Cải lương là một hình thức ca kịch dân tộc. Nói đến ca kịch trước hết phải đề cập đến vấn đề âm nhạc, vì âm nhạc là xương sống, là linh hồn của kịch chủng. Trước khi tìm hiểu về toàn bộ lịch sử nghệ thuật sân khấu cải lương, cần tìm hiểu gốc của nó, linh hồn của nó, tức là âm nhạc.
NHẠC CỔ
Theo các tài liệu xưa, dàn nhạc cổ Việt Nam đã có từ rất lâu đời. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước đây (1437), Lương Đăng và Nguyễn Trãi vâng mệnh định nhã nhạc. Nhạc tấu trên nhà có tám thanh như trống treo lớn, khánh, chuông, đàn cần, đàn sắt, kèn, sáo quản, thược, chúc, ngữ, huân, trì … Nhạc tấu dưới nhà thì có phương hưởng treo, không hầu, trống quản cổ, kèn quản dịch”. Còn trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ chép: “Khoảng năm Hồng Đức nhà Lê (1470 – 1497) … đặt ra hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc. Bộ Đồng văn thì chuyên ghép âm luật để hòa nhạc, bộ Nhã nhạc thì chuyên chú về giọng người, trọng về tiếng hát, cả hai đều thuộc quyền quan thái thường coi xét. Đến như âm nhạc dân gian thì có đặt ty giáo phường coi giữ “ … “Từ đời Quang Hưng (1578 – 1599) về sau, hai bộ Đồng văn Nhã nhạc có dùng một loại trống lớn Ngưỡng thiên và một cái kèn lớn bằng trúc nạm vàng, cùng là cái long sinh long phách và các loại đàn ba dây, bốn dây hoặc mười lăm dây, cái ống sáo, cái trống cảnh một mặt, cái trống tang mỏng sơn son thiếp vàng, cái phách xâu tiền”.
Từ lúc còn ở miền Bắc, Trung, dàn nhạc cổ của dân tộc ta cũng đã phát triển khá cao, có nhiều thứ nhạc cụ, bài bản có ghi chép chứ không phải ở mức làn điệu truyền miệng.
Mở đường vào khai phá miền Nam, bên cạnh gươm, giáo, búa, rìu (dụng cụ chiến đấu và sản xuất), tổ tiên chúng ta còn mang theo một nền văn hóa, trong đó có một vốn nhạc phong phú bao gồm:
1)Nhạc lễ (tụng đình)
2)Nhạc đồng bóng
3)Nhạc nhà chùa
4)Nhạc tuồng (hát bộ)
Chưa kể vốn nhạc dân gian (dân ca) sẵn có trong nhân dân. Mỗi loại nhạc có một nhiệm vụ nhất định.
NHẠC LỄ
Từ thời chúa Nguyễn, ở Đàng Trong đã có những đội quân của nhà chúa. Trong số những người lên đường vào miền Nam khai hoang lập ấp có những nhạc công xuất thân từ những đội quân nhạc, được cho định cư để sản xuất tại các khu dinh điền. Vốn coi nhạc là nghề, cho nên không còn được phục vụ bên cạnh chúa, họ lại quay sang phục vụ nhân dân trong các ngày tế lễ, ma chay. Nhạc lễ từ chỗ chỉ dùng trong cung đình, được phát triển rộng rãi ra ngoài nhân dân, song song với nhạc hát bội dùng trong việc cúng đình (lễ xây chầu, đại bội) và trong các đám ma chay (trong chay ngoài bội).
Tổ chức dàn nhạc lễ gồm: bộ kéo, bộ gõ, bộ thổi
Xa triều đình, gần với quần chúng nhân dân trong sinh hoạt mới, đất mới đối tượng mới, dòng nhạc lễ dần dần thay đổi chất và có điều kiện phát triển. Trong các đám cúng tế, nhất là ma chay, nhân dân cần một thứ sinh hoạt âm nhạc khác ngoài nhạc lễ. Nhất là ma chay: gia chủ và người trong nhà cần thức. Trong đêm cúng tế, nhân dân muốn giữ cho không khí ấm cúng, về khuya, gia chủ đặt tiền cho dàn nhạc lễ tiếp tục hòa tấu những bài bản nhẹ nhàng. Trong buổi hòa tấu này, dàn nhạc lễ tước bớt những nhạc cụ như: trống, kèn, nhạc cụ gõ, còn lại chỉ có “đàn cây”. Nghĩa là cũng tấu những bài nhạc lễ, nhưng không dùng bộ gõ và bộ thổi, chỉ dùng bộ kéo và thêm bộ khảy.
