở đây là nghệ thuật ca và ca bằng tiếng Bắc chuẩn mực các bài bản cổ của cải lương và lẽ đương nhiên là cả bản vọng cổ. Thu Trang ca rất tròn vành rõ chữ, luyến láy cũng rất ngọt ngào, đầy âm sắc cải lương. Nghe chị ca, tự nhiên tối thấy các bài bản cải lương như mang một diện mạo mới : khỏe khoắn hơn và cũng nhiều chất thơ hơn ! Tôi tự trách mình vì sự bảo thủ không nên có. Tại sao cam Bố Hạ, vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên đã vào tới đất cực Nam của Tổ quốc, tại sao sầu riêng, măng cụt Cái Mơn, xoài cát Hoa Lộc đã vàng rộm, thơm lừng bắt mắt ở các phố chợ miền Bắc, thì ta lại quên béng đi cái ý niệm về văn hóa, vốn tự nó có một tiềm lực giao lưu mạnh mẽ nhất. Từ đây, ta có thêm một từ : cải lương ca giọng Bắc, một nhánh sông sẽ đem theo phù sa sông Hồng về đắp bồi cho mái nhà nghệ thuật chung của cả nước. Cái đáng lo chăng là chúng ta ở miền Nam vẫn tự ru ngủ mình bằng những hào quang của một thời, mà quên đi khái niệm : đứng lại, bằng lòng với cái vốn sẵn có, là một cách lùi bước trước đà tiến lên của thời đại ! Mảnh đất Nam bộ đã trao cho ta viên ngọc quý nghệ thuật cải lương, nhưng nếu không siêng năng giũa mài trau chuốt, mà ta cứ bỏ sở trường mà chạy theo sở đoản, thì bụi thời gian sẽ phủ che viên ngọc và chôn vùi nó. Lúc đó ta sẽ là một “Hồ Nguyệt Cô mất ngọc”.
Tích tuồng xưa, bài học cũ vẫn còn nguyên giá trị thực tế của nó. Những động thái để kịp thời sửa chữa vẫn không là quá muộn.
Lê Thị Linh Lan
(Theo Tuần báo Sân khấu TP HCM)