Như chúng ta đã biết, từ ca tài tử, ca ra bộ rồi hình thành nên sân khấu cải lương, đúng như cái tên là ông cha ta đã đặt từ lúc đầu tiên là cải lương (cải cách và cách tân), vì vậy mà gần một thế kỉ qua, sân khấu cải lương luôn luôn tìm tòi, phát triển để đến hôm nay nghệ thuật cải lương đã được Đảng và Nhà nước công nhận là một bộ môn nghệ thuật dân tộc được nhân dân mến mộ. Có được thành quả đó là nhờ vào công sức đóng góp của nhiều thế hệ.
1. Những trăn trở về sân khấu cải lương hiện nay
Điểm mạnh của sân khấu cải lương là khả năng tiếp nhận bất cứ đề tài nào một cách không bị gượng ép và đối tượng phục vụ thì rất rộng. Đã có một thời khá giả muốn mua được vé xem cải lương khó khăn vô cùng, mời được một đoàn nghệ thuật cải lương về địa phương biểu diễn cũng không phải dễ. Còn nhớ năm 1989, Nhà hát Cải lương Trung ương biểu diễn vở Dông tố (tác giả Tào Ngu – Trung Quốc) tại Hội trường Ba Đình liên tục trong một tháng (có ngày diễn 2 buổi, bán cả vé đứng). Đấy là một hiện tượng làm xôn xao dư luận lúc bấy giờ.
Ấy vậy mà mới hơn mười năm qua, thực tế đã quay ngược 180 độ. Có phải chăng vì kinh tế trị trường ? Đã có không ít những cuộc hội thảo, những bài viết trong đó nêu ra rất nhiều những nguyên nhân, những khó khăn… Tất nhiên những ý kiến đó là đúng, không thể phủ nhận được, nhưng theo tôi nghĩ, còn có những nguyên nhân bên trong hình như bị né tránh.
Trước thực trạng sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu cải lương nói riêng như hiện nay, tôi xin đề cập một số vấn đề :
– Đối với sân khấu truyền thống, đề nghị có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa, ưu tiên đầu tư kinh phí để các nghệ sĩ được biểu diễn đúng với nghề (văn ôn, võ luyện), qua đó phát hiện và bồi dưỡng những tài năng mới trong lớp diễn viên trẻ kế cận sau này. Còn nếu làm nghề mà trong một năm được diễn rất ít, cứ nưh vậy tiếp tục năm này qua năm khác, nước chảy bèo trôi, khi mà những người làm nghề lớn tuổi nghỉ dần, lớp trẻ kế cận ít nắm vững nghề dẫn đến ít gắn bó với nghề, vì cuộc sống quá khó khăn. Như vậy giữ nghề còn khó nói gì đến phát triển nghề.
– Nên chăng hàng năm cho các Nhà hát truyền thống (đặc biệt là cải lương) dược dựng những tác phẩm thử nghiệm, qua đó sẽ rút ra được những bài học bổ ích, những gì được và chưa được, những gì cần hạn chế, những gì cần phát huy, để đóng góp và phát triển sân khấu cải lương dân tộc và hiện đại.
2. Một vài suy nghĩ về âm nhạc trong sân khấu cải lương
Từ khi hình thành đến nay, một số làn điệu của sân khấu cải lương về cơ bản không thay đổi nhiều, chỉ duy có bài Vọng cổ đã có một bước tiến rất quan trọng trong ca hát và diễn tấu. Sức quyến rũ của bài Vọng cổ (hơn hẳn các làn điệu khác) là ở chỗ nó hàm chứa và được sử dụng một cách đa năng : vui, buồn và hài đều hát được. Các loại nhân vật đều hát được miễn sao đặt đúng lúc – đúng tình huống của nhân vật. Về mặt tiết tấu, nó không có một khuôn mẫu cứng nhắc (hát nhanh, hát chậm, ít văn học hoặc nhiều văn đều được). Như vậy, không có nghĩa là bài Vọng cổ dễ hát, mà hoàn toàn ngược lại, nếu chưa hát được Vọng cổ thì chưa phải là diễn viên cải lương, còn nếu muốn đạt đến trình độ điêu luyện khi ca Vọng cổ thì đó là việc làm của cả một đời nghệ sĩ (cùng là một bài Vọng cổ, nhưng cách hát, buông câu nhả chữ thì không ai giống ai).
Mặt khác, tính đa năng của bài Vọng cổ còn thể hiện ở chỗ : nó không chỉ có trong các vở diễn mà còn được sử dụng trong các bài hát riêng lẻ, nó không đứng một mình mà thường đi kèm với một điệu lý, hoặc ca khúc sáng tác mới, những tác phẩm này thường được gọi là tân – cổ giao duyên (sự kết hợp giữa nhạc mới và nhạc cổ).