Sinh hoạt âm nhạc “chơi đàn cây” được phổ biến và được nhiều người ưa thích. Người ta thi nhau học nhạc cụ, làn điệu bài bản. Các tầng lớp đều nô nức học: nông dân, trí thức, nhà nho, tiểu tư sản …
Khi sinh hoạt này phổ biến rộng rãi thì đối tượng của nhạc lễ thay đổi: từ đối tượng trước kia là thần linh, chuyển sang đối tượng ngày nay là quần chúng lao động, lần lần tự nó phải thay đổi chất. Từ tính chất tế lễ, trang nghiêm chung chung, nhạc lễ chuyển sang chất mới cho phù hợp với đối tượng mới.
Sự thay đổi chất của dòng nhạc lễ là một sự chuyển biến rất hợp quy luật: văn nghệ phải phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của đông đảo quần chúng lao động. Danh từ nhạc tài tử ra đời.
NHẠC TÀI TỬ
Gọi là nhạc tài tử để phân biệt với nhạc lễ, nhạc hát bộ. Tài tử tức là không phải nhạc công chuyên nghiệp, như chữ amateur của Pháp. Xưa những nhà nho am tường các môn cầm, kỳ, thi, họa được gọi là những người tài tử.
Sự chuyển biến thay đổi về chất từ nhạc lễ sang nhạc tài tử được thể hiện rất rõ ở ba điểm:
a) Tổ chức dàn nhạc:
Muốn đi sâu phản ánh tâm tư tình cảm của nhân dân thì phải bỏ bớt những nhạc cụ ồn ào, gợi những không khí thần linh như trống phách (bộ gõ), kèn sáo (bộ thổi); ngoài bộ kéo (hồ nhị), bổ sung thêm bộ khảy (đàn kìm, tranh, sến, tam … ) để diễn tả tiếng lòng của con người đến từng phím tơ một, dàn nhạc tách ra, qui mô nhỏ, ít tốn kém, phù hợp với điều kiện kinh tế phân tán. Sinh hoạt này mất hẳn tính chất lễ bái mà đi vào cuộc sống trần tục (biểu diễn trong những dịp cưới gả, tiệc tùng, họp mặt ở nhà hàng, chơi bời trong những đêm trăng sau ngày lao động).
Do “chơi đàn cây” hòa tấu từng nhóm nhỏ hay độc tấu, nên kỹ thuật diễn tấu ngày càng được trau chuốt và phát triển bằng những ngón, những kỹ xảo tinh tế.
Nhiều nhạc cụ cổ được cải cách, đồng thời nhiều nhạc cụ mới được sử dụng để chơi nhạc tài tử, khiến cho dàn nhạc tài tử ngày càng phong phú và đa dạng.
b) Về bài bản, làn điệu:
Nhạc lễ với những bài như Long ngâm, Long đăng, Tiểu Khúc, Vạn Giá … mang tính chất trang nghiêm không phù hợp với việc diễn tả tâm tư tình cảm của quần chúng, vì vậy người ta thấy cần sáng tác những bài bản mới trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa của dân ca, trên cơ sở âm điệu dân tộc.
Dòng nhạc tài tử – ngoài việc sử dụng một số bài nhạc lễ – đã phát triển nhờ ba nguồn chủ yếu:
1/ Sử dụng, phối nhạc và nâng cao các bài dân ca Huế và Nam Bộ như: Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý cây chanh, Lý bánh bò, Lý chuồn chuồn, Lý giao duyên, Lý vọng phu …
2/ Sử dụng và cải biên một số bài nhạc cổ Trung Bộ như: Kim tiền Huế, Hành vân Huế, Nam xuân, Nam ai, Xuân tình, Lưu thủy, Phú lục, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã …
3/ Sáng tác mới trên cơ sở âm điệu dân tộc như: Giang nam, Phụng hoàng, Tứ đại, Phụng cầu, Văn Thiên Tường, Bình sa lạc nhạn, Đường thái tôn, Chiêu quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan…
Theo sự phân tích của các nhạc sĩ am tường nhạc mới thì các bản nhạc tài tử:
a)Về mặt luật sáng tác: được sáng tác theo một cấu trúc tương đối hoàn chỉnh, về giai điệu và khúc thức.
b)Về ký âm và hòa thanh: có bản nhạc riêng cho từng nhạc cụ (tuy sự ghi chép không khoa học lắm), nên khi hòa tấu đã hình thành một sự hòa tấu tự nhiên.
c)Về mặt nội dung tình cảm: dễ thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm, ngoài những bản nhạc trong nhạc lễ được phát triển cách diễn tấu, các nhạc sĩ còn sắp xếp các bài bản theo từng loại điệu thức:
– Điệu thức Bắc: mang tính chất trong sáng, vui vẻ, khoẻ.
– Điệu thức Nam: mang tính chất man mác, nhẹ nhàng (đồng thời được phân chia thành Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo).
