“Đã nhận nhiều vinh hoa của cải lương, đã khóc đã cười đủ cho đời ‘con hát’, song rẽ sang hướng khác để cuộc sống no đủ hơn thì thật không phải với lòng”. Với ý nghĩ ấy, Hoàng Quỳnh Mai quyết tâm theo nghệ thuật đến cùng.
Ngoài giải A Cuộc thi tài năng đạo diễn sân khấu trẻ toàn quốc, Cung phi Điểm Bích được trao thêm giải Vở diễn hay nhất trong năm do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng.
“Cung phi Điểm Bích có sự sáng tạo và cá tính riêng khiến tôi bất ngờ. Tôi nhìn thấy ở Hoàng Quỳnh Mai sự kế thừa tốt đẹp những đạo diễn sân khấu bậc thầy”, NSND Trọng Khôi, chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ.
Đạo diễn Quỳnh Mai, Trưởng đoàn II Nhà hát Cải lương Việt Nam dự định, sau Cung phi Điểm Bích sẽ chuẩn bị tinh thần cho một vở kịch mới hay hơn, dài hơn, nhưng vì vở diễn đắt khách quá nên chị đành gác kế hoạch ấy lại, dành thời gian mang Điểm Bích đi quảng cáo khắp nơi. Tính đến nay, Cung phi Điểm Bích đã diễn được gần 50 buổi trên tất cả sân khấu lớn nhỏ ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Buổi diễn nào cũng đông kín người xem, đặc biệt là buổi diễn trên sân khấu lưu động trong ngày giỗ sư tổ Huyền Quang ở Yên Tử (Quảng Ninh). Lần đầu tiên có một đoàn cải lương chuyên nghiệp về diễn, nhân vật trong vở diễn lại chính là sư tổ Huyền Quang nên hơn 2.000 khán giả đều như nín thở trước mỗi màn diễn. Lúc này, Quỳnh Mai mới thực sự xúc động.
Ít người biết, để có được kết quả như vậy, Quỳnh Mai đã phải lặn lộn thế nào trong sức vóc nữ nhi, một người mẹ. Chị phải đi khắp nơi tìm hiểu nét văn hóa dân gian của người Việt, lên Yên Tử nghiên cứu sách báo về phật học và nhờ các phật tử cố vấn cả về nội dung lẫn hình thức. Khó khăn là thế nhưng không thể dàn dựng một cách dễ dãi. Chị và các nghệ sĩ trong đoàn lại phải tập luyện trong tình cảnh gấp rút để kịp tham dự cuộc thi. “Chúng tôi thường tập từ chiều đến 1, 2h đêm, quên cả ăn tối. Một phần để kịp đi thi vì chỉ thời gian còn một tháng, phần vì luồng sáng tạo tuôn trào đến nỗi không ngừng được, không còn ai biết đến mệt mỏi nữa, tất cả chỉ chung nhau niềm đam mê mãnh liệt”, chị tâm sự.
Cung phi Điểm Bích dưới bàn tay dàn dựng của Quỳnh Mai đã thoát khỏi những khuôn sáo ủy mị, dài lê thê vốn là căn bệnh trầm kha cải lương và mang vào đó hơi thở, sức hấp dẫn của con người hiện đại. Tham dự cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu tại TP HCM, vở diễn đã thuyết phục toàn bộ thành viên Ban giám khảo, dành số điểm tuyệt đối và khiến các đồng nghiệp phương Nam, vốn là cái nôi của cải lương sửng sốt. Xem xong Cung phi Điểm Bích, ông bầu Phước Sang cũng mê mẩn và với sự nhạy cảm, Phước Sang quyết định mua lại bản quyền kịch bản này và dựng lại hoành tráng hơn ở rạp Đại Nam.
Quỳnh Mai vốn là học sinh chuyên văn trường Phan Bội Châu, từng đoạt giải nhất văn của tỉnh Nghệ Tĩnh xưa. Ước mơ cô gái ấy ấp ủ là trở thành một nhà báo, nhưng Quỳnh Mai không gặp may vì năm đó thi vào Phân viện báo chí chị bị thiếu một điểm. Trong lúc buồn, Quỳnh Mai nghĩ về cải lương, môn nghệ thuật chị yêu thích từ bé và bất chợt quyết định làm diễn viên cải lương. Khi đỗ vào khoa kịch hát dân tộc của trường sân khấu điện ảnh rồi, các thầy giáo trường Phan Bội Châu vẫn còn tiếc: “Em chịu khó sang năm thi lại, chứ tư duy ấy mang đi ca hát thì… phí lắm”. Nhưng sự khuyên can của các thầy và cả sự cấm đoán của cha mẹ cũng không khiến Quỳnh Mai lay động dù lúc ấy, trở thành diễn viên vẫn là một điều mơ hồ với một cô gái miền Trung.
