Trạng Lợn xoáy sâu vào số phận người trí thức có tài, nhưng không được trọng dụng và phải đi phục vụ cho kẻ ngu dốt (tiêu biểu cho lớp người này là hình tượng nhân vật Khóa Còm do nghệ sĩ Văn Thuân thể hiện) ; vào những kẻ dốt nát, nhưng lại khoác cái vỏ thực tài (nhân vật Chử Văn Chung do NSƯT Xuân Vinh đóng) ; vào những kẻ tham lam, bất chấp đạo lí để vơ lợi về mình (đó là cụ Chánh Hách của nghệ sĩ Tiến Đại ngông nghênh, hống hách, dốt nhưng vẫn ra vẻ hiểu biết ; là bà Chử của nghệ sĩ Thu Hà chuyên mổ thịt lợn, giàu có, đáo để, ăn cháo đá bát ; là quan Bộ Lễ của nghệ sĩ Quốc Đề đục nước béo cò, lợi dụng kẻ khác để tiến thân thăng chức)
Trạng Lợn là vở diễn của tác giả Hoài Giao, do NSƯT Ngọc Chi chuyển thể, NSƯT Xuân Huyền đạo diễn
Những hình tượng nhân vật trên móc xích với nhau thông qua ba sự kiện:
– Sự kiện thứ nhất – Chử Văn Chung bị bắt phạt vì tội sàm sỡ con gái cụ Chách Hách. Chính vì con bị bắt phạt lên bà Chử mới cầu cứu đến Khóa Còm. Chính vì mang nợ bà Chử nên Khóa Còm đành phải nói đỡ cho Chử Văn Chung và tâng bốc anh ta thành Trạng Lợn.
– Sự kiện thứ hai – nhà vua tìm nhân tài giúp nước. Vì tài ứng biến đối đáp của Khóa Còm nên quan Bộ Lễ tưởng Chử Văn Chung là nhân tài thật, liền vời về triều và Khóa Còm lại phải theo sau làm kẻ phò tá.
– Sự kiện thứ ba – thi tuyển phò mã. Để giữ thể diện bang giao với nước Tàu, nhà vua đã cử Chử Văn Chung thi tài với công chúa Tàu. Khóa Còm lại phải đứng bên làm mưu sĩ giúp Chử Văn Chung…
Ở đây, ba sự kiện nối tiếp nhau là chất xúc tác để thúc đẩy sự phát triển của mâu thuẫn, xung đột và là căn cứ để bộc lộ số phận, tính cách của ba đối tượng nhân vật trong vở diễn. Một anh Khóa Còm của Văn Thuân, nghèo khổ, rách rưới, lận đận trường thi, ở nhà làm thân ăn bám, ra ngoài phải chống đỡ giúp người, che tàn cho kẻ ngu đần, để đến khi xong việc, bị quăng đi như mớ giẻ rách. Một anh Trạng Lợn của NSƯT Xuân Vinh, chân thật, ngây thơ, sinh ra đã ngu dốt, nhưng lại sống có nghĩa, có tình và trở thành vật đẩy đưa cho những toan tính cá nhân. Một cô Mến của NSƯT Vương Hà hồn nhiên, trong sáng và hiểu rõ lẽ đời. Một bà Chử của Thu Hà tráo trở, chua ngoa, bạc tình, bạc nghĩa. Một ông Chách Hách của Tiến Đại hám lợi, vênh vang. Một quan Bộ Lễ của Quốc Đề háo danh, háo chức…Chính sự va chạm của các tính cách, số phận trên đã tạo cho vở diễn Trạng Lợn chứa đựng cả chất bi và hài với sự hòa trộn cả nụ cười và nước mắt, cả hạnh phúc và đắng cay.
Trạng Lợn là một bức tranh dân gian bình dị, đơn sơ nhưng lại mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Trang trí của họa sĩ Tất Ngọc là một không gian đầy dân dã, mộc mạc với những bức tranh tố nữ thay đổi linh hoạt theo từng cảnh diễn và hình mặt người ngộ nghĩnh đang vừa khóc, vừa cười như tượng trưng cho nỗi niềm chua chát của anh Khóa Còm và thân phận dở dở ương ương của anh Trạng Lợn. Âm nhạc chủ yếu sử dụng nhạc cụ dân tộc của nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang tựa những mảng mầu chấm phá tô điểm trên bức tranh dân gian ấy, tạo nên sự sinh động và hấp dẫn.
Thông qua Trạng Lợn, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương TƯ đã làm người xem thực sự cảm thấy thấm thía, suy ngẫm về cuộc sống hiện tại với đầy sự sâu xa, thâm thuý và càng cảm nhận nghệ thuật Cải lương có thể tiếp cận với đề tài có tính hài hước.
Bách Dũng