– Điệu thức Oán: mang tính chất bi ai, buồn thảm, là điệu thức được sáng tạo sau này, hoàn toàn thoát ly những hình thức cấu tạo theo kiểu nhạc lễ, nó có khả năng thể hiện tâm tư tình cảm của con người đương thời một cách tinh vi, sâu sắc.
d)Về lời ca viết theo nhạc: nhạc lễ trước đây không có lời ca. Khi chơi đàn cây trong các buổi ma chay, cúng lễ, có người uống rượu say. Hứng chí ca cương mấy câu theo nhạc, sau đó có những trí thức Nho học nghĩ cách soạn lời ca cho nhạc. Yếu tố thanh nhạc thêm vào khí nhạc, đó là một bước phát triển quan trọng của nhạc tài tử, nhưng điều quan trọng hơn cả là qua việc sáng tác lời cho nhạc, các tác giả phần nào đã phản ánh tâm tư ước vọng của quần chúng cũng như tâm tư của chính họ. Lời viết thường dựa theo thơ ca cổ: Kiều, Lục Vân Tiên …
Sinh hoạt âm nhạc tài tử rất hấp dẫn đông đảo quần chúng, do đó phát triển rất mạnh. Vào khoảng năm 1900, sinh hoạt này đã phổ biến khắp Nam Bộ. Xã nào cũng có người chơi nhạc tài tử. Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, sinh hoạt này phát triển mạnh nhất, nguyên nhân là nền kinh tế đã được ổn định tạm thời. Nhiều ban nhạc, nhạc công và ca sĩ nổi tiếng đã xuất hiện. Trung tâm phát triển của phong trào nhạc tài tử là các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sài Gòn … là những tỉnh trù phú, nhiều lúa gạo, có đường giao thông thuận tiện.
Có thể lấy năm 1909 là năm xuất bản tập sách dạy đờn ca của Phụng Hoàng Sang (nhà in Đinh Thái Sơn) làm năm đánh dấu cái mốc định hình của nhạc tài tử. Trong tập này đã có những bài bản chủ yếu của nhạc tài tử như: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán chấn, Xuân tình, Bình bán vắn, Bát man tấn cống, Tứ đại, Phụng hoàng, Nam Xuân, Nam ai …
Năm 1915, năm mở màn của phong trào ca ra bộ – nhà in Phát Toán cho in các tập sách dạy đờn ca của Phạm Đăng Đàn, Nguyễn Tùng Bá, Đỗ Văn Y … Ngoài những bài mà tập sách năm 1909 đã có, chỉ thêm được một bài Lý ngựa ô Nam mà thôi.
CA RA BỘ
Khoảng 1912 đến 1915, sinh hoạt đờn ca tài tử có một chuyển biến mới. Hình thức ngồi trên bộ ván để đờn ca quá tĩnh, không thỏa mãn quần chúng nữa. Người nghệ sĩ trong lúc đờn ca đã cảm thấy có nhiều nhu cầu diễn đạt bằng động tác cụ thể, hành động cụ thể theo nội dung lời ca. Do đó đẻ ra một hình thức mới là ca ra bộ (ca có động tác kèm theo).
Theo nhiều tư liệu, loại ca ra bộ phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) nhà thầy Phó Mười Hai Tống Hữu Định từ năm 1916. Tống Hữu Định người làng Long Châu, làm phó tổng Bình Long, từng tham gia phong trào Duy Tân, mượn lý do trùng tu văn miếu Vĩnh Long (nơi có thờ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông) để phát động cuộc dựng bia với thân hào nhân sĩ địa phương. Tính ham mê đờn ca, chiều chiều ông thường cho mời những người yêu thích nhạc tài tử đến nhà chơi như các ông Nguyễn Thành Điển, đốc học Lê Ninh Thiệp, trưởng tòa Trần Chí Giang, kinh lịch Trần Quang Quờn, giáo sư Nguyễn Văn Hanh, nhạc sĩ Trần Văn Diện tức Năm Diện, Ba Phương, Hai Giỏi, Hai Nghị, Trần Văn Thiệt (chủ rạp hát Cầu Lầu), Lê Văn Hiến (tức Hai Hiến chủ gánh xiệc Thái Anh Tinh, gánh xiệc này đã có xen kẽ các tiết mục ca tài tử). Thấy một người ca hoài, ông Phó Mười Hai có sáng kiến đem bài Tứ đại oán Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga ra phân vai, người ca đoạn Bùi Ông, kẻ ca đoạn Bùi Kiệm, người ca đoạn Nguyệt Nga, đối đáp nhau vừa ca vừa ra bộ. Do nội dung bài ca có kịch tính lại được người biễu diễn khá linh hoạt nên lớp ca dễ được hoan nghênh, và ngày càng được phổ biến rộng rãi.
