Trong đời sống văn học nghệ thuật đã từng có những tác phẩm gây tranh cãi, kiện tụng xung quanh những hư cấu liên quan tới lịch sử…
Gần đây, truyện ngắn Trở lại Lệ Chi Viên (trong tập truyện Tột đỉnh tình yêu) của tác giả Nguyễn Thúy Ái bị NXB Trẻ quyết định thu hồi bởi những chi tiết xúc phạm Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và vợ của ông là bà Nguyễn Thị Lộ.
Những “nghi án” mang tên “hư cấu lịch sử” cũng từng là căn nguyên của bao phiền lụy cho các tác phẩm sân khấu như: Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả Hoàng Hữu Đản), hay Thái hậu Dương Vân Nga (tác giả Trúc Đường – Huy Trường), rồi cả Hoàng hậu hai vua (tác giả Lê Duy Hạnh)…
1. Cuối tháng 9 vừa qua, tức là khoảng 2 tháng sau khi tập truyện Tột đỉnh tình yêu, trong đó có truyện ngắn Trở lại Lệ Chi Viên của tác giả Nguyễn Thúy Ái ra mắt, trong dư luận có những phản ứng gay gắt về một số hư cấu lịch sử trong tác phẩm này.
Tác giả đã viết lại vụ án oan liên quan đến danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và người thiếp của ông là Nguyễn Thị Lộ. Thế nhưng mối tình thi vị của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ như được biết đến lâu nay lại biến thành câu chuyện đầy dục vọng.
Trong truyện, Nguyễn Trãi trở thành một nhân vật mưu mô, háo danh…, đến nỗi dâng cả vợ cho vua để thực hiện được mưu đồ chính trị… Rất nhiều nhà chuyên môn đã lên tiếng phản ứng về những chi tiết xuyên tạc lịch sử. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, hành vi này phải chịu trách nhiệm hành chính, có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Kết thúc vụ việc, ngày 3/10, NXB Trẻ đã có công văn quyết định thu hồi tập truyện Tột đỉnh tình yêu vì lý do: “… đã có những câu từ thiếu sự tôn trọng và gây nhiều hiểu lầm về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi”.
Trước đó, một tác giả trẻ và tác phẩm lấy đề tài lịch sử khác cũng bị thu hồi, sau lại xuất bản…, đó là Hà Thủy Nguyên và tiểu thuyết Cầm thư quán. Tác phẩm này do NXB Phụ nữ và nhà sách Kiến Thức phát hành tháng 12 năm ngoái sau khi bị khá nhiều nơi từ chối bản thảo.
Nhưng khi tiểu thuyết chưa kịp gây chú ý của làng văn thì nhận quyết định thu hồi bởi “xuyên tạc và bôi nhọ hình tượng vua Lê Thánh Tông”. Cầm thư quán kể về mối quan hệ giữa vua Lê Thánh Tông (trong truyện gọi là Hồng Đức) với hai cô gái Ngọc Cầm và Ngọc Thư trong Cầm thư quán.
Tác giả cho biết, khi biên tập bản thảo, NXB Phụ nữ đã yêu cầu cắt bỏ tất cả những chữ “Hồng Đức” trong tác phẩm, song nhà sách Kiến Thức sơ sót vẫn để chữ “Hồng Đức xuất hiện trong bản in. Sau sự cố này, NXB Phụ nữ không đồng ý cấp phép cho Cầm Thư quán nữa. Song chỉ ít lâu sau, đầu năm 2008, cuốn truyện đã được phép xuất hiện trở lại.
Tác giả Hà Thủy Nguyên cho rằng: “Cùng một danh nhân lịch sử, một sự kiện lịch sử, mỗi người đều có cách nhìn nhận, đánh giá và có quan điểm khác nhau”. Hỏi Thủy Nguyên, dựa vào cứ liệu lịch sử nào để xây dựng câu chuyện về vua Lê Thánh Tông, vì mê tiếng đàn và nhan sắc của cả hai chị em ở Cầm Thư quán mà đêm đêm chèo thuyền đến gặp họ, cô cho biết, chuyện “hậu trường” trong cung cấm như vậy thì sử sách nào chép!
