Nhắc đến Cải lương, ai cũng nghĩ đến miền Nam bởi cái nôi cải lương là từ mảnh đất Nam bộ. Nhiều đoàn cải lương ra đời, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng từ các đoàn cải lương này. Và tôi yêu Cải lương cũng từ cái nôi miền Nam.
Thế nhưng… một lần tình cờ – chỉ một lần thôi, tôi được xem trực tiếp trên VTV3 trong chương trình Nhà hát Truyền hình với vở cải lương “Cội xưa” (TG : Đức Hiền, ĐD : NSƯT Lê Chức) nói về suy nghĩ, sự trăn trở của một sĩ quan ngụy đang sống ở đất Mĩ khi được khuyên về thăm Việt Nam – mảnh đất mà ông đã từng chiến đấu và gây nhiều nợ máu nơi chính quê hương của mình. Tôi không hề biết tên của các nghệ sĩ ấy. Bởi đó là đoàn cải lương miền Bắc (Nhà hát CL Việt Nam) và tôi cũng chưa một lần xem cải lương miền Bắc. Trong suy nghĩ của tôi, cải lương miền Bắc không thể hay như cải lương miền Nam. Vậy mà không hiểu sao khi xem vở cải lương này, tôi đã bị chinh phục suốt vở diễn. Đề tài vở không lạ nhưng cách dàn dựng của vở diễn rất mới và lạ khiến người xem có cảm giác như đang chứng kiến một câu chuyện ngoài đời chứ không phải là một câu chuyện kịch. Các nghệ sĩ nhìn chung không “bắt mắt” như các nghệ sĩ miền Nam. Giọng ca của họ không điêu luyện như nghệ sĩ miền Nam. Và cảnh trí cũng không thể gọi là đẹp. Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn say mê theo dõi câu chuyện để biết kết cục nó ra sao. Điều mà lâu nay chưa từng xảy ra với tôi – dù tôi rất yêu cải lương. Hay vì các nghệ sĩ đã diễn “xuất thần” như người ta thường nói ? Bất chợt tôi lại nghĩ đến cải lương miền Nam vốn dĩ được ưu đãi bộ môn cải lương và các nghệ sĩ nơi đây cũng được nhiều ưu ái. Cứ tưởng rằng theo thời gian cải lương sẽ ngày càng phát triển, nhưng đáng buồn thay, cải lương đang ngày càng đi xuống.
Nguyên nhân vì đâu? Soi rọi với SKCL miền Bắc, không có nhiều đoàn cải lương, nhưng theo tôi cảm nhận, cải lương miền Bắc đã tạo một luồng gió mới cho vùng đất này. Cũng nói về đề tài sau chiến tranh, nhưng vở diễn lại thuyết phục người xem từ đầu cho đến kết thúc. Giọng của các nghệ sĩ không điều luyện để khi cất lên người nghe có thể mê mẩn, nhưng hầu như họ hát rất tốt : tròn vành, rõ chữ và ca rất đúng nhịp. Những nghệ sĩ khi diễn rất nhập tâm sâu sắc từ vai chính đến vai phụ. Liệu rằng cải lương miền Nam có cho người xem cái cảm nhận như vậy không ? Tôi muốn nói rất nhiều – rất nhiều về vở cải lương và các nghệ sĩ miền Bắc diễn trong vở ấy, nhưng tôi không biết phải nói gì ngoài câu : Tôi thực sự trân trọng họ vì những gì họ mang lại qua vở diễn. Và tôi lại nghĩ : bao lâu nữa tôi cảm nhận được điều đó với cải lương miền Nam ? Thôi thì hãy chờ vào thời gian vậy.
Tôi tin cải lương miền Nam sẽ làm được điều đó vào một ngày không xa.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
(25, tổ 2, KP6, thị trấn Cần Đước, Long An)
(Theo SK TP HCM