Tết ta 1917 tại Sa Đéc, gánh thầy Thận ra mắt mang tên “Gánh hát Thầy Thận Cirque Jeune Annam et Ca ra bộ Sadec – amis”. Thầy André Nguyễn Văn Thận (làm cò tàu cho công ty đường sông của Pháp) mở gánh xiệc, xen những màn ca nhạc tài tử, ca ra bộ với những nghệ sĩ như: Tư Hương (vai Bùi Ông), Bảy Thông (đày tớ của Bùi Kiệm), Tám Cang (Bùi Kiệm), cô Hai Cúc (Nguyệt Nga) … Hình thức ca ra bộ xen kẽ vào các tiết mục xiệc, vừa có tác dụng giải trí, vừa làm giãn thần kinh của khán giả nên rất được hoan nghênh. Hình thức này phát triển từ 1 đến 2, 3 nhân vật đối đáp, từ đơn giản đến có phục trang và hóa trang đơn sơ. Trang trí gần bộ ván ngựa nhỏ để tài tử biểu diễn, hai bên bày hai chậu kiểng.
Ngoài tiết mục Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga, gánh thầy Thận còn biểu diễn những tiết mục: Thằng Lãnh bán heo (Bảy Thông đóng vai thằng Lãnh), Hương Hộ hà tiện (Bảy Thông đóng Hương Hộ, cô Hai Cúc đóng vợ Hương Hộ, Tám Cang đóng đầy tớ).
Gánh xiếc của thầy Thận từng che rạp trước chợ Bến Thành, diễn rất ăn khách rồi lập gánh hát với số tiền vốn của vài công tử ở tỉnh. Năm 1920, gánh này rã, thầy Châu Văn Tú (tức thầy Năm Tú) ở Mỹ Tho rước nghệ nhân và sang nhượng tranh cảnh đưa về tỉnh nhà, lập gánh hát chuyên nghiệp, lần hồi trở thành gánh hát có uy thế, có quần chúng rộng rãi, gồm những nghệ nhân đứng đầu Nam Bộ, do đó hãng dĩa Pathé – phone chịu thâu âm đem về Pháp, ép dĩa nhựa, dành cho máy hát. Thầy Năm Tú mời ông Trương Duy Toản soạn tuồng.
Nguyên từ khi bị an trí ở Cần Thơ, ông Trương Duy Toản – từng là chiến sĩ trong phong trào Duy Tân – đã soạn những bài đơn ca như: Lão quán ca, Vân Tiên mù, Khen chàng Tử Trực, Thương nàng Nguyệt Nga (Rút từng đoạn trong Lục Vân Tiên) hoặc Kiều oán, Từ Hải (rút từ Truyện Kiều) cho ban tài tử Ái Nghĩa Phong Điền (Cần Thơ) biểu diễn. Đến khi giúp cho gánh thầy Thận với ban tài tử Bảy Đồng, ông lại nghĩ cách viết những bài liên ca như : Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga (gồm ba vai Bùi Kiệm, Bùi Ông, Nguyệt Nga), Kim Kiều hạnh ngộ (gồm hai vai Kim Trọng, Thúy Kiều). Khi giúp cho gánh thầy Năm Tú, từ những bài liên ca “Kim Kiều hạnh ngộ”, “Viên ngoại hàm oan”, “Kiều mộng Đạm Tiên”, “Từ Hải”, ông soạn lại vở Kim Vân Kiều I. Vở này là vở cải lương đầu tiên được trình diễn năm 1920, đánh dấu cái mốc hình thành của sân khấu cải lương.
Những nguyên nhân hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương
Nghệ thuật sân khấu cải lương là một hiện tượng văn hóa, sự hình thành và phát triển của nó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định. Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu những nguyên nhân đó để thấy bối cảnh xã hội và thời đại đã tác động đến con người nghệ sĩ như thế nào để có thể khai sinh ra một kịch chủng mới.
NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN
A – NGUYÊN NHÂN XÃ HỘI
Muốn hiểu tại sao sân khấu cải lương lại hình thành ở Nam Bộ vào khoảng sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), phải tìm nguyên nhân ở tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ở Nam Bộ thời bấy giờ, để thấy sân khấu cải lương ra đời là một tất yếu lịch sử, bắt nguồn từ những điều kiện xã hội và thời đại nhất định.
a) Về mặt kinh tế:
Từ trước Đại chiến thứ nhất, tầng lớp tư sản Việt Nam đã ra đời và phát triển. Họ là chủ những công trường thủ công dệt the nhiễu, làm bát đĩa, làm gạch, xẻ gỗ, làm đường; chủ những xí nghiệp có tính chất cơ khí như nhà máy xay gạo, nhà máy in, xưởng sửa chữa xe hơi và chủ những công ty buôn bán lớn có tính chất tư bản chủ nghĩa.