2. “Đụng” đến đề tài lịch sử không chỉ có văn học, nhiều kịch bản sân khấu cũng bao phen chịu thương tích vì “án treo” liên quan tới những chi tiết lịch sử nhạy cảm. Số phận long đong của Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả Hoàng Hữu Đản) là một ví dụ.
Năm 1999, NSƯT Thành Lộc bắt tay dựng Bí mật vườn Lệ Chi và đã diễn liên tục 70 suất, được nhận giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trước khi bị “chết lâm sàng” 7 năm đằng đẵng. “Cái chết” bất ngờ diễn ra ngay trước buổi truyền hình trực tiếp trong chương trình Dưới ánh đèn sân khấu của Đài TH TP.HCM, do có ý kiến không đồng tình với chi tiết hư cấu rằng vua Lê Nhân Tông không phải là con của Lê Thái Tông, từ đó cho rằng nội dung vở kịch phản ảnh sai lịch sử… Bí mật vườn Lệ Chi vì thế bị xếp kho suốt 7 năm trời.
Năm 2006, Bí mật vườn Lệ Chi được phép diễn lại, lập tức gây nên cơn sốt và ba diễn viên chính trong vở diễn này (Hữu Châu, Thanh Thủy, Thành Lộc) đều giật giải Mai vàng năm 2007. Nhưng bản dựng mới đã bị cắt gọt các chi tiết nhạy cảm.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi lược bỏ những chi tiết gọi là nhạy cảm về mặt lịch sử, mẫu thuẫn kịch xung quanh việc tranh giành quyền lực của những người đàn bà trong cung cấm không làm thỏa mãn khán giả…
Những rắc rối liên quan tới đề tài lịch sử trong sáng tác văn học nghệ thuật vẫn không dừng lại. Đầu năm 2008, Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ VH – TT& DL nhận được công văn xin ý kiến chỉ đạo của một đoàn nghệ thuật ở phía Nam về việc dàn dựng kịch bản Thái hậu Dương Vân Nga của tác giả Trúc Đường (Huy Trường chuyển thể).
Các nhà quản lý đã phải lắc đầu bởi vụ kiện tụng liên quan tới các nhân vật lịch sử trong tác phẩm này dường như vẫn chưa khô mực. Năm 2003, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng Thái hậu Dương Vân Nga. Ngay lập tức, sau khi vở diễn phát sóng trên truyền hình, con cháu dòng họ Nguyễn Bặc ở Thanh Hóa và Đinh Điền ở Ninh Bình đã đứng đơn kiện Nhà hát này.
Lý do là trong vở diễn có nhiều chi tiết bôi nhọ 2 danh nhân Nguyễn Bặc và Đinh Điền từng được Nhà nước công nhận Danh nhân văn hóa. Con cháu dòng họ Nguyễn Bặc còn dẫn Đại việt Sử ký Toàn thư việc bà Dương Vân Nga (thực ra, họ cũng cho rằng, cái tên này chỉ do tác giả Trúc Đường đặt mà thôi) đã tư thông với Lê Hoàn và điều này đã bị Sử thần Ngô Sĩ Liên cười chê, khinh miệt… Sau đó Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) đã buộc phải ra quyết định tạm ngưng vở diễn này.
Tác giả Tào Mạt nổi tiếng cũng từng bị phản ứng bởi những chi tiết hư cấu trong tác phẩm Bài ca giữ nước của ông. Cảnh chôn sống ông Hề được coi là sáng tạo độc đáo và mang nhiều ý nghĩa thâm sâu đã bị con cháu dòng họ danh nhân Lê Văn Thịnh – người đỗ đầu khoa thi cử quốc gia đầu tiên ở Việt Nam (Trạng Nguyên) – cực lực phản đối.
