Sân khấu cải lương Nam Định, xuất hiện khá muộn so với sân khấu chèo. Khoảng nửa đầu thế kỷ XX, cùng với sự thất thế của sân khấu chèo toàn quốc, thì cải lương mới xuất hiện ở Nam Định.
Năm 1937, có một người tên Thanh Kỳ, bút hiệu Ái Sơn quê xã Trực Cường, huyện Trực Ninh đã tập hợp con em của những đào kép quen biết thành lập nên đoàn cải lương “Đồng tử ấu ca”. Thanh Kỳ là người soạn vở, chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời là người quản lý đoàn. Đoàn “Đồng tử ấu ca” khi diễn ở Nam Định, khi diễn ở Hà Nội. Được một thời dài, ông Thanh Kỳ thành lập đoàn cải lương mang tên ông :”ĐOÀN CẢI LƯƠNG THANH KỲ”. Sau cách mạng Tháng Tám, đoàn Thanh Kỳ phục vụ chủ yếu ở vùng tự do Khu Bốn. Những vở mà đoàn Thanh Kỳ thường diễn là Đời lao động, Li dị, Nạn nghèo, Chuyến tàu đêm vv..
Hoà bình lập lại 1945, ông Thanh Kỳ về Đoàn Cải lương Trung ương, ở Nam Định lúc này có hai Đoàn Cải lương nổi tiếng – đó là đoàn Kim Sơn (sau nay đoàn Kim Sơn chuyển về Hà Tây đổi tên là đoàn Hoa Mai), đoàn thứ hai là đoàn An Lạc. Hai đoàn hai phong cách diễn khác nhau. Đoàn Kim Sơn ngả về “tuồng văn”, còn đoàn An Lạc ngả về ” tuồng võ”. Tuy vậy, hai đoàn đều có những vở diễn chung. Đoàn Kim Sơn, đoàn An Lạc cũng diễn Kiều. Nếu thân phận nàng Kiều do chị Sơn đóng (đoàn Kim Sơn) chìm đắm trong ưu tư, hình hài nhẹ nhàng, thướt tha với “dáng buồn như liễu”, thì chị Bích Ngọc (đoàn An Lạc) vai Kiều lại truyền cảm đến người xem một nỗi đau sâu lắng tận cùng của thân phận tài sắc bị đoạ đầy. Người dân Thành Nam đến bây giờ vẫn còn nao nao lớp diễn Kiều (Bích Ngọc) hầu đàn vợ chồng Hoạn Thư, Thúc Sinh (Văn Phúc đóng). Sau một thời gian, đoàn cải lương dân doanh An Lạc được Nhà nước bảo trợ , thành đoàn văn công cải lương tỉnh Nam Định, chấm dứt một thời long đong, lận đận tự tìm lấy miếng cơm manh áo bằng con đường nghệ thuật.
Trong phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh Nam Định, những năm sau hoà bình chống Pháp và những năm chống Mỹ, sân khấu cải lương chỉ thịnh hành ở một vài xã như Trực Cường, Trực Đại (Hải Hậu) ; Hải Lạng, Nghĩa Thịnh ( Nghĩa Hưng). Rồi đội văn nghệ ở các xã này cũng chuyển sang diễn chèo. Có lẽ bởi sân khấu cải lương với mũ mãng, hài hốt, áo quần kim sa đắt tiền, với kinh phí của một đội văn nghệ xã lấy công điểm ở đâu để chi dùng cho những đạo cụ phục trang đắt giá này, trong khi đó với loại hình chèo, kịch nói gọn nhẹ, được quần chúng nông hậu đón nhận, vì thế sân khấu cải lương không chuyên không phát triển được chăng ?
Và như thế, cải lương Nam Định, có một đoàn duy nhất : ĐOÀN VĂN CÔNG CẢI LƯƠNG NAM ĐỊNH hoạt động tích cực từ ngày đó đến nay. Tiền thân đoàn cải lương Nam Định là đoàn An Lạc. An Lạc là đoàn tư nhân của gia đình cụ Trùm Thịnh (Nguyễn Văn Thịnh). Đây là một gia đình chèo nòi, nổi tiếng với các xứ Đông , Đoài, Nam. Bà Trịnh thị Mơ (Đào Mơ) là vợ ông Nguyễn Văn Thịnh, đã từng hát chèo thu thanh vào đĩa nhựa thời bấy giờ. Khi chèo cổ thất thế, gánh chèo trong gia đình quay sang diễn chèo văn minh. Khi cải lương lên ngôi, gánh hát gia đình ông lại diễn cải lương để hành nghề kiếm sống, và theo nghề cải lương cho đến ngày hôm nay. Cả gia đình là một đội ngũ sành nghề, mẫu mực, tài hoa trong diễn xuất. Đó là : NSND Trùm Thịnh, NSND Nguyễn Thị Minh Lý (em ruột ), NSUT Thanh An (con trai), NSUT Ba Bái (con trai) và các nghệ sĩ tài danh khác là con trai, con dâu, cháu như : chị Huỳnh Đắc, chị Thúy Mùi, chị Ngọc Dậu, anh Văn Phúc vv..
Năm 1951, đoàn An Lạc đã về Nam Định biểu diễn, nhưng ở đây đoàn không thể sống nổi với sự o ép của thực dân, đoàn lại phải đi về các huyện, các xã ở các tỉnh biểu diễn. Năm 1957, đoàn về hẳn thành phố Nam Định – được thành phố cho mượn đất công để đoàn bỏ tiền xây dựng rạp An Lạc tại đường Trần Hưng Đạo ngày nay để biểu diễn.
