Bắt đầu con đường nghệ thuật không mấy suôn sẻ, có lúc tưởng đã “đoạn tuyệt” với nghề, nhưng NS Hoàng Tùng vẫn quyết tâm trụ lại “mảnh đất” cải lương. Gần đây nhất diễn xuất của anh đã được ghi nhận trong hai vở khá đình đám là “Dấu ấn một thời” và “Con côi họ Triệu”.
* Chào anh! Anh có thể chia sẻ với độc giả MTV.VN kỷ niệm của ngày đầu chập chững vào nghề được chứ?
– Nói ra thì như các cụ bảo “thấy sang bắt quàng làm họ”, hồi bé tôi học cùng khóa với ca sỹ Thanh Lam, Hồng Nhung ở lớp Sơn ca của “Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội”. Học thanh nhạc ngay từ nhỏ như thế nhưng không hiểu sao lại chuyển hướng sang cải lương. Có lẽ là do cơ duyên, do cái nghiệp của mình. Thi đại học thiếu nửa điểm là thành giáo viên dạy văn đấy. Nghĩ lại cũng buồn cười. Đúng lúc đó thì nhà hát tuyển, thấy hay nên tôi quyết định thử xem thế nào thế vì lúc đó thú thực là cũng chưa biết gì nhiều về nghệ thuật cải lương.
May mắn được một số thầy cô ở lớp tạo nguồn như thầy Nguyễn Lân, Văn Vĩnh, cô Lâm Thanh hướng dẫn. Nhưng có lẽ điều đặc biệt hơn cả là tôi được gặp và học trực tiếp NSUT Kim Sinh có thể nói là một trong những người “gạo cội” nhất của cải lương phía bắc. Tôi theo học hệ trung cấp của trường do ĐH SK ĐA cấp bằng theo chương trình nhà hát và nhà trường cùng đào tạo. Sau 3 năm học tập tôi lại có cơ hội được giữ lại đoàn công tác.
Lúc đó không biết gì về cải lương, và do quen hát thanh nhạc nên khi chuyển sang cải lương thì giọng hát rất cứng. Trong khi hát Cải lương là phải mùi mẫn, cần sự truyền cảm và ngọt ngào. Hai dòng nhạc này khác nhau hoàn toàn về âm vực, cũng như cách nhả chữ, luyến láy. Với tôi đó là khó khăn đấy vì lúc đầu mọi người nghe còn bảo “Tùng ơi, sao hát mà cứ như Tây hát cải lương thế”. Mà đúng thật, mình nghe cũng thấy khó chịu. Các thầy cô cũng nói “Không biết sau này em sẽ làm nghề như thế nào với giọng hát ấy”. Tôi đã trăn trở rất nhiều với những lời nhận xét ấy. Vì sự thực là phần ca của tôi chưa ổn, cần phải bổ sung nhiều hơn. Quyết tâm trở thành một diễn viên đạt cả thanh và sắc tôi đã bỏ thời gian rất nhiều để luyện tập. Tôi xin các băng tư liệu về tập nghe. Ngoài ra tôi còn thuận lợi hơn những người khác là được thu thanh trên đài tiếng nói VN, hỏng thì thu lại, từ đó dần dần tôi học được cách nhả chữ sao cho hay, cho tình cảm.
* Anh ấn tượng nhất điều gì ở môn nghệ thuật này?
– Giai đoạn trước cải lương còn rất thịnh hành, nghệ sĩ cải lương được hâm mộ và chào đón nhiệt tình hơn hẳn những ca sĩ nhạc trẻ bây giờ. Ngày ấy cả xóm tôi ở chỉ có cái tivi đen trắng thôi, nhưng mỗi khi có vở diễn là cả xóm cùng đến xem. Lúc ấy tôi cũng mê lắm. Hay một điều là xem câu vọng cổ nào tôi cũng biết đổ về đúng câu đấy. Tôi có ấn tượng nhất vở “Tiếng trống Mê Linh” của cố NSUT Thanh Nga và NSUT Thanh Sang.
* Còn những buồn vui của nghề diễn từ khi anh theo đuổi môn nghệ thuật này cho đến giờ?
– Kỉ niệm vui nhất mà không bao giờ có thể quên được là lúc tôi được tuyển vào nhà hát. Ông cụ thân sinh vui lắm, cầm giấy báo điểm của con đi khoe khắp xóm. Ông cụ đi bộ từ phố Phùng Hưng đến tận nhà hát (phố Hồng Mai) để xem con thi. Đó là nguồn động viên mà tôi không thể diễn tả thành lời. Lúc ấy trong mắt gia đình tôi đã thành một nghệ sĩ cải lương tương lai, thành niềm tự hào của bố. Nhưng kỉ niệm buồn cũng nhiều lắm. Đúng là cuộc sống, không phải điều gì cũng giống như suy nghĩ của mình.
Tôi cứ tưởng tượng ra trường sẽ đi làm nghề ngay, nhưng ra nghề rồi mới thấy có những khó khăn, những rào cản về cả bản thân mình và yếu tố khách quan bên ngoài. Buồn vì bản thân vẫn chưa chinh phục được nghề nghiệp, chán về khả năng của mình, tôi có lúc đã bi quan. Đỉnh điểm là năm 1992 tôi đã định thôi nghề, xác định là có lẽ không theo nghề được nữa. Bỏ vào Sài Gòn đến tháng thứ 3 thì tôi không chịu nổi vì nhớ sân khấu, nhớ công việc quá.
Sau lần ấy, tôi càng quyết tâm luyện tập, kiên trì từng chút một như con kiến tha mồi về làm đầy tổ. Đến năm 1998 lần đầu tiên được tham gia Cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng. Năm đó tôi đạt giải triển vọng, khỏi phải nói tôi vui sướng như thế nào, giải thưởng đó có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với tôi. Tôi đã nghĩ cuối cùng thì công sức mình bỏ ra cũng đã được đền đáp phần nào.
* Cảm ơn anh! Chúc anh ngày càng thành công trên con đường nghệ thuật!
Hoàng Văn Tùng
– Sinh ngày: 15. 12. 1970 (tại Hà Nội).
– Từ 1988 đến 1991 theo học tại Nhà hát Cải lương Việt Nam, 1993 về làm biên chế chính thức của Nhà hát.
– Đã tham gia các vở : “Tình sử lộ Đà Giang” năm 1998 với vai Nhật Bằng; “Khoảng trống vô hình” vai Vĩnh; “Thánh Nhân” (kịch bản của Nhật Bản) vai Hasi; “Hecnani” vai Siva; “Những người đi tiếp” vai bác sĩ Trung; “Dấu ấn giao thời” năm 2007 vai Lí Huệ Tông; “Con côi họ Triệu”( kịch bản Trung Quốc) năm 2008 vai Trình Anh.
– Tham gia một số vai diễn nhỏ trong các bộ phim truyền hình như: Đường đời; Dãy bàn bốn người; Cảnh sát hình sự; Men say; đặc biệt đang tham gia bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” bộ phim có kinh phí lớn nhất chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngọc Yến (Nguồn : mtv.vn)