Tuy vậy tầng lớp tư bản dân tộc mới xuất hiện này chưa đủ hình thành một giai cấp. Cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra, thực dân Pháp vì bận chiến tranh ở nước Pháp phải ngừng cuộc khai thác ở Đông Dương. Do đó, một số đông nhà tư sản Việt Nam nhân dịp bỏ vốn kinh doanh, mở xí nghiệp. Một số nhà tư bản thương mại cũng có nhiều chi nhánh ở trong nước và xuất cảng ra nước ngoài.
Ngoài lực lượng tư sản dân tộc Việt Nam phải kể đến lực lượng tư sản mại bản Việt Nam. Có những nhà buôn lớn chuyên buôn bán hoặc làm đại lý độc quyền cho các hãng tư bản ngoại quốc. Có những nhà tư sản Việt Nam đã chung vốn với tư bản ngoại quốc thành lập những công ty buôn bán hay những xí nghiệp. Có những công ty lớn chuyên thầu những công việc chính cho tư bản Pháp hay chính phủ thực dân …
Khi giai cấp tư sản Việt Nam đang trên đà phát triển thì cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất chấm dứt. Tư bản Pháp ở Đông Dương, sau một thời kỳ bị đình trệ vì mắc chiến tranh ở bên nước Pháp đã hoạt động trở lại. Cuộc khai thác lần thứ hai bắt đầu, tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh ngày càng nhiều. Trước kia chúng chú ý vào việc tiêu thụ hàng hóa, đem hàng hóa ở bên Pháp sang độc chiếm thị trường Đông Dương, thì nay, ngoài việc bán hàng hóa, chúng đã đẩy mạnh việc xuất cảng tư bản với giá nhân công rẻ mạt ở Đông Dương để kiếm cho được nhiều lời.
Do sự tăng cường khai thác của thực dân Pháp, quyền lợi kinh doanh của tư sản Việt Nam bị hạn chế lại. Nếu giai cấp tư sản Việt Nam thời ấy được tự do phát triển thì trên con đường tiến tới của nó tất nhiên theo lối đi của giai cấp tư sản ở các nước tư bản. Nhưng giai cấp tư sản Việt Nam lại sản sinh ra từ một nước thuộc địa, dưới sự thống trị của thực dân Pháp nên đã gây nên một mâu thuẫn sâu sắc giữa sức phát triển của tư sản Việt Nam với quan hệ của thực dân Pháp. Mặt khác, do sự sản xuất theo phương pháp tư bản chủ nghĩa phát triển đã tạo nên cảnh phồn vinh giả tạo.
Về mặt nông nghiệp với kế hoạch đào kinh xáng để phát triển giao thông vận tải và cho trưng khẩn đất hoang bên kia sông Hậu, do viên toàn quyền Dumer khởi xướng. Giai cấp địa chủ ở Nam Bộ đứng ra chiêu mộ tá điền, bóc lột địa tô và cho vay nặng lãi khiến đời sống nông dân càng thêm cơ cực. Tầng lớp “điền chủ mới” thành hình. Nhiều người ở phía Hậu Giang nhưng không ít người xuất thân làm công chức lớn nhỏ phía Tiền Giang và Sài Gòn lãnh phần béo bở. Giới này làm giàu nhanh, tích lũy được chút ít vốn nhưng trước mắt vẫn thấy ba trở lực. Một là, thực dân Pháp đang khống chế về thuế vụ, giá cả. Hai là, giới mại bản Hoa kiều ở Chợ Lớn đưa vốn từ Hương Cảng và Singapo sang, độc quyền về thu mua tận miền quê, nắm luôn phương tiện chuyên chở (ghe chài, tải) và những chành (kho) ở khắp các điểm thuận lợi, tận chợ quận lại còn nắm gần như độc quyền về nhà máy xay xát. Ba là, giới “sét-ty” Ấn kiều chuyên nghề cho vay và đấu thầu thuế hoa chi các chợ, bến đò. Điền chủ người Việt làm ăn khá giả, nhờ vay vốn của tư bản Hoa kiều hoặc Ấn kiều, đem về cho tá điền vay lại.
S
au Đại chiến thế giới lần thứ nhất, ruộng đất càng tập trung nhiều, trái lại, nông dân càng phá sản nhiều. Ngoài những ruộng đất bị chiếm đoạt, người nông dân còn phải nộp tô nộp tức cho địa chủ, phú nông, nộp thuế trực thu và gián thu cho bọn thống trị càng ngày càng nặng thêm. Do đó, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với địa chủ và thực dân ngày càng thêm sâu sắc.
b) Về mặt chính trị:
Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp lập một chính quyền quân sự đứng đầu là tên đô đốc, các tên chủ tỉnh, phủ huyện cũng đều là sĩ quan Pháp. Năm 1880, chúng đặt chức thống đốc, bên cạnh đó chúng đặt ra Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, gồm sáu người Pháp và sáu người Việt do một số cử tri nhỏ cử ra. Nhưng cái màn thưa che đậy chế độ độc tài lõa lồ ấy không lừa bịp nổi ai. Cái hội đồng ấy không có quyền gì ngoài quyền đề đạt thuế vụ, ngân sách. Thực dân gấp rút lập trường thông ngôn, trường dòng … để có người làm tay sai cho chúng. Đến năm 1887, Pháp lập phủ Toàn quyền cai trị cả ba xứ Nam Trung Bắc, thì ở Nam Kỳ Hội đồng quản hạt mất bớt quyền hành, nhất là về ngân sách.
Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, đề củng cố bộ máy chính quyền có một quy mô rộng lớn trên một nền kinh tế tư bản ở thuộc địa đương phát triển và tìm một chỗ dựa cho giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản mới ra đời, thực dân Pháp chú ý mở rộng các cơ quan dân cử, kéo một số địa chủ, tư sản và trí thức tham gia chính quyền, đào tạo những tay chân mới từ một lớp người mới thay cho lớp người cũ. Cả đến bộ mặt các thành thị cũng được trang điểm thêm: công việc tuyên truyền cho chính sách “khai hóa” cũng phải ráo riết hơn.
Cũng trong thời gian này, các thứ thuế trực thu và gián thu đặt ra càng nhiều, vừa tinh vi vừa nặng nề hơn trước. Tất cả các thứ thuế mỗi ngày một chồng chất lên đầu nhân dân Việt Nam, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng cơ cực.
Do bị áp bức bóc lột nặng nề, nhân dân Nam Kỳ đã nhiều lần đứng dậy chống thực dân Pháp. Nhưng sau khi phong trào Cần Vương thất bại, trong khoảng thời gian vài chục năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX , cách mạng Việt Nam không được bất kỳ một giai cấp nào lãnh đạo. Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” ấy, một tầng lớp sĩ phu yêu nước – bộ phận tiến bộ nhất được phân hóa từ giai cấp phong kiến, có hấp thu ít nhiều “tân học” – đứng ra đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Giữa lúc đang băn khoăn tìm phương hướng cứu nước, thì họ tiếp nhận được nguồn ảnh hưởng bên ngoài đưa lại: Cuộc vận động Duy Tân ở Trung Quốc, một trào lưu tư tưởng có tính chất cải lương tư sản do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đề xướng. Đó là sự kiện nước Nhật Bản từ sau cuộc Duy Tân đã tiến lên theo con đường tư bản chủ nghĩa với tốc độ khá nhanh: Năm 1904 đánh thắng hạm đội Nga hoàng ở Lữ Thuận … Những “tân thư, tân văn” từ Trung Quốc, Nhật Bản tới tấp tràn vào Việt Nam. Những học thuyết mới như tư tưởng triết học tiến hóa luận của Đác-Uyn, với những Xpen-xơ, Hớt-xlây, những lý luận về xã hội học với những Rút-xô, Mông-tét-xki-ơ, Von-te … đã lóe lên trong đầu óc những nhà yêu nước Việt Nam đang đi tìm đường cứu nước, biến thành những gợi ý đầy hấp dẫn để giải đáp các vấn đề lịch sử đang đặt ra. Họ đã đón nhận những lý luận chính trị, tư tưởng triết học và những quan điểm đạo đức đó như là một thứ vũ khí mới để ứng dụng trong cuộc chiến đấu mới của mình. Từ đó họ đã xốc lên được phong trào cứu nước mang màu sắc của thời đại mới, với cái tên “Cải cách duy tân” (1906 – 1908).
Đầu năm 1905, phong trào Đông Du sang Nhật đầu tiên của Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, kế đó là một số chí sĩ khác trong đó có Cường Để. Năm 1907 Phan Bội Châu soạn ra bài văn “Ai cáo Nam Kỳ phụ lão” để làm tài liệu vận động đồng bào Nam Kỳ. Phong trào Đông Du phát triển mạnh mẽ ở Nam Kỳ, vào khoảng 1907 – 1908, con số du học sinh cả nước ước chừng 200, riêng Nam Kỳ đã chiếm hơn 100.
Sau khi tiếp xúc với Phan Bội Châu, ở Hương Cảng, Trần Chánh Chiếu đại biểu cho tầng lớp tư sản dân tộc mới lên có mâu thuẫn quyền lợi với tư bản Pháp và lợi ích còn ít nhiều gắn bó với dân tộc, với nhân dân, đã đứng lên cổ động công khai ở Nam Kỳ một phong trào gọi là Cuộc Minh Tân (Cuộc tức là công cuộc, Minh Tân tức là minh đức, tân dân). Ông đề ra những công việc phải làm theo gương Duy Tân của Trung Quốc: Phát triển trường dạy học, phát triển công nghệ trong nước, mở mang trường quân sự dạy thủy quân, lục quân.
