Thanh Thanh Hiền: “Tôi chưa hề bỏ cải lương”

Thanh Thanh Hiền: “Tôi chưa hề bỏ cải lương”

Thanh Thanh Hiền: “Tôi chưa hề bỏ cải lương”Khán giả trong Nam ít có dịp gặp Thanh Thanh Hiền, ngôi sao cải lương số 1 miền Bắc, mà thường chỉ thấy chị qua băng đĩa, truyền hình… Nhưng thời gian gần đây, chị đã hai lần liên tiếp có mặt tại TP.HCM.
Chị nhắc đi nhắc lại câu nói “Tôi chưa hề bỏ cải lương” như để cải chính dư luận từ lâu cho rằng Thanh Thanh Hiền đã bỏ cải lương chạy theo tân nhạc khi mười năm trước, chị đột ngột chuyển biên chế từ Nhà hát Cải lương trung ương về Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, lúc đang ở vị trí “ngôi sao”.
Tuần qua, Thanh Thanh Hiền đã cùng Xuân Hinh biểu diễn tiểu phẩm Ngựa người – người ngựa (tác giả Nguyễn Công Hoan, đạo diễn Lê Hùng) trong ba đêm 28, 29-2 và 1-3 tại Nhà hát Bến Thành. Cặp nghệ sĩ tài năng xứ Bắc này đã làm mê hoặc khán giả TP bằng khả năng ca diễn của mình. Xuân Hinh “ma lanh” một cách hóm hỉnh với sở trường hề chèo trong vai phu kéo xe, còn Thanh Thanh Hiền xinh đẹp, quyến rũ và rất mượt mà với điệu lý son sắt trong vai cô gái ăn sương đi tìm khách giữa đêm giao thừa.
Nàng cung phi tài sắc
Hơn một tháng trước, Thanh Thanh Hiền từng làm “choáng váng” khán giả TP.HCM có mặt trong cuộc thi “Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc” với vai cung phi Điểm Bích trong vở diễn cùng tên. Nhân vật cung phi Điểm Bích do tác giả Hoàng Công Khanh xây dựng là một cung phi được nhà vua phái lên núi Yên Tử giả làm chú tiểu để theo dõi thái độ của vị sư trụ trì ngôi chùa tại đây đối với triều đình. Chính sự thông tuệ cùng tấm lòng từ bi của bậc chân tu đã khiến trái tim nàng cung phi trẻ xao động. Tình yêu dành cho vị sư của Điểm Bích càng “cuống quít” hơn khi hạn hồi cung đã gần kề. Nỗi khát khao chiếm hữu người mình yêu khiến nàng cung phi xinh đẹp tìm đủ mọi cách, từ dịu dàng kín đáo đến công khai sấn sổ nhằm thổ lộ ngọn lửa tình yêu đang cháy rực trong cô. Và mặc dù biết trái tim mình từ lâu cũng “không ngủ yên” nhưng vị sư trẻ đã dốc lòng vượt qua cơn phong ba cám dỗ để đứng vững trên chánh điện.
Nhiều người trong giới chuyên môn nhận định trong vai cung phi Điểm Bích, Thanh Thanh Hiền đã có dịp bộc lộ tài năng ca diễn một cách… tuyệt hảo! Ở màn đánh trống nhằm thúc giục vị sư bỏ áo tu trở về đời thường, Thanh Thanh Hiền thể hiện khả năng vũ đạo thật uyển chuyển, đẹp mắt. Khả năng ấy đã giúp ý đồ dàn dựng của nữ đạo diễn Hoàng Huỳnh Mai thêm hiệu quả khi cứ một dùi trống của cung phi Điểm Bích đánh lên, vị sư trẻ đáp lại bằng một tiếng chuông như một lời đáp mang ý nghĩa chối từ. Bên cạnh việc bộc lộ khả năng vũ đạo, Thanh Thanh Hiền còn trình diễn một giọng ca cải lương đẹp, một tài nghệ hát chầu văn, ả đào…
Làn điệu chầu văn chị dùng khi lên giá đồng với tâm trạng khấn xin các vị thánh linh giúp mình thu phục được tình yêu. Hết nhập giá đồng cô Bơ – một cô gái có thân phận buồn, thấy không ăn thua, nàng cung phi lại nhập tiếp giá đồng cô Bé, một người vô tư, hồn nhiên. Thấy cũng không ăn thua, Thanh Thanh Hiền “cung phi” chuyển sang hát ả đào. Cô lén trộm cây đàn không dây không phím của nhà sư, dồn tổng lực rung lên những thanh âm bộc lộ sự hoang mang đến tột cùng.
