Dư âm của Dấu ấn giao thời mà Triệu Trung Kiên là tác giả, đạo diễn kiêm diễn viên còn chưa dứt, anh kép nhiều tài lẻ tiến hành dựng một trong 100 kiệt tác sân khấu thế giới bằng cải lương.
– Vì sao anh chọn dàn dựng một trong những kiệt tác sân khấu kinh điển của thế giới?
– Đây là vở diễn nằm trong kế hoạch năm 2008 Nhà hát giao cho tôi thực hiện. Tuy nhiên, tôi chọn Con côi họ Triệu, bởi đây là tác phẩm rất nổi tiếng của tác giả Mã Kiện Linh nhưng lại gần với sân khấu cải lương cổ điển Việt Nam. Các nghệ nhân ngày xưa dựng nhiều vở lấy tích từ Trung Quốc, vì thế mượn luôn trang phục, vũ đạo từ đất nước này. Do vậy, trong quá trình hoàn thiện, nghệ thuật cải lương gần như vay mượn đặc trưng của hí kịch Trung Quốc. Sau này, mọi người muốn thuần Việt hoá cải lương nên đoạn tuyệt hắn với những tác phẩm có nguồn gốc từ người láng giềng thân thiết. Dạng kịch này gần với nghệ thuật tuồng, rất thịnh hành hồi trước cách mạng tháng 8, song từ những năm 1970 trở lại đây, những vở diễn kiểu này vắng bóng hẳn trên sân khấu.
– Gần 40 năm, giờ dựng tác phẩm theo lối cổ ấy, anh gặp khó khăn gì?
– Tôi chủ trương mời các diễn viên trẻ để các em có cơ hội va đập, rèn luyện mình trong tác phẩm lớn. Tuy nhiên, đã lâu, cải lương truyền thống dựng theo lối cổ không còn được sử dụng nữa, trong trường sân khấu điện ảnh cũng không giảng dạy nên các em chưa được làm quen nhiều. Bên cạnh đó, cùng với sự vắng khách thê thảm của cải lương, diễn viên trẻ chưa thực sự thay thế được bậc đàn anh, đàn chị.
– Trong khi đồng nghiệp đau đáu tìm ra yếu tố mới nhằm lạ hoá sân khấu, anh lại trở về với cái cổ mà tiền bối tẩy chay, vì sao vậy?
– Đây là tác phẩm nguồn gốc từ Trung Quốc, được viết từ các đây mấy thế kỷ, tất nhiên phải dựng theo lối cổ. Tuy nhiên, vở diễn được dựng theo góc nhìn mới, chứ không phải là sự lặp lại cứng nhắc. Cách biểu diễn nặng tính hí kịch được giảm bớt để gần với sở thích người Việt.
– Con côi họ Triệu hấp dẫn anh ở chỗ nào?
– Điểm rõ ràng nhất trong những tác phẩm cổ điển là tuyến nhân vật đại diện cho thiện và ác rất rõ ràng. Nhân vật Đồ Ngạn Giả là tay hiểm ác, cơ hội làm suy đồi nhà vua, và Triệu Thuẫn, người trung quân, luôn đấu tranh để thức tỉnh nhà vua nhưng cuối cùng bị tru di tam tộc. Con gái của Triệu Thuẫn đang mang bầu cũng bị doạ giết. Tuy nhiên, bằng quyết tâm, can đảm, mọi người đã bao bọc đứa trẻ mới chào đời. Lớn lên, đứa bé trả thù cho cả dòng họ.
– Xuất thân là diễn viên có tài, thường xuyên nhận vai trong những vở kịch do chính mình đạo diễn. Với tác phẩm này anh đóng vai nào?
– Tôi tham gia diễn xuất với vai Triệu Thuẫn. Thực ra, đây không phải là nhân vật quá khó bởi kịch cổ điển, nhân vật thiện ác rõ ràng chứ không phức tạp như trong tác phẩm hiện đại. Nói thật, tôi không thích bị ràng buộc khi vừa diễn xuất vừa làm đạo diễn mà muốn tách hẳn ra để làm việc cho tốt, cũng là nhường đất cho diễn viên trẻ cọ xát. Nhưng do hạn chế về quân số và chất lượng diễn viên nên tôi tiếp tục đóng. Vở diễn này tôi phải huy động gần hết diễn viên của Đoàn I.
– Vì sao anh luôn thích lịch sử, đề tài rất khó để hút khách?
– Có thời, người làm nghệ thuật bị trách là trốn vào lịch sử và né tránh những vấn đề nóng hổi của thời cuộc. Thế nhưng, theo tôi đây là mảnh đất màu mỡ, rất đắc địa mà chúng ta cần khai thác, dùng chuyện xưa để nói vấn đề ngày nay. Mọi người vẫn than, dân ta không biết sử ta. Làm thế nào để người trẻ yêu lịch sử là trách nhiệm của người làm văn hoá. Không thể khẳng định khán giả không thích đề tài cũ, quan trọng là câu chuyện đó nói gì, mà những tác phẩm khai thác chuyện quá khứ luôn mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.
– Nhưng cải lương đang bị khán giả lãng quên, lép vế hẳn so với cách loại hình giải trí khác. Anh có chiêu gì nhằm kéo khách trở lại thời hoàng kim cách đây mấy chục năm?
– Nếu so với ca nhạc, kịch nói thì tính cạnh tranh của cải lương và các loại hình kịch hát dân tộc đúng là kém. Tuy nhiên, mỗi loài hoa có sức hút riêng và khán giả cũng cần đổi món. Tôi không dám nói khán giả sẽ nô nức mua vé vào rạp xem cải lương như ngày trước khi họ có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí nhưng sẽ không để họ cảm thấy vô ích khi ngồi xem cải lương.
– Đa tài: diễn xuất, đạo diễn, viết kịch bản nhưng khởi đầu sự nghiệp khi cải lương xuống dốc, anh gặp khó khăn gì khi tìm đất vẫy vùng?
– Con người luôn luôn đòi hỏi nhưng tôi bằng lòng với cuộc sống và công việc hiện tại. Nói chung, mọi thứ đến với tôi khá thuận lợi. Hiện, tôi đang dựng vở Cõi sắc không, do chính mình sáng tác cho Đoàn cải lương Hoa Mai. Ở đây, mọi người làm việc rất tốt dù họ gặp nhiều khó khăn hơn nhà hát của chúng tôi.
Hà Lan (Theo Đất Việt)