Minh Thành sinh và và lớn lên tại Hà Nội, trong suốt thời gian thơ ấu, Cải lương là loại hình nghệ thuật xa lạ với anh.
Năm 15, 16 tuổi, sau những lần tiếp xúc với các nghệ sĩ cải lương Nam bộ ở gần nơi mình làm việc, anh cảm thấy thích bộ môn kịch hát được khai sinh ở vùng đất phương Nam ngập tràn ánh nắng mặt trời ấy… Rồi từ thích đến say mê, đến yêu là điều hoàn toàn tự nhiên.
Niềm yêu thích cùng với năng khiếu trời cho đã giúp anh vượt qua kỳ thi tuyển của Đoàn Cải lương Nam bộ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang bây giờ). Tháng 01/1974, anh bắt đầu vào học và làm việc tại Đoàn. Từ đây cũng bắt đầu cuộc đời nghệ sĩ đầy hấp dẫn, nhưng cũng không kém phần gian khổ của anh. Một may mắn mà anh cho là không phải người nghệ sĩ cải lương Bắc nào cũng có được, đó là ngay khi mới bước vào nghề anh đã được các nghệ sĩ cải lương Nam bộ chỉ bảo, kèm cặp. Các nghệ sĩ Thọ Hùng, Tấn Đạt, Phạm Thành không chỉ là những nghệ sĩ nổi tiếng trên sàn diễn, mà còn là những người thầy mẫu mực, các thầy đã tận tình truyền lại cho anh những kiến thức cơ bản của một diễn viên cải lương, từ ca, vũ đạo, và cả lý luận sân khấu nữa, không những thế anh còn tiếp thu được những tinh hoa nghề nghiệp ở các thầy nhờ sự tinh ý, ham học hỏi của mình. “Học thầy không tày học bạn”, trong suốt quá trình khổ luyện của mình, anh luôn noi theo các bậc đàn anh như: Minh Cảnh, Minh Vương, Thanh Tuấn, Hoài Thanh… Xem các bậc đàn anh hát và diễn để rút ra những điều bổ ích cho bản thân mình. Thái độ nghiêm túc cầu thị đó đã đem lại cho anh những bước tiến sau này. Tháng 6/1976 anh về Đoàn Cải lương Bắc TW – tức Nhà hát Cải lương TW – và gắn bó với Nhà hát cho đến bây giờ.
Nghệ sĩ cải lương không đơn giản là một ca sĩ, ngoài việc ca hay là tiêu chuẩn đầu tiên, họ còn là những diễn viên. Nếu như đạo diễn là người giải thích tác phẩm thì diễn viên là người thể hiện sự giải thích ấy với khán giả, là người biến những dòng thoại khô cứng của văn bản, những ý tưởng “nằm giữa” những dòng chữ trong kịch bản của tác giả, đạo diễn thành những hình tượng sống động, có sức cuối hút khán giả. Minh Thành rất hiểu điều đó, ngoài việc chăm chỉ luyện tập để có được một giọng ca hay, anh còn không ngừng bồi đáp thêm cho mình những tri thức văn hóa xã hội, nhờ có vốn tri thức này nên anh không gặp nhiều khó khăn lắm trong quá trình hóa thân vào nhân vật, cho dù nhân vật đó thuộc lớp người nào trong xã hội và ở thời điểm lịch sử nào, là người Việt Nam hay người nước ngoài. Bởi vậy, ngay từ vai diễn đầu tiên, anh đã chiếm được cảm tình của khán giả, dù rằng đó chưa phải là vai chính : như vai lính Tâm trong vở Hương Tràm (1977 – 1978). Từ đó cho đến nay anh đã qua hàng trăm vai diễn, vai phụ cũng có mà vai chính lại càng không ít, nhưng với vai diễn nào anh cũng để lại được một dấu ấn trong lòng khán giả: Lục Vân Tiên (Lục Vân Tiên), Nam (Đôi dòng sữa mẹ), Phong (Khi thành phố lên đèn), Nguyễn Hùng (Trả giá cuộc đời), Pati (Biển tình cay đắng – chuyển thể từ tiểu thuyết Mùa tôm của Ấn Độ), Thông (Những khoảnh khắc đời người)… Giờ đây, cái tên Minh Thành đã trở nên quen thuộc với những người yêu cải lương. Những người đã xem anh diễn, hay mới chỉ được nghe giọng hát của anh qua băng, hay qua làn sóng của các đài phát thanh và truyền hình đều yêu thích và ngưỡng mộ tài năng của anh. Khi vào sáng tạo trên con đường nghệ thuật vô cùng đẹp đẽ nhưng cũng vô cùng gian truân này. Sau hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu cải lương, với những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng sân khấu cải lương Bắc, “gia tài” đáng giá nhất của Minh Thành và cũng được anh quí trọng nhất chính là niềm yêu thích và lòng ngưỡng mộ của khán giả và không ít huy chương vàng mà anh đã giành được trong các đợt liên hoan, hội diễn. Đối với một nghệ sĩ, có lẽ như thế là “quá giầu có”.
Không thỏa mãn với những gì đã đạt được, cho đến nay anh vẫn không ngừng luyện tập, tìm tòi, tiếp tục hoàn thiện giọng hát để vượt lên chính mình và vì lòng tin yêu của khán giả. Mặc dù hiện thực sân khấu đang làm nản lòng không ít người, mặc dù cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan nhưng tình yêu của anh với sân khấu vẫn không hề suy giảm. Mỗi lần lên sàn diễn là một lần anh lại vượt qua những ưu tư, trăn trở thường ngày, lúc ấy anh như xuất thần và chìm vào trong những ước vọng sáng tạo con người và tâm hồn anh thăng hoa cùng với nghệ thuật, để đem lại cho khán giả những khoảnh khắc kỳ diệu.
Có lẽ, chính anh và những nghệ sĩ như anh đang gắng đưa sân khấu trở lại thời hoàng kim đã mất. Chúng ta chờ đợi và mong anh thành công.
Võ Hoàng Lan (Theo Tạp chí VHNT)