Tôi thật buồn khi nghe Hữu Quốc thổ lộ: “ Có lẽ em sẽ phải rời xa Trần Hữu Trang…”. Một khoảng lặng chen ngang cuộc nói chuyện đang rôm rả giữa tôi và Quốc. Thường thì tôi sẽ lại có đôi lời khuyên nhủ với tư cách một người anh thấy mặt trời trước Quốc ba năm, nhưng tôi đã không thể nói gì vì tôi biết có nói gì lúc này sẽ đều là những lời lẽ vô duyên, vô vị nhất. Cuối cùng tôi cũng thốt lên: “ Hãy coi đó là một khúc quanh của cuộc đời, em ạ”. Rồi hai chúng tôi lặng đi, để sau đó một câu chuyện khác đã được chắp nối một cách gượng gạo để xua tan cái không khí u uất không đáng có.
Tôi và nhóm bạn của mình quen Quốc lần đầu tiên khi chúng tôi cùng tham dự Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc 1998 tại Đà Nẵng. Chúng tôi cùng nghỉ chung tại một khu nhà nghỉ, nên cứ tối đến là các bạn trẻ miền Nam lại tụ tập đàn ca. Họ ca cải lương mới hay làm sao. Chúng tôi cũng mạnh dạn lân la đến ngồi nghe, rồi vài câu hỏi han, vài lời trao đổi. Thế nào mà các giọng hát Bắc kỳ hoà lẫn với điệu đàn phương Nam lúc nào không hay biết. “Cha cha, mấy anh Bắc kỳ ca cải lương nghe cũng đã quá ta…”. Lúc đó, chúng tôi mới hiểu rằng, không có sự khác biệt giữa Cải lương hai miền Nam – Bắc, có chăng là cá tính sáng tạo của các nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi các đặc thù tập quán, nếp sống, nếp nghĩ từng vùng miền mà thôi. Chúng tôi đã trở thành bạn bè, “đồng chí” kể từ dịp ấy.
Tôi còn nhớ cái buổi trời choạng vạng tối, khi chúng tôi rủ nhau ra bãi biển dạo chơi. Cả lũ hò nhau lao ra mép nước, thả sức khua khoắng vẫy vùng. Làn nước biển mà lúc này đen đen, đục đục, khi gặp cánh tay chúng tôi vục xuống bỗng lấp lánh muôn vàn ngôi sao li ti, xoắn xuýt nhảy múa, lạng lách chữ chi ra chiều phấn khích lắm. Chúng tôi hò reo đến khản giọng rồi nhảy tùm xuống biển cho dù một cửa rãnh của thành phố đổ ra ngay cạnh, khiến khung cảnh bớt đi thi vị ít nhiều. Trong tốp bạn trẻ phương Nam có Quốc đã ngay lập tức làm chúng tôi để ý. Càng tiếp xúc với Quốc, chúng tôi càng thú vị. Một chàng trai hóm hỉnh, lém lỉnh và phải thừa nhận là quá thông minh. Quốc làm đủ trò tiêu khiển khiến chúng tôi cười ngặt nghẽo… Sau đó, qua các buổi nói chuyện về nghề nghiệp, cái lối tư duy mạnh dạn, mới mẻ; sự liều lĩnh đáng mến; cái đắm đuối đến thây kệ mọi sự để sống chết với nghề; cái mạch lạc, sòng phẳng, hơi chút đỏng đảnh trong cánh nghĩ, cách cảm về Cải lương của Quốc đã làm cho tôi tin rằng, Quốc là một tài năng, Quốc nên là một nghệ sỹ cải lương và Cải lương nên có Quốc.
Mới đó mà thấm thoát đã mười năm trôi qua, cũng đã bao nhiêu lần anh em ra Bắc, vào Nam, gặp gỡ, trao đổi, trút bầu tâm sự. Cái thước đo thời gian không làm nguội đi cái tình cảm ấm áp buổi đầu. Tốp bạn phía Nam cũng đã thất bát, phân tán đi nhiều. Tốp Bắc chúng tôi thì … vẫn thế, giời thương nên còn đủ mặt. Mỗi lần gặp nhau lại tràng giang khó “cancel” khỏi những đàm đạo về vị thế của nghề Tổ trong dòng chảy thế cuộc hiện thời. Đề rồi hôm nay tôi nghe Quốc nói những lời mà tôi không hề, và không thể mong đợi.
Tại sao hả Quốc ? Năm trước, Quốc đã mắc phải một sai lầm mà giờ đây Quốc đang phải gánh chịu hậu quả (tôi không muốn nói Quốc đúng hay sai trong sự việc đáng tiếc đó) sự thể ra sao chắc mọi người trong cuộc và bạn bè yêu mến Cải lương đã có thể phần nào hiểu rõ. Điều tôi muốn nói ở đây là Quốc – một người trẻ, thành công đến với Quốc tương đối dễ dàng và sớm sủa. Chỉ mới ngoài ba mươi, Quốc đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Quốc làm đủ thứ việc với tốc độ chóng mặt khiến cho mọi đối tác đều phải hài lòng và thừa nhận: Quốc là một nghệ sĩ đa tài, có đầu óc tổ chức. Nhưng các cụ ta xưa chả nói rằng: “Con ngựa hay nào chả có tí tật”. Suy ra cái tật (nếu có) ấy, liệu có đáng để “chân tiền đạo trẻ” phải tự đi đến quyết định giã từ sân nhà hay không? Và cái lỗi “trẻ người non dạ” kia có đáng phải để cho một tài năng (nếu có thể nói như vậy) phải xa rời nghiệp Tổ hay không?
Dẫu biết rằng “Vắng cô thì chợ vẫn đông, Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn thế”. Nhưng nếu cái chợ ấy có thêm một cô gái đẹp, thì tội gì mà không nên có? Hơn nữa, với cái sắc đẹp “chim có thể sa, cá có thể lặn” ấy biết đâu lại thu hút thêm lắm kẻ đa tình đến chơi phiên chợ, để rồi đội giá các mặt hàng bầy bán ở chợ lên cao…?! Thật phí hoài nếu để vắng “cô”. Và nếu các “cô gái đẹp” cứ vì lý do này khác mà “ vắng” dần như thế, thì liệu đến một ngày nào đó, hỏi “chợ” có còn “đông”???
Nhân một chuyến vào Nam và xem một vở kịch có Quốc góp mình trong đó. Vở kịch đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng, thán phục. Nhưng khi tôi ra về, lòng thấy nao nao một nỗi niềm khó tả. Không phải tôi cho rằng Quốc không đủ khả năng hoà nhập với môi trường mới. Mà tôi như thấy giữa một đàn cò mải miết xuôi Nam tránh rét, có một con diệc xám lạng quạng giữa dòng. Chua xót lắm ru!
Từ phương Bắc xa xôi có đôi dòng cảm nghĩ không tránh khỏi hàm hồ, cảm tính. Chẳng gì khác là mong mỏi nghề tổ đừng để xẩy ra tình trạng “chảy máu tài năng” vốn đã hiếm hoi như “lá cuối mùa… hạn”. Tôi tin câu: Sự vô cảm là khắc tinh của tiến hóa.
Nếu tình hình không thể khác, thì tôi xin có đôi lời nhắn nhủ đến Quốc: Mỗi con người đều chiếm một khoảng không trong không/thời gian lịch sử. Xin chúc em dù ở bất cứ cương vị lao động và sáng tạo nào, với khoảng không dấn thân mà em lựa chọn, đều sẽ mang đến cho em thành công. Chúc em may mắn!
Kiên Triệu