Cung phi Điểm Bích – tác giả Hoàng Công Khanh, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi – là một trong hai tác phẩm của Nhà hát Cải lương Trung ương tham dự Liên hoan tác phẩm của các đạo diễn trẻ sẽ diễn ra vào 15/12 tại TP. HCM, do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
Chuyện về sư Huyền Quang vào cải lương
Điểm Bích là cung phi tài sắc song toàn. Nàng giỏi thơ phú, đàn ca hay, múa giỏi và được vua Trần Anh Tông giao cho nhiệm vụ bí mật : giả dạng cô gái quê lưu lạc, lên núi Yên Tử quyến rũ nhà sư Huyền Quang – sư tổ đời thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, một nhà thơ rất tinh tế, sâu sắc và nổi tiếng vì học rộng, tài cao. Nhà vua muốn thử thách chính người bạn chí thân của mình để nêu cao hơn nữa những giá trị của đạo Phật và truyền bá sâu rộng trong nhân dân. “Màn kịch” được Điểm Bích sắp đặt vào đêm cuối cùng trước khi nàng nhận được lệnh phải rời Yên Tử sau một năm “mai phục”. Với biết bao khao khát bỏng cháy dồn nén trong nồng nàn của đầu môi khoé mắt, trong tiếng hát như say, như mê và điệu múa ỡm ờ gọi mời của tình yêu, nhưng Điểm Bích vẫn không lung lạc được cả thể xác và tâm hồn của Huyền Quang, dù rằng Huyền Quang đã phải che giấu con tim xao xuyến và rung động trước sắc đẹp và tài năng của nàng.
Trở về cung, Điểm Bích nói dối vua rằng Huyền Quang đã sa ngã vì nàng, với hi vọng sư tổ sẽ bị tước áo cà sa để trở về làm thường dân. Nàng cũng sẽ ra khỏi cung và hi vọng giấc mơ tình yêu sẽ thành sự thật. Éo le thay, Huyền Quang biết được đầu đuôi câu chuyện và nhận cái chết trên giàn thiêu trong lễ cầu mưa. Trời đất chứng giám cho lòng thành của Huyền Quang bằng trận mưa xối xả, gội rửa nghi hoặc và những ẩn ức còn tích tụ bấy lâu trong lòng người…
Sân khấu “nổi sóng”
“Ngôi sao cải lương xứ Bắc” Thanh Thanh Hiền hóa thân thành một Điểm Bích ngây thơ, yêu đời, say đắm, cuồng nhiệt nhưng cũng đầy ma mị, tỉnh táo và sâu thẳm là nỗi cô đơn, trống trải chất chứa tháng ngày. Chị đào sâu tâm hồn Điểm Bích không chỉ bằng giọng ca khỏe, trong trẻo, mượt mà, mà còn thể hiện tinh tế những tâm trạng phức tạp đan xen chồng chất trong Điểm Bích, giữa cái rộn ràng quấn quýt bên ngoài với nỗi khắc khoải nghẹn ngào bên trong, giữa ngập ngừng hoa lá với thẹn thùng, e lệ nữ nhi thường tình ở chốn cửa chùa… Thêm một vai diễn đáng nhớ của chị sau Hương (Đôi dòng sữa mẹ), Kamai (Biển tình cay đắng), Thảo (Trả giá cuộc đời), Thu (Những khoảnh khắc đời người), Tiên (Bắc cầu ô thước), Hà (Khi thành phố lên đèn)…
Màn diễn Điểm Bích đánh đàn hay sự buông thả “hết mình” của Điểm Bích trước mặt sự tổ cũng gây ấn tượng mạnh với khán giả. Mỗi tiếng đàn vang lên là một dải lụa vút bay từ cánh gà sân khấu. Tiếng đàn bủa vây xiết chặt Huyền Quang nhưng không lôi kéo được tâm hồn trong sáng ấy. Hay đúng hơn, âm thanh và hình hài trinh tiết nõn nà ấy không lung lạc được ý chí sắt đá dù trước đó, trái tim của Huyền Quang đã thổn thức, đã run rẩy… Sự kết hợp ánh sáng và âm thânh cùng với trụ xoay gây hiệu quả đặc biệt. Khán giả mãn nhãn cả nghe, nhìn và lắng lòng thổn thức trước chuyện trớ trêu, nghẹn ngào của nàng Điểm Bích năm xưa hay suy ngẫm về những triết lý nhân sinh gửi gắm trong từng câu hát… Sau mỗi chi tiết có thể nhận thấy sự nghiên cứu khá kì công về đạo Phật và những nghi lễ, tín ngưỡng dân gian… của đạo diễn. Tiếc rằng những cảnh Vũ Phong xuất hiện chưa đúng lúc làm phá vỡ mạch cảm xúc của người xem. Câu chuyện cũng có thể bố cục chặt chẽ hơn nữa để làm nổi bật hơn chủ đề tư tưởng của vở. Khi được tiếp thêm sức trẻ và sự mới mẻ, sân khấu cải lương vẫn luôn hấp dẫn khán giả ở nhiều lứa tuổi. Với vở diễn này, không còn nghi ngờ gì nữa niềm tin của Hội NSSKVN đặt lên vai các đạo diễn trẻ và các tài năng sân khấu trẻ trong những cuộc thi liên tiếp trong năm nay đối với tương lai của sân khấu Việt Nam…
Tùng Sơn (Theo Thể thao và Văn hóa, 6/12/2007)