Vở cải lương Dấu ấn giao thời sẽ được phúc khảo vào hôm nay 15/1 do nhóm Thắp sáng niềm tin (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) dựng lại. Đây là vở diễn đã gây được tiếng vang lớn trong năm 2007. Không chỉ được đánh giá cao về mặt chuyên môn, đây còn là một vở cải lương ăn khách đặc biệt. Việc dựng lại vở cải lương này như tiếp thêm sinh khí cho làng sân khấu. Chúng tôi đã trò chuyện với soạn giả Hoàng Song Việt – Trưởng nhóm Thắp sáng niềm tin – về vở diễn này.
* Tại sao ông lại quyết định dựng lại Dấu ấn giao thời ?
– Khi được xem Dấu ấn giao thời tại cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007, tôi đã quyết định sẽ dựng lại vở này cho nhóm Thắp sáng niềm tin và cũng đã nói chuyện với tác giả Triệu Trung Kiên ngay thời điểm đó. Kịch bản sân khấu về lịch sử Việt Nam vốn hiếm mà chọn được một kịch bản hay, sâu sắc lại càng khó. Dấu ấn giao thời lại là một vở diễn hay hiếm có của sân khấu cải lương hiện nay.
Trong vở diễn, tác giả Triệu Trung Kiên đã có một cái nhìn rất mới về các nhân vật lịch sử: Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Lý Huệ Tông, Đàm Thái hậu… Khi quyết định dựng vở này, tôi biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể sẽ không ăn khách, nhưng trước nhu cầu chính đáng của một bộ phận khán giả yêu mến cải lương lịch sử Việt Nam thì không thể nào bỏ qua.
* Đây là vở diễn đã rất thành công của Nhà hát Cải lương Trung ương. Vậy khi dựng lại, bản diễn của nhóm Thắp sáng niềm tin có gì khác không?
– Dĩ nhiên Dấu ấn giao thời lần này phải khác và mới so với bản gốc. Sự khác nhau nằm ở đường dây đạo diễn: cách xử lý đường dây tâm lý, các khâu chuyển đoạn… Đạo diễn Hoa Hạ còn có thêm những mảng miếng, những chỉ đạo diễn xuất để đào sâu thêm tính cách từng nhân vật… Hiện tại, có thể nói công tác tập luyện gần như đã hoàn tất, nghệ sĩ đã “nhập” được vào nhân vật, việc chuẩn bị cảnh trí, trang phục cũng đang trong giai đoạn “nước rút”…
* Với một vở diễn được đầu tư công phu và chỉn chu như vậy thì liệu chỉ 1 suất/tuần vào tối Chủ nhật như lịch diễn thông thường của nhóm Thắp sáng niềm tincó là lãng phí công sức của nghệ sĩ?
– Với Dấu ấn giao thời, tôi có hướng khai thác khác. Đầu tiên vẫn phải ra rạp diễn doanh thu. Nhưng tôi có ý định sẽ đưa vở này đi phục vụ vòng quanh các trường đại học, các ký túc xá trong thành phố. Tôi đã lập đề án và trình lên BGĐ Nhà hát bằng mọi giá phải đưa vở cải lương này đến với sinh viên. Tôi muốn giới thiệu với sinh viên – khán giả trẻ mà cải lương rất cần thu hút – một vở cải lương chính thống hay về nội dung, giàu ý nghĩa, chỉn chu về hình thức thể thiện, nghệ sĩ tập luyện nghiêm túc, cảnh trí, trang phục được đầu tư kỹ lưỡng… Tôi đang rất mong sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ để Nhà hát đỡ phần nào gánh nặng kinh phí. Chúng tôi chỉ cần được hỗ trợ 12-15 triệu đồng/suất diễn. Tất cả nghệ sĩ sẵn sàng hưởng thù lao chỉ như tiền bồi dưỡng xăng nhớt để vở diễn có thể đến với sinh viên và sau đó là anh chị em công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…
* Cám ơn ông, chúc vở diễn của ông thành công!
Theo Ninh Lộc (TT&VH)