Cải lương có những làn điệu bài bản cố định, từ đó nhạc sĩ thiết kế lời hát để phù hợp với tâm trạng từng nhân vật. Trong ngần ấy mẫu gốc, làn điệu cơ bản, hát thế nào cho hay, cho đẹp, cho hơi ấm tình cảm và bản sắc riêng hoàn toàn phụ thuộc vào tài nghệ điều khiển, thao túng nhịp điệu của từng diễn viên hát cải lương.
Theo tôi, tiêu chuẩn hàng đầu của một giọng ca hay trên sân khấu cải lương là sức truyền cảm. Một giọng ca hời hợt, chỉ thấy lời hát mà không thấy lòng người không phải là một giọng ca hay. Ngay cả một giọng ca điêu luyện về kĩ thuật mà không có linh cảm, cũng chỉ là một giọng ca chết, không sinh khí.Một giọng ca hay là giọng ca lột tả đến cùng tình cảm của câu hát, của tâm trạng nhân vật bằng tất cả rung động của trái tim người hát và bằng cả quá trình khổ luyện, tìm ra được cách biểu hiện tốt nhất. Khi nội dung bài hát đã thấm vào lòng diễn viên, đã biến thành máu thịt, thì các kĩ thuật gieo cau, nhả chữ, ngừng lặng, luyến láy đều là kết quả sự xúc động tình cảm sâu sắc của người hát. Một người rất ít nghe cải lương, thậm chí chưa nghe bao giờ, cũng có thể xúc động khi nghe một giọng truyền đạt chính xác sắc độ tình cảm của lời hát, của nhân vật như : yêu thương, nhớ nhung, buồn bã hoặc căm uất, giận hờn…
Tùy từng cách chế ngự điều khiển của từng diễn viên với bài bản cải lương, sẽ quyết định màu sắc riêng biệt của mỗi giọng ca. Có diễn viên hơi ngắn thì chú ý nối hơi cho khéo, có diễn viên chú ý đến từng dấu trong lời hát. Không phải ngẫu nhiên, có một thời, sân khấu cải lương đã tồn tại những vua dấu sắc, chúa dấu huyền, chỉ chuyên chủ dốc toàn lực vào biểu diễn những chỗ lời hát có dấu biểu đạt tốt nhất giọng hát của mình. Nói như vậy để thấy rằng : sức mạnh truyền cảm trong từng giọng ca hay mang rất đậm dấu vết riêng của từng người hát. Người xem thường khen tặng diễn viên này ca mùi, diễn viên kia ca ngọt, diễn viên nọ ca dài, âm vang… cũng vì vậy (…).
Nhưng, một giọng ca hay trên sân khấu cải lương chỉ có thể được coi là hoàn hảo nếu không tách rời nghệ thuật biểu diễn. Vì vậy, tiêu chuẩn thứ hai của giọng ca hay phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca với diễn. Chỗ này người nghe sẽ có thể thắc mắc : một giọng ca hay chứ có phải điệu bộ hoặc động tác hay đâu mà liên quan đến diễn xuất ? Song các bạn thử tưởng tượng xem : nếu trong một vở cải lương, diễn viên chỉ một mực chú ý đến lời hát, hoàn toàn phớt lờ diễn xuất, chỉ nhăm nhăm ca cho mùi, tất cả các vai diễn – kể cả gian tà lẫn chính trực, ngay thẳng hoặc gian dối – đều bị khoác chung một vẻ mặt của chính anh ta chứ không phải nhân vật thì hay sao đặng ? Tôi đã từng chứng kiến có những diễn viên chỉ thích vuốt ve giọng ca cho thật mượt, thật mùi mẫn, hoàn toàn buông lơi nghệ thuật biểu diễn. Cũng có những khán giả hâm mộ giọng ca kiểu này, nhưng thực ra, cả cách biểu diễn lẫn thưởng thức đều là biểu hiện một quan niệm thẩm mỹ quá đơn giản về nghệ thuật ca kịch.