Những lớp diễn này của Thanh Thanh Hiền liên tục nhận được những tràng pháo tay ngợi khen. Có lẽ vì sự nhập vai quá xuất sắc của Thanh Thanh Hiền mà đến nay, sau gần hai tháng ra mắt, vở Cung phi Điểm Bích của Nhà hát Cải lương Trung ương vẫn tiếp tục “cháy” vé, một điều hiếm hoi đối với sân khấu cải lương miền Bắc trong nhiều năm gần đây.
Điều đáng nói ở đây là vai cung phi Điểm Bích là vai diễn đầu tiên trở lại cải lương của chị sau hơn 10 năm chia tay với Nhà hát Cải lương Trung ương. Khi đọc kịch bản vở Cung phi Điểm Bích của tác giả Hoàng Công Khanh, hầu như tất cả những ai được hỏi ý kiến đều cho rằng đây là vai viết dành riêng cho Thanh Thanh Hiền. Nhưng mời được Thanh Thanh Hiền trong lúc chị đang tất bật với quá nhiều sô diễn là điều ít ai “mơ” tới. Vậy mà thật ngạc nhiên là chị đã mau mắn nhận lời mà không đòi hỏi một điều kiện gì. Hỏi chị nghĩ sao, chị cười và nói thật nhanh: “Cần gì phải nghĩ, một vai quá hay như vậy mà mình được đóng đã là niềm hạnh phúc lớn rồi!”.
Cải lương con nhà nòi
Mẹ chị – nghệ sĩ Kim Thoa, Đoàn cải lương Quyết Tiến, TP Thái Nguyên – lúc mang thai chị tám tháng vẫn còn ra sân khấu diễn. Những năm tháng mới chào đời, chị được mẹ ẵm bồng theo trên đường lưu diễn nên mới 4 tuổi Thanh Thanh Hiền đã thuộc lòng các vở diễn của đoàn. Năm cô bé lên 6, đoàn hát đã cho ra sân khấu hát đủ sáu câu vọng cổ trước lúc mở màn. Dấu ấn ấy mạnh đến nỗi đến nay, sau hơn 30 năm chị vẫn nhớ câu hát đầu tiên: “Con chim non giữa trời đông giá lạnh. Hoàng hôn rồi chim mỏi cánh biết về đâu… Ngôi sao buồn lẻ loi soi ánh mắt u sầu. Trống trải bốn bề gió ơi thổi hoài chi nữa…”.
Thanh Thanh Hiền giống mẹ ở âm sắc ngọt ngào, nhưng những người trong nghề đều công nhận chất giọng của chị thuộc loại quí hiếm với một âm vực rộng có thể cao vút ở những cung bậc cao, và cũng thật trầm ấm nhẹ nhàng khi xuống những cung bậc thấp. Vào nghề năm 14 tuổi, chưa đầy một năm sau Thanh Thanh Hiền đã được đóng vai chính trong vở Đôi dòng sữa mẹ. Có giọng ca đẹp thiên phú nhưng Thanh Thanh Hiền không ngừng luyện tập để mở rộng khả năng chinh phục được hết các làn điệu dân tộc.