Đầu năm 1908, ông đứng ra thành lập công ty Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ nêu rõ kế hoạch hoạt động là lập lò chỉ (máy kéo sợi bằng chỉ), lò dệt, lò xà bông, thuộc da và làm đồ pha-lê. Ngoài công ty lớn trên đây, đáng chú ý là hai khách sạn hoạt động với mục đích là làm kinh tài cho phong trào, đồng thời cũng là nơi tụ họp để che mắt bọn cầm quyền thực dân: Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho, Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn. Cũng cần kể đến 15 tổ chức khác đã hưởng ứng phong trào rải rác ở Sài Gòn và các tỉnh ở Nam Kỳ, từ Biên Hòa đến Rạch Giá nhằm mua bán lúa gạo, lập quán ăn, lập nhà in hoặc nhằm mục đích cho vay nhẹ lãi, lập công ty y dược để bào chế thuốc bắc theo hình thức Âu dược. Lại còn sáng kiến lập công ty tàu thủy đưa đò để yểm trợ phong trào một tờ báo công khai ra đời lấy tên là Lục Tỉnh Tân Văn.
Tháng 9-1908, xà bông của công ty Minh Tân lại tung ra thị trường, cạnh tranh rất hiệu quả với xà bông của ngoại quốc. Đồng thời Lục Tỉnh Tân Văn cũng có nhiều bài công kích chế độ thuộc địa, kêu gọi đồng bào đoàn kết chống quan lại tham nhũng khiến thực dân chú ý.
Cuối tháng 10-1908, ông Tổng lý là Trần Chánh Chiếu bị bắt nên công ty Minh Tân ngừng hoạt động và giải tán, Lục Tỉnh Tân Văn cũng bị rút giấy phép.
Sau vụ Hà thành đầu độc tháng 6-1908, thực dân Pháp đàn áp trắng trợn, phong trào Duy Tân bị tan rã. Nhưng Phan Bội Châu, Cường Để vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 1911, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc giành thắng lợi đã đem lại phấn khởi cho các nhà cách mạng Việt Nam và cho họ có điều kiện hoạt động dễ dàng hơn trên đất Trung Quốc. Năm 1912, Việt Nam Quang Phục Hội được thành lập tại Hương Cảng do Cường Để làm Hội trưởng và Phan Bội Châu làm Tổng lý. Khi cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất sắp nổ ra, Cường Để qua Đức với Đỗ Văn Y và Trương Duy Toản định dựa vào Đức đánh Pháp nhưng cuộc vận động đó không có kết quả. Đức không chịu giúp đỡ Cường Để mặc dù lúc đó Đức là kẻ thù chính của Pháp.
Cũng trong thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ nhất, nhiều người yêu nước Việt Nam cho rằng nhân lúc Pháp đang mắc đánh nhau với Đức ở Châu Âu mà đứng lên đánh đuổi bọn thực dân thuộc địa đòi lại đất nước. Đêm ngày 23 rạng 24-3-1913, đã có cuộc nổi dậy của Phan Xích Long nhằm đánh chiếm Sài Gòn nhưng thất bại. Phan Xích Long chạy ra Phan Thiết nhưng bị bắt ở đó. Đêm 14 rạng 15-2-1916 lại nổ ra cuộc đánh khám lớn Sài Gòn với mục đích giải phóng những chính trị phạm trong đó có Phan Xích Long. Nhưng cuộc nổi dậy này cũng bị dập tắt vì lực lượng quá ô hợp và non yếu.
Cho tới cuộc nổi dậy của Phan Xích Long, những phong trào yêu nước do tầng lớp phong kiến tư sản hóa và tầng lớp nông dân lãnh đạo đều lần lượt thất bại. “Vào mấy chục năm đầu của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng về đường lối cách mạng diễn ra sâu sắc nhất … Cuộc khủng hoảng về đường lối thực chất là cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp tiên tiến trong xã hội … Trước năm 1920, chưa một người yêu nước nào của nước ta nhìn thấy ánh sáng giải phóng trong đêm tối nô lệ của dân tộc.” (50 năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Sự thật, từ trang 22).
