Nếu cho sân khấu là thánh đường thì diễn viên được coi là những người đầy quyền năng trong việc điều khiển cảm xúc người xem.
Khi họ xuất hiện, mọi người phải ngước nhìn; khi họ chuyển động, mọi ánh mắt dõi theo; khi họ phát ngôn, mọi đôi tai lắng nghe; khi họ vui, mọi nụ cười đều nở và khi họ buồn, mọi trái tim cùng thổn thức. Và khi vở diễn kết thúc, điều đọng lại trong lòng khán giả không phải là hình ảnh tác giả hay đạo diễn mà chính là diễn viên, những người đã mang gương mặt và số phận của nhân vật.
Và nếu như trong cuộc đời, trai tài gái sắc là nét đẹp tiêu biểu của loài người thì trên sàn diễn, đào xinh kép bảnh cũng được xem như một chuẩn mực cần thiết cho cái đẹp của nhân vật. Với quan niệm “thầy già, con hát trẻ”, một vở kịch thông thường bao giờ cũng chọn một cặp nam thanh nữ tú làm nhân vật trung tâm và những vai còn lại được xây dựng như những vệ tinh xoay quanh, hỗ trợ những nhân vật chính.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đào kép chính phải là những người có sức hút nhất trong một vở diễn. Sân khấu thế giới nói chung, sân khấu VN nói riêng đã “trường kỳ” áp dụng qui luật này như một phương cách để tồn tại. Thế nhưng, qui luật ấy dường như đang gặp phải sự bất ổn khi mà hầu hết sàn diễn sân khấu của TP.HCM hiện nay đều rơi vào tình trạng thừa trai đẹp, thiếu kép tài.
Thế hệ vàng đã qua
Kép, theo quan niệm thẩm mỹ thông thường, là diễn viên nam hội đủ một số điều kiện như: vẻ bề ngoài đẹp trai, nhiều nam tính, giàu có về tri thức và giỏi về kỹ năng chuyên môn. Nhớ thời sân khấu kịch hưng thịnh, đã từng có những nghệ sĩ thể hiện được những nét đẹp trên như Nguyễn Chánh Tín của Đoàn Bông Hồng, Thương Tín của Đoàn Cửu Long Giang, Trần Vân của Nhà hát Kịch Hà Nội…
Họ thường thủ diễn những nhân vật chính diện, là người phát ngôn chính thức cho những ý tưởng cao đẹp mà các tác giả vở kịch muốn gửi gắm. Chính cái tôi đầy vẻ quyến rũ của bản thân họ đã làm đẹp hơn nhân vật họ thủ diễn và vì thế họ dễ trở thành thần tượng trong mắt người xem. Thế nhưng, một diễn viên vừa toát ra vẻ đẹp nam tính, vừa có nét duyên sân khấu như vậy không nhiều.
Còn nhớ vào những năm của thập kỷ 1980, sân khấu TP.HCM đã may mắn có được một thế hệ diễn viên giỏi nghề xuất thân từ trường lớp chính qui, nhưng không mấy ai được nhìn nhận như một kép đẹp mặc dù họ chính là những người có công giữ lửa cho sân khấu suốt gần 30 năm nay. Những diễn viên có ngoại hình cao ráo như Hữu Châu, Nguyễn Việt Anh… lại sớm chọn cho mình sở trường kép lão. Quốc Thảo, Minh Hoàng, Khánh Hoàng, Tấn Thành… luôn được giao vai chính nhưng dường như sức lan tỏa chưa đủ mạnh để buộc người ta phải thao thức. Thành Hội, Trung Dân… lại diễn xuất sắc ở những vai tính cách.
Thành Lộc được xem là quái kiệt, có thể hóa thân vào nhiều dạng nhân vật, nhiều lứa tuổi khác nhau, từ đàn ông đến đàn bà, từ trẻ con tới ông già, nhưng cũng chưa bao giờ anh được xếp vào dạng kép đẹp, một bóng hình trượng phu để phụ nữ phải mơ tưởng. Dẫu vậy, bằng dạng vai sở trường, những diễn viên thuộc thế hệ vàng này đã đóng dấu tên tuổi mình trong lòng công chúng. Và giờ đây, thời trẻ của họ đã qua, hầu hết vẫn đang tiếp tục làm nghề nhưng họ gần như đã lùi lại phía sau, làm “dàn bao” cho thế hệ đàn em.
Đẹp thì có đẹp nhưng tài thì chưa!
Việc tìm kiếm những gương mặt trẻ đẹp đảm nhận những vai trung tâm trong các vở diễn luôn là nỗi lo đau đáu của các sân khấu. Bà bầu Hồng Vân của Sân khấu Phú Nhuận xem ra là người may mắn vì đang có trong tay nhiều cặp đào kép trẻ đẹp, thường đóng cặp với nhau như Hòa Hiệp – Thanh Vân, Quốc Thái – Vân Anh, Đức Thịnh – Thanh Thúy…
Thế nhưng, phần đông khán giả đến với Sân khấu Phú Nhuận thường trông chờ nhiều hơn ở sự xuất hiện của những “ba”, những “má” của họ như Hồng Vân, Bảo Quốc… Công ty Thái Dương của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ngoài việc sở hữu “trai đẹp” Minh Trí trong nhiều năm, thời gian gần đây còn rước về “hoa vương” Lương Thế Thành, giải diễn viên điện ảnh triển vọng, và Huy Khánh, người đóng vai chính trong một số phim truyền hình. Vậy mà trong suốt thời gian dài, gương mặt để người ta bỏ tiền ra ở phòng vé là Thành Lộc, Hữu Châu, Thành Hội, mới đây có thêm Đại Nghĩa.
Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B là nơi xưa nay có nhiều biến động về nhân sự do nơi này chủ trương tạo sân chơi cho các diễn viên trẻ mới ra trường, hơn nữa, tiềm lực kinh tế cũng không đủ mạnh nên sức hút đối với những tên tuổi sáng giá cũng nhẹ hơn các sân khấu khác. Ở đây có hai gương mặt trai trẻ gắn bó lâu dài là Cao Minh Đạt và Trung Dũng. Thế nhưng, ngoài vở kịch Người đàn ông của trời (tác giả, đạo diễn Đỗ Đức Thịnh) giúp họ bộc lộ được chút ít khả năng, hầu hết những vai diễn trong các vở khác đều khá mờ nhạt, không để lại được ấn tượng.
Một phần do cả hai diễn viên trên chọn đóng phim làm sự nghiệp chính, chỉ trở về với sân khấu vào những khoảnh khắc nghỉ giải lao giữa các trường quay. Ở đây có nhiều gương mặt trẻ thay nhau xuất hiện nhưng khán giả sau khi ra về thường chỉ nhớ những “ông già” như Nguyễn Việt Anh, Thanh Hoàng, Lê Bình, Công Ninh… Sân khấu này còn có một gương mặt trẻ cũng được trông chờ là Thanh Hải, diễn viên từng đóng xuất sắc vai chính trong vở Thầy thuốc biết bay, nhưng cũng như Đại Nghĩa của IDECAF, anh sớm chọn cho mình sở trường diễn hài, không làm kép.
Sự khan hiếm kép tài còn diễn ra gay gắt hơn ở Sân khấu Kịch Sài Gòn khi sân khấu này đã đưa cả Tiết Cương, một diễn viên chuyên tấu hài, ra làm kép chính. Mới đây, Kịch Sài Gòn vừa tăng cường một số trai trẻ vào các vai chính nhưng nét diễn còn quá non yếu, tỉ như trong vở Trinh tiết mới ra mắt gần đây, người ta chỉ có chút ít thú vị với Hoàng Sơn, dù anh đóng một vai rất phụ và thời lượng trên sàn diễn không dài. Ở sân khấu Nụ Cười Mới, những nam thanh nữ tú dường như chỉ để làm nền cho “ông già” Hoài Linh trong hầu hết các vở diễn. Xem vở Cổ tích một chuyện tình, trai đẹp Trí Quang và gái xinh Lý Thanh Thảo trong hai vai nam nữ trung tâm đã bị ba cây cười Hoài Linh, Kim Ngọc, Chí Tài “nuốt chửng”.
Tài năng nghệ thuật là món quà số phận ban tặng, không phải cứ chăm chỉ mà nên. Song có năng khiếu mà thiếu rèn luyện thì cũng chỉ là thứ quặng thô sơ. So với lớp nghệ sĩ thế hệ trước, nhiều diễn viên trẻ ngày nay hơn hẳn về sắc vóc. Thế nhưng vì sao họ vẫn chỉ là trai đẹp mà chưa thể là kép tài? Có người rõ ràng không có cái duyên sân khấu dù đã rất nỗ lực, song phần đông còn lại là do họ chưa được trang bị kỹ năng đủ để hành nghề.
Với sự bùng nổ của việc làm phim truyền hình hiện nay, nhiều sinh viên mới vào năm nhất đã bỏ lớp đi sô và sấp ngửa chạy theo tiến độ tốc hành của các đoàn phim. Phim này nối tiếp phim kia và hơn nữa, kiếm được tiền rồi việc học ở trường trở thành thứ yếu. Có được chút danh ở sân quay, họ trở về làm “sao” ở sàn diễn sân khấu mới hay mọi thứ không dễ dàng. Sân khấu đòi hỏi một sự hóa thân tuyệt đối, một bản lĩnh làm chủ tình huống thông minh và một khả năng quăng bắt nhạy bén, hoàn toàn không có chỗ cho cách diễn hời hợt, nhợt nhạt hoặc trông chờ vào các công cụ kỹ thuật hỗ trợ.
Một trong những yếu tố để lớp diễn viên kịch nói xuất hiện vào những năm ở thập kỷ 1980 trở thành thế hệ vàng với nhiều cá nhân xuất sắc, là họ đã được học hành một cách kỹ lưỡng dưới sự dìu dắt của những người thầy giỏi, cũng như đã rèn luyện không ngừng trong suốt quãng thời gian làm nghề với một ý thức rất rõ về trách nhiệm của người nghệ sĩ trước tổ nghiệp và xã hội.
Một lý do khác nữa khiến sân khấu ngày càng ít kép tài đúng nghĩa là xu hướng hài hóa đã và đang thống trị sàn diễn. Những kịch bản thuộc dạng sinh hoạt, nhẹ nhàng vui vẻ thường được ưu tiên đưa vào sử dụng vì dễ bán vé. Và tất nhiên, ở những vở kịch này, ngôi sao sáng sẽ thuộc về những diễn viên nào có khả năng gây cười. Vậy thôi!
Cát Vũ (Theo Tuổi trẻ cuối tuần)