Bắc Nam xum họp một nhà: Tiếng đờn ca… vang xa tại Hà nội

Những CLB đờn ca tài tử Nam Bộ và CLB mộ điệu sân khấu cải lương tại Hà Nội đã kết hợp làm nên diện mạo của bộ môn nghệ thuật độc đáo này giữa lòng thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Nam Bộ nhưng tại thủ đô Hà Nội, bộ môn nghệ thuật dân dã này đã có sức lan tỏa sâu rộng đáng kinh ngạc, thậm chí nhiều câu lạc bộ ĐCTT Nam Bộ và CLB hâm mộ cải lương đang phát triển lớn mạnh.

Quyết tâm theo kịp miền Nam

Không quá náo nhiệt nhưng mỗi ngày, người dân đều nghe thấy từng điệu bắc điệu nam vang lên trên phố cổ của thủ đô. Theo NSND Xuân Vinh, Nhà hát Cải lương Việt Nam có hơn 30 CLB Đờn Ca Tài Tử và CLB hâm mộ cải lương đã hình thành từ đầu năm 2019. Giữa cuộc sống ồn ào, tấp nập của Hà Nội, bất cứ ai nếu có năng khiếu và lòng say mê ca hát cũng có thể đến đăng ký, luyện tập và được biểu diễn. Họ đã tạo nên đời sống văn hóa, giao lưu cho nghệ sĩ hai miền.

don-ca-tai-tu-nam-bo

Đờn ca tài tử Nam bộ

Tự hào có 2 thí sinh khu vực Hà Nội vào top 10 vòng chung kết cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 14 năm 2019 do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức. Chị Bích Dậu (Chủ nhiệm CLB ĐCTT Bích Dậu) nói: “Phong trào nuôi dưỡng đam mê và biểu diễn nghệ thuật cải lương ở Hà Nội quyết theo kịp miền Nam. Từ sân chơi này, chúng tôi giới thiệu đến khán giả những giọng ca trẻ, những ngón đờn của các nghệ nhân yêu say đắm ĐCTT Nam Bộ, đồng thời tổ chức những buổi giao lưu biểu diễn để người hâm mộ đến với CLB được xem các nghệ sĩ tài danh miền Nam biểu diễn cùng các thành viên của CLB”.

Chương trình giao lưu của CLB Đờn ca tài tử Bích Dậu ngày 29.8 thật đặc biệt khi có sự góp mặt của nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, ngay sau khi 2 nghệ sĩ đón nhận danh hiệu NSND tại Hà Nội. Khán giả hồ hởi, các thành viên của CLB rất tự hào khi mời được 2 danh ca từ miền Nam tới giao lưu, biểu diễn.

Hầu hết các tiết mục trong chương trình giao lưu của các CLB đều nhuần nhuyễn, nhiều diễn viên biểu diễn rất xuất sắc, chuyên nghiệp. NSND Thanh Tuấn song ca với chị Minh Liên trích đoạn “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”. Còn NSND Minh Vương song ca với chị Bích Dậu bài “Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà”.

nsnd-thanh-tuan-giao-luu-voi-nsnd-minh-vuong

NSND Thanh Tuấn giao lưu cùng NSND Minh Vương

Tiếng vỗ tay rầm rầm sau từng tiết mục. Nhiều người phải công nhận rằng những nghệ sĩ không chuyên miền Bắc đã rất tuyệt vời khi thể hiện được khả năng ca diễn và tình yêu cải lương của mình. Người xem ấn tượng với giọng ca của giọng ca của chị Xuân Hồng biểu diễn bài tân cổ “Tâm tình anh lính đảo xa” và doanh nhân Thế Song khi anh đóng vai vua Trần trong trích đoạn “Luận anh hùng”. Giọng ca của chị Bích Dậu biểu diễn bài hát “Trăng nước quê em”… Riêng diễn viên Song Hồng đạt cả thanh lẫn sắc, được Nhà hát Cải lương Hà Nội tuyển thẳng vào hạng chuyên nghiệp.

Khi lòng đam mê hội tụ

Sau nhiều chương trình thử nghiệm, khán giả đến với cải lương đông hơn, chẳng hạn như lần biểu diễn thử nghiệm tiếng Anh chẳng hạn, Nhà hát Cải lương Hà Nội lại khuấy động sân khấu này bằng việc đưa diễn viên không chuyên lên sân khấu với mô hình sân khấu nhỏ mang tính xã hội hóa, được thực hiện bởi sự tham gia diễn xuất của chính khán giả yêu mến cải lương.

Du khách tại phố cổ Hà Nội cũng đến xem, cổ vũ và thích thú khi biết được nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể được thế giới vinh danh, sức lan tỏa của nó vượt ra khỏi nơi sinh ra, vươn tới tận thủ đô. Để thực hiện quyết tâm của mình, từng CLB đã mời nhiều nghệ nhân đàn giỏi về dạy cho các thành viên. Đến hôm nay những CLB như: Hoa Mai, Mê Linh, Minh Long, Lai Châu, Thúy Mơ… ngày càng có đông du khách các nước tham dự và các diễn viên không chuyên ca diễn rất ngọt ngào.

Được biết, chương trình “Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” là kết quả hoạt động của CLB ĐCTT Nhà hát Cải lương Hà Nội nhằm hội tụ những thành viên yêu thích ĐCTT Nam Bộ và sân khấu cải lương. NSND Xuân Vinh cho biết: “Họ là những công chức, viên chức, giáo viên, nhà khoa học, doanh nhân, người làm nghề tự do, buôn bán… mỗi người mỗi nghề, mỗi người mỗi hoàn cảnh, có người ở ngay nội đô, người ở ngoại thành cách nơi diễn dăm bảy chục cây số, có người rất tự tin khi đăng ký và tham gia luyện, tập, chuẩn bị, có người rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin… nhưng tất cả đều nhiệt tình, say mê cải lương. Chỉ sau 5 buổi luyện tập họ đã có thể đứng trên sân khấu. Nhất là được song ca, song diễn với các nghệ sĩ trong miền Nam”

Theo mô hình này, mỗi tháng, tại một CLB sẽ có lịch diễn cụ thể, mời các nghệ sĩ trong miền Nam ra biểu diễn.

Do là CLB tự nguyện, hoạt động theo thể thức xã hội hóa nên mỗi tháng hội viên sẽ đóng góp 500.000 đồng/người để lấy kinh phí hoạt động. Định kỳ một tháng 2 lần các CLB tổ chức biểu diễn ở quy mô nhỏ vào tối chủ nhật. Nếu số lượng đông, số lần biểu diễn có thể tăng lên. Với cách làm như vậy, mỗi CLB ĐCTT Nam Bộ và CLB hâm mộ sân khấu cải lương tại Hà Nội đã góp phần làm nên diện mạo của bộ môn nghệ thuật độc đáo này tại thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo Thanh Hiệp – Nld.com.vn

Thảo luận cho bài: "Bắc Nam xum họp một nhà: Tiếng đờn ca… vang xa tại Hà nội"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com