Trước tình hình đó, một số người yêu nước từng tham gia các phong trào Đông Du và Duy Tân, nhưng sau những thất bại liên tiếp về chính trị đã cảm thấy mệt mỏi, nên chuyển hướng qua hoạt động cải cách về văn hóa xã hội, trong đó có cả mặt cải cách sân khấu.
c) Về văn hóa xã hội:
Từ năm 1865, trước khi chiếm trọn Nam Kỳ, thực dân Pháp đã cho xuất bản Gia Định báo bằng chữ quốc ngữ. Tuy ban đầu là một thứ công báo của chính quyền xâm lược, tờ Gia Định báo cũng góp phần vào việc phổ biến chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ. Năm 1868, xuất hiện Phan Yên báo do Diệp Văn Cương làm chủ bút, nhưng sau bị đóng cửa vì những bài có tính chất chính trị, công khai chỉ trích chánh sách của thực dân Pháp. Năm 1901, có tờ Nông Cổ Mín Đàm do Lương Khắc Minh rồi Nguyễn Chánh Sắt làm chủ bút. Năm 1907 có tờ Lục Tỉnh Tân Văn do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Năm 1916, tại Cần Thơ có tờ An Hà nguyệt báo do một công ty in thành lập, trong ban trị sự có Đỗ Văn Y, từng hoạt động trong phong trào Duy Tân.
Về tiểu thuyết, năm 1887 xuất hiện cuốn truyện Thầy Lazaro phiềncủa Nguyễn Trọng Quản. Khoảng 1910, đã có Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Chánh Chiếu, Phan Yên ngoại sử Tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản. Năm 1912, Hồ Biểu Chánh viết tiểu thuyết Ai làm được. Khoảng 1919 – 1920, Nguyễn Chánh Sắt lừng danh với tiểu thuyết Nghĩa hiệp kỳ duyên tức Chăng-Cà-Mum.
Trường Sát-sơ-lu Lô-ba ở Sài Gòn thành lập năm 1885. Cũng từ cuối thế kỷ XIX, trường trung học Mỹ Tho được thành lập, đã đào tạo số học sinh có trình độ tương đối cao, trở thành thơ ký lên huyện, phủ, đốc phủ. Tính đến tháng 12-1917, trường trung học Mỹ Tho là trường duy nhất ở tỉnh. Nhờ địa thế ở vào trung tâm đồng bằng, trường này thu hút học sinh từ các vùng Gò Công, Sa Đéc, Vĩnh Long. Trong khi ấy, phía Hậu Giang là đất mới, trường trung học Cần Thơ chỉ thành lập năm 1926.
Về trường tiểu học (gồm các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng), mỗi xã chỉ có thể xây cất nếu đạt con số 900 người đóng thuế (thuế đinh) để có đủ công nha (ngân sách) tài trợ về phòng ốc, lương bổng giáo viên. Nếu một xã không đủ con số 900 nói trên, hai hoặc ba xã mới được mở một trường. Bởi vậy vùng dân cư đông đúc của Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long nhờ dân số đông đúc ở thôn quê nên hầu hết ở các làng đã có trường học, trong khi phía Rạch Giá, Cà Mau nhiều xã suốt 80 năm thuộc địa, trẻ con chịu dốt.
Ở ba tỉnh đông dân đất tốt, các trường học mở tương đối nhiều tạm gọi là dân trí cao, thêm truyền thống cũ về học hành với chữ Nho, khá đồng bộ về lễ nhạc đình làng thành hình trước từ thời Tự Đức. Mỹ Tho là đầu mối đường xe lửa, xe đò, tàu thủy lên Sài Gòn, là thủ đô thứ nhì của Nam Kỳ thuộc địa. Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc nằm trên sông Tiền giao lưu với Campuchia dễ dàng.Những điều kiện trên đây giải thích tại sao, trong tình hình những năm đầu thế kỷ XX, ba tỉnh trên là cái nôi của sân khấu cải lương, nhất là Mỹ Tho.
Về xã hội, trong phong trào Duy Tân đã có chủ trương “di phong dịch tục”, thay đổi phong tục cũ, giảm bớt nghi thức khi có đám tang, chống hút thuốc phiện, cờ bạc, khuyến khích thể dục thể thao, bỏ mê tín dị đoan và đề xướng nếp sống mới như tiếp khách thết đãi theo người Âu, cắt tóc ngắn, bàn việc làm ăn tại nhà hàng …
Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ nhất, giới địa chủ, tư sản làm giàu nhanh chóng. Họ thi nhau cất nhà ngói, thậm chí nhà lầu. Nhà ở đã cải cách, quần áo, giường ngủ theo tân thời, hằng ngày giao thiệp với công sở với phong cách mới: bộ điền, bằng khoán đất, thuế thân, cách xử kiện ở tòa dưới, tòa trên. Xe ô tô nhập từ 1906, đến năm 1914 đã phổ biến trong giới điền chủ lớn, tư sản và công chức, “trên ô tô, dưới thời ca nô”. Đời sống vật chất đã thay đổi, tất nhiên những nhu cầu về tinh thần cũng thay đổi, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự hình thành một hình thức sân khấu mới phù hợp với xã hội và thời đại lúc bấy giờ.
Xin xem tiếp phần hai.
Nguyễn Ngọc Bạch (theo vannghesongcuulong)