Chỉ khi nào diễn viên cải lương quan tâm đến việc kết hợp hài hoà giữa ca với diễn thì mới truyền đạt hết nội dung vở diễn. Người xem vừa được thưởng thức ca hay, vừa được xem diễn, cảm thấy chủ đề vở diễn một cách trọn vẹn. Ngược lại, nếu mọi diễn viên chỉ mải miết săn sóc đến giọng ca của mình, ai cũng muốn giọng mình nổi bật nhất thì vở diễn sẽ không tránh khỏi số phận bị cắt rời thành từng mảnh nhỏ và vô tình biến thành một chương trình hát đơn ca cải lương. Do đó, cần phân biệt một bài ca hay với một vai diễn ca hay. Một giọng ca hay phải lấy việc truyền đạt nội dung nhân vật làm mục đích cuối cùng (…).
Thưởng thức cho hết một giọng ca cải lương hay không phải dễ. Đó là cả một nghệ thuật cảm thụ của người hâm mộ cải lương, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về bài bản, kỹ thuật hát, các loại giọng và nhiều lần xem hoặc nghe cải lương. Như vậy mới biết rằng hay ở chỗ nào và như thế nào mới là hay. Nếu không rất có thể sẽ rơi vào trường hợp như một nhà kinh điển đã nói : “một bản đàn hay nhất cũng không có tác dụng gì với một cái tai không biết nghe nhạc !”. Nhưng mọi việc chỉ cốt ở lòng. Nếu thực sự yêu cải lương, sẽ phân biệt rất rõ giọng ca hay, dở và sẽ biết thưởng thức tinh tế đến từng chỗ ngắt hơi, nhả chữ, luyến láy, xuống xề…
Tôi còn nhớ, ngay từ hồi nhỏ, tôi đã hâm mộ nghệ sĩ cải lương Ba Vân. Giọng của Ba Vân không có cái may mắn của chất giọng bẩm sinh, ngắn hơi, rất không thuận tiện cho việc hát cải lương vốn yêu cầu dài hơi, trường giọng. Nhưng Ba Vân nối hơi rất tinh tế, nhả chữ, gieo câu, ngắt đoạn rất khéo léo… Nghệ sĩ có thể nối ba lần hơi thở, mà một câu hát vẫn liền ấm, mượt mà. Tôi còn nhớ trước Cách mạng, Ba Vân đã sắm vai Phê trong vở Khi người điên biết yêu (soạn giả : Năm Châu, Tư Trang, Lê Hoài Nở). Trong lúc tâm tư xao động nhất, muốn yêu mà không thể nói, muốn can ngăn mà không thể làm, nhân vật Phê của Ba Vân đã ca sau câu vọng cổ, lột tả sự day dứt bi kịch này một cách hết sức trọn vẹn, đã ba lần khán giả vỗ tay tán thưởng. Đó là một cách ca đẹp, dựa trên sự khổ luyện và gắn liền với diễn xuát tâm trạng nhân vật. Đó là trường hợp một nghệ sĩ đã cao tuổi. Nói ngay ở các đoàn cải lương của chúng ta, cũng có giọng ca của các nghệ sĩ được người xem, người nghe ghi nhận. Dư luận đã đánh giá nghệ thuật ca để mà diễn của Mạnh Tưởng. Mạnh Tưởng đã không ỷ lại vào cái giọng “trời sinh”, mà anh tự khẳng định mình qua bao ngày rèn luyện để đạt tới sự gắn bó nhuần nhụy giữa ca với diễn. Cũng rất đáng tin tưởng ở những diễn viên trẻ tuổi đời và tuổi nghề… Sự phấn đấu không ngừng của mỗi cá nhân là vấn đề chủ yếu để thực sự người diễn viên cải lương chinh phục công chúng bằng nghệ thuật biểu diễn chân chính, trong đó giọng ca là quan trọng.
Ngọc Dư (Nguồn : Nghệ thuật sân khấu, Viện Sân khấu)