Bà con khối phố và bạn bè thường gọi anh là: Ngọc Chi cải lương Nam bộ.
Với dáng vẻ hơi phong sương, nhưng có đôi mắt biết cười, cái miệng rất duyên, giọng nói trầm ấm, anh kể về cuộc đời của anh như sau:
Sinh ngày 10-10-1954, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông nội đã từng là diễn viên của Đoàn Chèo Hà Nội, cùng thời với Năm Ngũ, Hoa Tâm. Cũng thời ấy ai đã xem vở Sợi tơ vàng, chắc hẳn không thể quên được một ngương mặt nữ diễn viên xuất sắc Nguyễn Thị Cúc hay Tuyết Lễ, đó chính là bà nội của Ngọc Chi. Ngọc Chí là bố, Mộng Thư là mẹ, đều là diễn viên có tiếng của Đoàn Cải lương Kim Phụng, cùng thời với Tuấn Sửu, Sỹ Cát, Tùng Ngọc – hiện đã về hưu vì tuổi cao.
Anh chị em của Chi đa số đều theo nghệ thuật, Túy Diệp là diễn viên của Đoàn Cải lương Chuông Vàng, Mai Phương diễn viên Đoàn Kịch nói Bắc Thái, Kim Lan là diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 9, Nguyệt Châu hiện ở Đoàn Văn công Tiền Giang, Chí Hùng là diễn viên của Nhà hát Cải lương Hà Nội, Vợ Ngọc Chi là Thúy Quỳnh, một thời là diễn viên của Nhà hát Cải lương Trung ương, nay đã nghỉ hưu.
Thủa thiếu thời, Chi hay được nghe những làn điệu dân ca của các miền do bố, mẹ và các chị thường hát. Điều đó đã ảnh hướng lớn trong Chi. Khi đi học, những bài thơ, bài văn phải học thuộc lòng, Chi thường lấy đó làm lời và đặt vào các làn điệu dân ca để dễ học, dễ nhớ.
Ngày tháng dần trôi, sự đam mê với nghệ thuật sân khấu cải lương ngày càng đắp đầy trong Chi. Năm 1969, trúng tuyển diễn viên Đoàn Cải lương Kim Phụng. Bắt đầu từ đó, Chi bước vào “nghiệp” cầm ca.
Biết nói thế nào cho thật đầu đủ với “nghiệp” mà bao năm qua Chi đã gắn bó! Vui nhiều, nhưng buồn cũng không ít, chỉ biết rằng nhiều khi thuận buồm xuôi gió và cũng có lúc khúc khuỷu thăng trầm.
Ngọc làm diễn viên cho Đoàn Kim Phụng được 02 năm, do yêu cầu của tổ chức Chi lại chuyển sang Đoàn Cải lương Nam bộ.
Thời gian ấy, đất nước đang chiến tranh, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chi cũng như bao thanh niên khác cuốn gói hành trang lên đường nhập ngũ, thực hiện tròn bổn phận của người công dân đất Việt. Hơn hai năm chiến đấu bảo vệ vùng trời thân yêu của Tổ quốc, Chi đã gửi lại mảnh đất Ninh Bình một phần máu thịt. Bị thương vào chân, được đưa về tuyến sau điều dưỡng, nhiều lúc cũng thấy chán nản, nhưng cái ma lục của cuộc sống văn nghệ đã kéo Chi lại với nghề.
Bị thương không thể diễn được trên sân khấu, nên Chi đã chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi phục hồi sức khỏe, Chi lại chuyển về Đoàn Cải lương Nam bộ đóng tại 23 Ngô Thời Nhậm, lúc đó anh Đoàn Chi Lăng làm trưởng đoàn.
Khi non sông đất nước về một mối, cuối năm 1975, Chi cùng nghệ sĩ Thanh Vi, Ái Xuân, Công Thành, Tấn Đạt lên đường vào Nam để thành lập Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và ở đó 4 năm.
Năm 1979, Chi lại cùng với nghệ sĩ Tiêu Lang, Kim Xuân ra Bắc thành lập Nhà hát Cải lương Trung ương, rồi ở đó từ thời gian ấy đến nay.
Hỏi về những ấn tượng đáng nhớ trong các vai diễn, anh kể :
Chi đã tham gia nhiều, từ vai quần chúng đến thiếu niên, thanh niên, chính diện, phản diện… Ở mỗi vai khi diễn xong, Chi tự mình rút ra những điểm yếu và điểm mạnh, có như thế “tay nghề” mới ngày càng được nâng cao hơn. Lần đâu tiên khi bước vào nghề, Chi sắm vai bé Hà bán lạc rang trong vở: Trận tuyến thầm lặng (1969) của tác giả Thanh Tuyền. Đây là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nghệ thuật của Chi. Tiếp theo, năm 1976, Chi lại vào vai Võ Minh Luân trong vở Đời cô Lựu của tác giả Trần Hữu Trang do NSND Sỹ Tiến soạn lại. Ở vai này, Chi đã đồng điệu, hòa nhập một cách thực sự tính cách, nội tâm nhân vật. Nhiều đoạn trong vở đã làm cho Chi rưng rưng lệ. Thế rồi, không hiểu có phải là cái duyên dàn dựng: vai Trần Toán (Tướng cướp) trong vở Hoa bất tử, kịch bản Phùng Dũng, vai Thắng (nghiện) trong Khoảnh khắc đời người của Nguyễn Thị Hồng Ngát, anh thương binh trong Sám hối do đạo diễn Lê Chức dàn dựng. Tất cả đã để lại trong Chi những ấn tượng nghệ thuật đẹp.
Ngọc Chi cũng như bao nghệ sĩ chân chính khác từng phút, từng giờ, vẫn đang cần cù góp nhặt từng hạt phù sa để bồi đắp cho bến bờ nghệ thuật nước nhà nói chung và nghệ thuật Cải lương nói riêng ngày thêm mầu mỡ.
Xin chúc anh thu lượm được nhiều thành công trong lĩnh vực nghệ thuật của mình !
Minh Thắng (Theo Tạp chí VHNT)