Năm 17 tuổi, Quỳnh Mai nổi tiếng với vai một cô gái xinh đẹp nhưng tình yêu bất hạnh trong vở kịch Cô gái Phù Tang, gây tiếng vang thời bấy giờ. Lúc ấy nhà chị lúc nào cũng ngập trong hoa, niềm vui như vô tận. Chị bảo, có khi một ngày phải diễn mấy xuất, son phấn không kịp tẩy nên da mặt tuổi dậy thì bị hỏng là cái giá mà chị phải trả. Nhưng “tôi rất sung sướng vì được cống hiến đúng vào lúc cải lương hưng thịnh nhất, điều đấy không phải ai cũng may mắn có được”.
Sau đó, chị liên tiếp xuất hiện với vai đào chính trong những vở diễn tạo được tiếng vang như Lôi vũ, Trái tim người chị, Thời con gái đã xa, Ân ái với kẻ giết người, Điều không thể mất… trở thành một trong những diễn viên nòng cốt của Nhà hát Cải lương Trung Ương. “Tôi khóc rất nhiều lúc còn trẻ vì nhân vật chính trong những vở cải lương thường có những số phận bất hạnh, đến nỗi có lúc tôi nghĩ bất hạnh có thể sẽ vận vào người mình bất kể lúc nào” – Quỳnh Mai tâm sự.
Cứ thế, cho đến khi tuổi không còn son để bước lên sân khấu, chị chợt nhận ra khán giả đang quay lưng lại với cải lương. Môn nghệ thuật hưng thịnh một thời bị rơi vào khủng hoảng, không tìm được lối thoát. Lúc này, nhiều đồng nghiệp bỏ nghề tìm cách khác kiếm miếng cơm manh áo, còn Quỳnh Mai vẫn mãi trăn trở. Đã nhận nhiều vinh hoa của cải lương, đã khóc đã cười đủ cho đời “con hát”, song rẽ sang hướng khác để cuộc sống no đủ hơn thì thật không phải với lòng mình, vì thế, chị quyết định đi học đạo diễn.
Tư duy văn chương các thầy giáo trường Phan Bội Châu khen ngày xưa giờ bắt đầu phát huy tác dụng. Vở diễn tốt nghiệp Truyền thuyết một tình yêu được đông đảo đồng nghiệp khen ngợi, trở thành một trong những tiết mục ăn khách nhất của Nhà hát và vẫn được diễn liên tục từ năm 2005 đến nay.
Huyền Thu (Theo Đất Việt)
Quỳnh Mai – người ôm khát vọng làm sống cải lương
Bài viết liên quan
Bài viết cùng chuyên mục
- MC Quyền Linh nghẹn ngào: Cô Phùng Há từng xoa đầu nhắc tôi phải giữ đạo đức nghề nghiệp
- Danh ca Hương Lan: Lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình
- Thì ra đây là lý do “Trăm Năm Nguồn Cội” chinh phục trái tim khán giả
- Minh Vương tuổi 71: Vẫn ca vọng cổ “Lòng Dạ Đàn Bà” cực đỉnh
- “Vua vọng cổ hài” Văn Hường: Hành trình đi lên từ anh bán hạt dưa
- NSND Minh Vương hát cúng dường tại tịnh xá Uyển Lộc
- Danh ca Hương Lan: 5 tuổi đã diễn chung với “Nữ hoàng sân khấu”
- Hùng Cường, Bạch Tuyết – Cơn “Sóng Thần” của cải lương Việt Nam
- NSND Lệ Thủy làm Hồi ký 60 năm – Hành trình của một giọng ca bất hủ
- Nghệ sĩ nổi tiếng phải đi diễn miễn phí… chúng tôi thấy nhục lắm!
- NSUT Ngọc Huyền: tôi và anh Long đã vượt qua tình yêu trai gái
- Phát vé xem cải lương miễn phí: Là giải pháp hay đang… tự sát?