HƠI XUÂN
Trong âm nhạc tài tử cải lương Nam Bộ, có năm loại hơi cơ bản :Bắc, Bắc lễ, Nam, Oán và Quảng, nhưng lại có thêm hơi xuân và loại hơi này nằm riêng ở cả ba địa hạt : Nhạc lễ, nhạc tài tử và nhạc cải lương.
Ở nhạc tài tử và cải lương thì có lối “Rao” giống nhau, nhưng lối vô và tiết tấu có phần khác nhau. Tài tử, Rao khoan thai chậm rãi và đờn vô trước, ca thì vô sau. Cải lương, Rao nhặt hơn theo tình huống kịch, ca vô trước đờn vô theo sau, tiết tấu thúc theo trạng thái nhân vật.Cả hai đều bắt đầu vô câu I bằng chữ “Xang” giống nhau, tài tử ca nhiều lớp, có khi ca hết bài, còn cải lương chỉ sử dụng tối đa là hết lớp I. Hơi Xuân nằm trong nhóm ba bài Nam (Xuân – Ai – Đảo), để Rao dọn hơi cho điệu Nam xuân và Trống xuân, âm giai miên man, không buồn như Nam ai, mà trong cái buồn có thoáng chút rộn rã… Tính cách tự sự, thường để cho nhân vật tự bạch hay than vãn, trách hờn vu vơ, ở hoàn cảnh khác cũng có thể sử dụng trong tình huống lạc quan để bộc lộ tâm trạng nôn nao, khát vọng điều gì đó. Ở nhạc lễ, rất ít sử dụng loại hơi Xuân này, thường là hơi Nam (Ai) buồn và bi hơn, nhất là tang tế.
ĐIỆU XUÂN
Trong dòng nhạc ngũ cung, hơi là đi theo điệu và ngược lại. Điệu còn gọi là bài bản, chẳng hạn như các bài Bắc còn gọi là các điệu Bắc. CÒn các bài bản có tên gọi là “Xuân” thì khác, không phải hơi Xuân mà là điệu nằm trong một số loại hơi. Như :bản Xuân tình thì nằm trong 6 Bắc, không thể Rao hơi Xuân được, mà phải Rao hơi chánh Bắc. Có tính cách xôm tự, hùng mạnh là điệu thường phổ biến trong tài tử và cải lương nhất. Rất rộng đường sử dụng trong cải lương ở nhiều tình huống và tính cách nhân vật, tình huống gay gắt xung đột hoặc đối đáp chuyện trò giữa nhiều nhân vật đang phân trần hay tranh cãi. Có lúc vui để thuật chuyện và dùng cho nhiều tính cách nhân vật mà vẫn thích hợp.
Điệu Lạc xuân hoa và Xuân phong là loại bản nhỏ trong cải lương, nhưng thuộc hơi Quảng, có tiết tấu nhanh và âm giai tươi sắc. Tính cách vui nhộn, thường sử dụng trong các tình huống bi, trong những lúc bi thảm, thê lương nhất và nhất trong hát bội thường sử dụng giai điệu này cho nhân vật than vãn… Trên sân khấu cải lương trước năm 1975, điệu Xuân nữ thỉnh thoảng được xen làm nhạc nền, phụ họa những tình huống bi kịch cho diễn viên than khóc, từ sau 1975 đến nay không thấy sử dụng cho cải lương.
Đỗ Dũng (Theo Tuần báo Sân khấu TP HCM)
a