Tất nhiên, tác giả Tào Mạt có lý lẽ riêng bảo vệ quan điểm của mình, nhưng miếng “chôn Hề” không được nhắc tới danh nhân Lê Văn Thịnh.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, sân khấu không thiếu những vở diễn hoàn toàn hư cấu lịch sử nhận được những đánh giá cao, đồng nhất, như Vũ Như Tô (tác giả Nguyễn Huy Tưởng), hay Rừng trúc (tác giả Nguyễn Đình Thi)…
Hay mới đây, tác giả – đạo diễn trẻ Triệu Trung Kiên (NH Cải lương VN) với vở kịch lịch sử Dấu ấn giao thời phản ánh giai đoạn cuối của triều lý trong đó những chi tiết về mối tình của Nguyễn Thị Dung và Trần Thủ Độ được phản ánh có mức độ.
Vở diễn gây tiếng vang tại cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ sân khấu 2007, dẫu rằng đây đó vẫn có người cho rằng cái nhìn của tác giả đối với bi kịch lịch sử này còn quá lạnh lùng và chưa thấu đáo.
3. Sau sự cố “giãn tiến độ” dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn, điều này cũng có nghĩa là đến năm 2010 (và chưa biết đến năm nào), chúng ta vẫn chưa có phim nhựa lịch sử về Thăng Long – Hà Nội, số phận bộ phim truyền hình Trần Thủ Độ (Hãng Phim truyện I) hiện cũng chưa biết ra sao.
Ngay từ khi phim chưa bấm máy (hãng phim mới chỉ kịp tổ chức thi tuyển diễn viên, chuẩn bị trang phục…), đã có ý kiến cho rằng, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, sao không dựng phim về những nhân vật lịch sử khác mà lại chọn một người cho đến giờ vẫn gây tranh cãi về “công” và “tội” với nhà Lý như Trần Thủ Độ?
Điện ảnh VN không có nhiều phim lịch sử. Trước kia, người ta vẫn nhắc tới đạo diễn – NSND Hải Ninh với Đêm hội Long Trì. Gần đây, TFS sản xuất một số phim truyền hình lịch sử : Dưới cờ đại nghĩa, Ngọn nến hoàng cung… và ít nhiều gây được tiếng vang.
Tuy nhiên, nhưng nhiều đạo diễn phim cho rằng, cái khó chính là các nhà quản lý văn hóa vẫn chưa chấp nhận việc hư cấu lịch sử. Trong khi đó, không ít nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, khá nhiều sự thật lịch sử được ghi chép trong sử sách, được đưa vào sách giáo khoa… lại không phải là sự thật.
Một hội thảo khoa học quy mô vừa được tổ chức tại Thanh Hóa nhằm đánh giá lại những đóng góp của nhà Nguyễn và Vương triều Nguyễn cũng phần nào cho thấy những cái khó của các nhà làm nghệ thuật trong việc tái tạo các hình tượng nghệ thuật dựa trên các nhân vật lịch sử.
Nên chấp nhận “bảy thực ba hư” như cách của nhiều nhà làm phim lịch sử Trung Quốc, ở đó các nhà làm phim có thể áp đặt quan niệm và cái nhìn mới về lịch sử, hay cứ theo những gì sử sách ghi lại một cách “chính thống”?
Cách nào cũng không ổn, nhất là trong điều kiện sử sách ghi chép lịch sử của nước ta còn nhiều điều đáng nói. Tuy nhiên, sáng tạo chi tiết lịch sử đến mức nào hay làm mới nhân vật lịch sử đến đâu cũng phải dựa trên cái nhìn nhân văn và cảm quan nghệ thuật sắc bén, vì nghệ thuật không có sứ mệnh phải tìm ra sự thật và trả lại sự thật cho lịch sử, mà quan trọng hơn cả là đem đến cho công chúng những cảm xúc thẩm mỹ và tươi mới…
Theo Tùng Sơn – Thanh Hằng ( Thể thao & Văn hóa)