Năm 1960, đoàn An Lạc được “quốc hữu hoá” thành đoàn văn công cải lương. Trưởng đoàn đầu tiên của đoàn văn công cải lương là ông Tô, rồi từ đó đến nay lần lượt các ông : ông Hải, ông Phạm Ngọc Lộng, ông Kinh Luân, ông Hồ Sáng (sau đó ông Hồ Sáng sang làm trưởng đoàn chèo đến khi nghỉ hưu), ông Đào Truật, ông Lê Đức Lân, ông Đào Nguyên, ông Trần Thiêm, ông Trần Tính, nghệ sĩ ưu tú Huy Soái, Nghệ sĩ ưu tú Quang Chí.
Mặc dù thay đổi rất nhiều trưởng đoàn, nhưng phong cách nghệ thuật của đoàn vẫn không thay đổi, triệt để khai khác sở trường của đoàn đó là những màn võ nghệ “siêu cường” và tính hài trong lối diễn. Vở “TÔN NGỘ KHÔNG ĐÁNH BẠCH CỐT TINH” hay vở “LỬA PHI TRƯỜNG” nếu không phát huy sở trường vốn võ nghệ xưa thì làm sao hấp dẫn người xem Nam Định đến mê hồn như thế. Nhiều đoàn cải lương Bắc đã dựng vở này, nhưng thiếu ” thập bát ban võ nghệ” nên thiếu vắng người xem. Trong khi đó đoàn văn công cải lương Nam Định diễn ở Hà Nội hàng tháng trời lúc nào cũng hết vé. Xưa kia những đêm diễn của đoàn Kim Sơn, cả rạp trầm lặng, chỉ nghe thấy tiếng khóc”sụt sịt” và tiếng trống, phách.. tan diễn, người ra về trầm lặng buồn bã. Nhưng, những dêm diễn của đoàn cải lương Nam Định thì khác hẳn. Trong rạp luôn rào lên những trận cười sảng khoái. Tan diễn, khán giả ra về còn “rúc rích” cười thoả mãn trong niềm vui. Ngay như cái bi kịch trong vở “Phụng Nghi Đình” cũng được đoàn khai thác triệt để tính hài. Với Vương Tư Đồ, Điêu Thuyền thì cười ra nước mắt, với Đổng Trác (do cụ Chi Mai đóng) thì lại là tiếng cười chế riễu sâu cay… Như thế hướng đi nghệ thuật của đoàn là đúng biết giữ cái gì, biết bỏ cái gì, phát huy cái gì đều có bài bản hẳn hoi.
Khi đoàn An Lạc, từ một đoàn tư nhân, được chuyển thành đoàn văn công của Nhà nước thì “vốn liếng” của đoàn cũng được tăng lên gấp bội. Ngoài cơ sở vật chất, lớp diễn viên xưa, tuy tài hoa như bác Thanh An, Thuý Mùi, Ba Bái, Văn Phúc vv.. Nhưng thực ra đều tự học, tự rút kinh nghiệm ở sàn diễn của bản thân. Bây giờ lớp diễn viên trẻ đông hơn, được đào tạo ở trường lớp hẳn hoi, lại có sự hỗ trợ đắc lực của một loạt các tác giả, đạo diễn, hoạ sĩ, nhạc sĩ vv.. có tên tuổi vì thế đoàn cải lương ngày càng bề thế, tiếng tăm càng vang xa.
Đoàn cải lương Nam Định, vẫn diễn những vở về đề tài cổ, lịch sử mà trước đây đoàn vẫn thường diễn của thời kỳ còn là đoàn tư nhân. Khi đoàn đã trở thành đoàn văn công của Nhà nước, đoàn lại có những vở về đề tài hiện đại, phục vụ đắc lực cho công cuộc giải phóng đất nước và xây dựng Tổ Quốc. Chính sự mở rộng về đề tài này, đã tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các diễn viên, đạo diễn trong đoàn được tiếp cận, học hỏi để trưởng thành và phát triển tài năng.
– Đề tài cổ và lịch sử gồm : Tôn Ngộ Không, Sih tử bài, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Ngô Quyền, Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Triệu Trinh Nương, Hoàng hậu Ba Tư vv..
– Những vở về hiện đại như : Lửa phi thường (Ngọc Thụ), Ngày tàn bạo chúa (Lê Duy Hạnh), Nỗi đau người mẹ (Vũ Hải), Hòn đá thề(Trung Đông), Cánh cửa hi vọng (Nguyễn Khắc Phục) vv..
Cho đến nay, đoàn đã có được 4 thế hệ diễn viên. Có 5 diễn viên được Nhà nước phong tặng nghệ sĩ ưu tú : Thanh An, Ba Bái, Huy Soái, Quang Chí, Đại Phong và những nghệ sĩ xuất sắc, dù rằng các nghệ sĩ ấy nay đã khuất, hoặc chuyển công tác, hoặc vẫn đang biểu diễn tại đoàn, thì tên tuổi họ, khán giả vẫn thường nhắc tới khi nghĩ về đoàn cải lương Nam Định. Đó là : chị Huỳnh Đắc, chị Thuý Mùi, chị Bích Ngọc, chị Hồmg Thái, anh Văn Phúc, anh Trần Tính, chị Nguyễn Thị Thuỷ, anh Hồ Hải, anh Hiền Khang, chị Bạch Tuyết, chị Thuý Quỳnh vv..
Đoàn cải lương Nam Định là một đoàn ca kịch mạnh, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước trao từ một đoàn tư nhân, đoàn đã trở thành đoàn văn công cải lương đã được Nhà nước trao tặng :
– Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Hai
– Huân chương Lao động hạng Ba
– Huân chương Lao động hạng Hai
Theo namdinh.vn