Chị nói: “Giọng của tôi hát lên cao thì dễ chứ muốn xuống khu vực trầm hoặc tạo khoảng vang là phải luyện, nếu không giọng dễ bị lép”. Cái gì thuộc về dân tộc, chị đều thích và cố công học cho bằng được. Ngoài cải lương là sở trường, chị còn biết hát chèo, đến xin thọ giáo nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ để học ca trù, nghe ca Huế “chịu không nổi” cũng vào tận Huế để học, còn hát xẩm thì thầy dạy không đâu xa, chính là người bạn đời của chị – nghệ sĩ ưu tú Hoàng Anh Tú.
Điều đó lý giải vì sao khi còn ở tuổi “teen”, Thanh Thanh Hiền đã vang danh khắp miền Bắc với vai diễn Kamai trong vở cải lương Mùa tôm, một vai đòi hỏi không những hát hay mà còn múa giỏi. Hoặc như vai Huệ Thư trong vở Sứ giả của tình yêu, cô đào hát mà Nguyễn Công Trứ đã yêu từ thuở mới lớn với hai câu thơ tặng nàng nổi tiếng: “Giang sơn một gánh giữa đồng. Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng…”.
Xa mặt nhưng không cách lòng
Có thể nói hiện nay ở Hà Nội, Thanh Thanh Hiền là một trong số rất ít nghệ sĩ có giá catsê cao ngất ngưởng bởi chị là người đa năng, có thể hát được nhiều thể loại nhạc. Bên cạnh cải lương, chầu văn, ca trù, hát xẩm, ca Huế, chị còn giỏi ngâm thơ, hát dân ca và rất được ái mộ ở “khoản” tân nhạc. Chị “chuyên trị” những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân ca như Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên), Ở hai đầu nỗi nhớ (Phan Huỳnh Điểu), Câu hò bên bờ Hiền Lương(Hoàng Hiệp), Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc)… Lâu nay, nhiều người không hiểu đã trách sao chị “tham phú phụ bần”, bỏ cải lương nghèo khó đi hát tân nhạc thời thượng.
Chị cho rằng lời trách đó đối với chị chẳng khác nào “nỗi oan Thị Kính”, bởi nếu không vì lý do quan trọng của đời mình là hôn nhân thì chị không bao giờ chịu “ngắt đoạn” với cải lương. Thanh Thanh Hiền kể rằng chị và người bạn đời của mình – nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú – vốn đã quen biết và có tình cảm với nhau từ những ngày cả hai cùng học ở Trường Sân khấu – điện ảnh Hà Nội.
Ra trường, do tính chất công việc, mỗi người về một nhà hát khác nhau. Nhưng khi bước vào hôn nhân, vì “chúng tôi rất yêu nhau nên cần một sự nhất quán về công việc, muốn chia sẻ hết mọi thứ nên không có gì tốt hơn là chuyển về một nơi”. Đó là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, nơi chồng chị đang công tác. Sở dĩ chị nói chị chưa bao giờ bỏ cải lương là vì trong các sô diễn lẻ của mình, thỉnh thoảng chị cũng được mời ca lẻ những bài vọng cổ.
Trước sau chị vẫn rất tự hào nhận mình là “dân cải lương”. Và chị là một trong số rất ít nghệ sĩ cải lương miền Bắc sống được nhờ nghề. Theo chị, ở các đơn vị cải lương, nghệ sĩ có nhiều cơ hội để phát huy nghề nghiệp song sự đãi ngộ về vật chất lại không tương xứng với tài năng và sức lao động mà họ đã đóng góp.
Vì vậy, chỉ có những nghệ sĩ đa năng như chị, có thể nhận thêm các sô diễn bên ngoài mới sống được với nghề. Ngoài các tiết mục riêng lẻ, thỉnh thoảng chị cũng biểu diễn song ca với đức lang quân những bản hát xẩm, hòa điệu cùng ngón đàn bầu được xem là nhất nhì nước hiện nay của anh.
Cát Vũ (Theo Tuổi trẻ)

Thảo luận cho bài: "Thanh Thanh Hiền: “Tôi chưa hề bỏ cải lương”"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com