Hiện nay, các sân khấu ở TPHCM đang ráo riết chuẩn bị những vở mới công diễn vào đầu năm 2008, phục vụ khán giả thành phố vui đón Tết Nguyên đán. Tuy vậy, thực sự nhìn lại đời sống sân khấu TPHCM 2007: “Niềm vui chưa trọn vẹn!”.
Kịch – nhiều chuyển biến…
Theo đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, năm 2007 được xem là một năm có nhiều chuyển biến nhất của sân khấu kịch ở TPHCM. Ngược với nếp nghĩ xưa nay vẫn cho rằng các vở chính kịch khó thu hút công chúng nhưng vở Bí mật vườn Lệ Chi của Sân khấu Kịch IDECAF lại được khán giả ủng hộ, thậm chí còn liên tục tạo nên “cơn sốt” vé.
Hoặc vở Nhân danh công lý được Sân khấu Kịch Phú Nhuận dựng lại, vẫn tạo được sức hấp dẫn công chúng. Ngoài ra, sự năng động, dám nghĩ, dám làm của một số nghệ sĩ trong việc đầu tư thực hiện vở diễn mới đã đem lại nhiều vở diễn hay.
Trong đó có thể kể Bàn tay của trời, Đôi bờ… và gần đây nhất là vở 270 gram. Bên cạnh đó, sức trẻ trên sân khấu kịch tiếp tục được khẳng định qua từng vở diễn với những tìm tòi, sáng tạo mới. Chính các diễn viên, đạo diễn trẻ đã góp phần đem lại sự tươi mới cho sân khấu hôm nay.
Cải lương – vẫn “sống” với cái cũ!
Trong năm qua, ngoài vở Kim Vân Kiều nổi đình nổi đám với hai đêm diễn thu hút khoảng 7.000 lượt khán giả đến xem của những ngày đầu năm, còn lại hàng mấy tháng nay, sân khấu cải lương vẫn đang sống hoài với “cái cũ”.
Thời gian qua, tuy sân khấu cải lương có kéo khán giả đến rạp, nhưng hầu hết đều là những live show của các nghệ sĩ như: Đêm NSƯT Lệ Thủy, Đêm NSƯT Thanh Sang, Đêm NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Thoại Mỹ – Tung cánh phượng hồng, Đêm NSƯT Phượng Loan… Khán giả đến với những đêm diễn này, chẳng qua là muốn gặp lại những nghệ sĩ một thời mà mình yêu thích, xem lại các vai diễn hay của các nghệ sĩ ấy.
Nghệ sĩ ưu tú – đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM lo lắng: “Tôi thấy, chúng ta đang thiếu một tầm nhìn chiến lược trong việc đầu tư cho cải lương… Chẳng nói đâu xa, ngay ở cuộc thi “Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007”, sân khấu cải lương TPHCM “trắng tay” ngay trên sân nhà…!”.
Dù vậy, sân khấu cải lương lại có được những cuộc thi biểu dương lực lượng nghệ sĩ hùng hậu. Trong đó, đáng chú ý nhất là cuộc thi Giải Triển vọng, Giải diễn viên xuất sắc Trần Hữu Trang sau nhiều năm “vắng bóng” û. Điều này một lần nữa khẳng định, lực lượng nghệ sĩ trẻ luôn dồi dào, nhưng sau những cuộc thi “rầm rộ” ấy, các đơn vị chức năng sẽ làm gì để khai thác, phát triển thì dường như câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngỏ…
Chờ đợi từ thế hệ kế tục…
Hiện nay, trước mắt các đơn vị nghệ thuật ở TPHCM đang “chạy đua” với thời gian để tập luyện những vở diễn mới phục vụ công chúng vào dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, sân khấu IDECAF của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn tiếp tục giữ được phong độ với 4 vở diễn mới toanh: Hồn Trương Ba da hàng thịt (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Ái Như), Yêu đi thôi (tác giả Hương Giang, đạo diễn Tuấn Khôi), Cũng cần có nhau (tác giả Đại Nghĩa – Kim Oanh, đạo diễn Thanh Thủy), Hợp đồng mãnh thú (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh).
Đơn vị nghệ thuật của “bà bầu” Hồng Vân sẽ tung ra vở kịch kinh dị Quả tim máu (tác giả, đạo diễn Thái Hòa), thừa thắng xông lên từ thành công lớn của vở Người vợ ma. Thanh minh cho chiều hướng nhát ma khán giả, đạo diễn Thái Hòa khẳng định: “Chúng tôi chỉ mượn những chuyện kinh dị, ma quái để nói lên những trăn trở với cuộc sống hôm nay…”.
Bên cạnh sự sôi động của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa thì trong năm 2008, đơn vị nghệ thuật nhà nước – Nhà hát Kịch TPHCM cũng đang ráo riết chuẩn bị đầu tư một số vở diễn mới và sẽ mời đạo diễn – NSND Doãn Hoàng Giang từ Hà Nội vào dàn dựng…
Ở lĩnh vực sân khấu cải lương, sự chờ đợi nhất của khán giả trong năm mới này là vở Chiếc áo thiên nga (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ) với kinh phí đầu tư lên đến 2 tỷ đồng. Nhưng đó chỉ là bề nổi, còn thực tế ai cũng biết cải lương miền Nam hiện nay thực sự hụt hẫng bởi thiếu sự đầu tư đúng hướng từ nền tảng.
Điều này, sân khấu cải lương phía Bắc đã chứng minh được tại cuộc thi “Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2007”. Nhà hát Cải lương Trung ương đã mạnh dạn đầu tư, giao cho hai đạo diễn trẻ Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng hai vở Cung phi Điểm Bích và Dấu ấn giao thời (đoạt giải A, B) đã khiến nhiều nghệ sĩ của TPHCM không tiếc lời: “Tâm phục, khẩu phục”.
Sân khấu TPHCM năng động, nhiều tiềm năng từ thế hệ trẻ. Vấn đề của các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật là phải biết khai thác và đào được những “mỏ vàng” ấy bằng cái tâm của người đi trước…
Đỗ Hạnh (Theo Sài Gòn giải phóng)
Sân khấu TPHCM năm 2007 : Sáng đèn kịch nói, tụt hậu cải lương!
Bài viết liên quan
Bài viết cùng chuyên mục
- MC Quyền Linh nghẹn ngào: Cô Phùng Há từng xoa đầu nhắc tôi phải giữ đạo đức nghề nghiệp
- Danh ca Hương Lan: Lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình
- Thì ra đây là lý do “Trăm Năm Nguồn Cội” chinh phục trái tim khán giả
- Minh Vương tuổi 71: Vẫn ca vọng cổ “Lòng Dạ Đàn Bà” cực đỉnh
- “Vua vọng cổ hài” Văn Hường: Hành trình đi lên từ anh bán hạt dưa
- NSND Minh Vương hát cúng dường tại tịnh xá Uyển Lộc
- Danh ca Hương Lan: 5 tuổi đã diễn chung với “Nữ hoàng sân khấu”
- Hùng Cường, Bạch Tuyết – Cơn “Sóng Thần” của cải lương Việt Nam
- NSND Lệ Thủy làm Hồi ký 60 năm – Hành trình của một giọng ca bất hủ
- Nghệ sĩ nổi tiếng phải đi diễn miễn phí… chúng tôi thấy nhục lắm!
- NSUT Ngọc Huyền: tôi và anh Long đã vượt qua tình yêu trai gái
- Phát vé xem cải lương miễn phí: Là giải pháp hay đang… tự sát?