Sự phát triển nổi bật nhất của sân khấu cải lương trong mấy chục năm qua đó là phần âm nhạc (cả nhạc cụ và nghệ thuật diễn tấu của nhạc công). Dàn nhạc của sân khấu cải lương trước đây đều sử dụng các nhạc cụ dân tộc như : kìm – cò – thập lục- bầu…, trong quá trình phát triển, qua từng thời kỳ ông cha ta cũng đã bổ sung một số nhạc cụ Tây phương vào dàn nhạc cải lương để phục vụ tốt hơn cho ca hát (sau khi đã Việt hóa các nhạc cụ đó) như : cây ghita phím lõm, cây violon đã được lấy dây (như cây đàn cò). Rõ ràng hai nhạc cụ này đã hoà trộn rất ăn ý với các nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là cây đàn ghi ta phím lõm, tầm cữ rộng, âm sắc trầm bổng, rõ ràng, phục vụ rất tốt cho ca hát của diễn viên, dần dần nó đã trở thành một nhạc cụ chính trong dàn nhạc cải lương.
Khi xây dựng những vở diễn về đề tài hiện đại, nếu chỉ đơn thuần dùng các nhạc cụ dân tộc trong phối âm, phối khí các ca khúc mới, trong nhạc nền phục vụ diễn xuất, thì hiệu quả sẽ bị hạn chế về âm sắc và âm lượng. Do đó, mấy chục năm qua, dàn nhạc cải lương đã bổ sung thêm các nhạc cụ Tây phương khác. Với dàn nhạc của Nhà hát Cải lương TƯ, qua hơn chục năm thử nghiệm, chúng tôi đã mạnh dạn đưa nhiều nhạc cụ Tây phương khác tham gia vào dàn nhạc dân tộc để phục vụ vở diễn như organ, ghitasăng, ghita bass và một số loại kèn có âm sắc gần với sân khấu cải lương.
Một thực tế hiện nay là : rất ít các nhạc sĩ sáng tác mới hiểu sâu về sân khấu cải lương. Ngược lại, những nhạc công đàn dân tộc cũng như nhạc sĩ sáng tác chuyên cho cải lương lại thiếu những kiến thức khoa học trong sáng tác và biểu diễn nhạc mới. Chính điều này cũng là một khó khăn trong việc tìm tòi và phát triển âm nhạc cải lương. Hơn chục năm qua, Nhà hát Cải lương TƯ đã dung hòa, tháo gỡ và thực hiện tương đối tốt vấn đề này, khi dựng vở mới đều mới các nhạc sĩ sáng tác có uy tín ngoài Nhà hát cộng tác với nhạc sĩ của Nhà hát để đôi bên bổ trợ cho nhau, để tạo nên sự hòa quyện đến mức tối đa, không sống sượng, gượng ép.
Các nhạc cụ Tây phương tham gia vào dàn nhạc cải lương đã hỗ trợ rất hiệu quả cho các ca khúc mới, cũng như phục vụ đắc lực cho nhạc nền của vở diễn. Một số năm gần đây, bước đầu chúng tôi đã thử nghiệm một số bài truyền thống (có cung, bậc gần với nhạc mơi) để số nhạc cụ Tây phương đó diễn tấu :
-Bài Khúc ca hoa trúc (dùng cho múa trong vở Vằng vặc ánh sao Khuê).
-Bài Sương chiều đã áp dụng vào nhịp slow (để hát và nhảy).
-Bài Lý cây bông đã biến tấu thành nhịp 3/4 dùng cho điệu múa Bạch Dương trong vở Một truyền thuyết về tình yêu. Rồi cũng tiết tấu đó đã sử dụng trong điệu múa Khúc nguyệt cầm phụ vụ ngày 2/9/2000 được dư luận trong ngành, trong giới ủng hộ.
Đây mới chỉ là bước đầu, những việc đã làm được của chúng tôi vẫn còn rất nhỏ, mới mang tính thử nghiệm nên vẫn dè dặt, vừa làm vừa nghe ngóng, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhạc sĩ đầnnh, các thầy, các nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ lão thành.
Như vậy, trong những năm vừa qua dàn nhạc của Nhà hát Cải lương TƯ đã làm một điều tuy nhỏ nhưng cũng được dư luận quan tâm và ủng hộ. Giữa nhạc mới và nhạc truyền thống đã hòa được vào nhau. Chính vì thế nên Hội diễn sân khấu năm 1995 và đặc biệt Hội diễn năm 2000, 2005 tại TP HCM, dàn nhạc của Nhà hát đã được khen ngợi và công nhận : Dàn nhạc diễn tấu có kĩ thuật và hiệu quả nhất./.
Trịnh Vinh Dụ (Theo Tạp chí VHNT)