Bông huệ tím

Đặng Thị Huệ - một cách nhìn khác

Không ai còn lạ câu chuyện về Tuyên phi Đặng Thị Huệ – ái thiếp của Chúa Trịnh Sâm, người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Nhưng đêm công diễn đầu tiên của “BÔNG HUỆ TÍM”- vở cải lượng được dựng dựa theo cuộc đời của người đàn bà này – Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn kín chỗ. Điều gì đã kéo ngần ấy khán giả rời khỏi sự quyến rũ của mãy thu hình và căn nhà ấm áp trong tiết trời giá lạnh như vậy để đến với vở cải lương này ?

Đặng Thị Huệ – một cách nhìn khác

Có lẽ đầu tiên phải kể đến cái ý định khá “ngông” của hai tác giả Văn Sử và Lê Chức. Trong khi hầu hết các tác phẩm nghệ thuật về thời kì vua Lê chúa Trịnh đều miêu tả Đặng Thị Huệ như một người đàn bà lăng loàn, tham quyền lực, ham hố chuyện phòng the, lũng đoạn chính sự, gây ra bao điều phi nhân thất đức, thì hai tác giả Văn Sử và Lê Chức lại đặt nhân vật Đặng Thị Huệ của mình dưới một cáu nhìn hoàn toàn khác. Đặng Thị Huệ trong “Bông huệ tím” là một hình ảnh đẹp và đáng thương của một nữ nạn nhân của chính trường nơi phủ chúa. Đặng Thị Huệ dứt bỏ nỗi tơ vương về người bạn tình bên dòng sông quan họ cũng như quá khứ thôn nữ của mình để trở thành một Tuyên phi làm Trịnh Sâm say đắm nhất mực, đến mức làm nhà chúa phải phế Tông lập Cán (phế trưởng lập thứ), gây ảnh hưởng đến triều chính…rồi sau đó toan trở thành nhiếp chính…Tất cả đều là những việc Đặng Thị Huệ vì ở cái thế “cưỡi hổ” mà phải làm để tồn tại được nơi hang hùm miệng sói. Chuyện bia miệng “trăm quan có mắt như mờ, để cho Huy Quận vào sờ chính cung” cũng chỉ là âm mưu đơm đặt của phe cánh vương phí Dương Ngọc Hoan và bọn tham quan. Bi kịch của Đặng Thị Huệ trong ”Bông huệ tím” không phải là bi kịch của một kẻ tham quyền lực, không biết lượng sức mình, mà là bi kịch của một người đàn bà bị đẩy vào nơi tuyến đầu của quyền lực, tuy trí tuệ hơn người nhưng vẫn nặng chữ “tình”. “Thực ra ảnh hưởng trực tiếp của Đặng Thị Huệ về mặt chính trị không nhiều – vai trò nhiếp chính quá ngắn ngủi, không đáng kể. Khía cạnh chúng tôi muốn khai thác chủ yếu là Đặng Thị Huệ với tư cách là một người đàn bà nhan sắc, mẫn tiệp, yêu chồng, thương con, một bậc mẫu nghi thiên hạ cùng đức lang quân vui nỗi vui của muôn dân, lo nỗi lo của trăm họ”. Đạo diễn – NSND Ngọc Phương nói. Với ý định đó, mối tình Trịnh Sâm – Đặng Thị Huệ được các tác giả và đạo diễn đặc biệt chú trọng, nhưng nó không bịi biến thành một biện pháp đơn thuần để “câu khách” của vở diễn. Nếu như trước đây người xem đã từng đặc biệt ấn tượng về mối tình này như một mối tình hoan lạc, thì ở “Bông huệ tím”, nó lại được biểu đạt ở nhiều góc độ phong phú hơn, mà xúc động nhất là cảnh tâm tình của một vị chúa và một Tuyên phi đã hiện ra không kèm theo sắc vẻ phô trương nhưng cũng không bị dung tục hóa, họ tựa vào nhau giản dị, gần gũi như hai thân phận cô đơn tìm hơi ấm và sự bình yên… Đóng cặp cùng nghệ sĩ Triệu Trung Kiên (Trịnh Sâm) đã quãng chục năm tuổi nghề, cô sinh viên mới ra trường Hồng Hạnh – 4 tháng tuổi nghề đã vào một vai khó – vai Đặng Thị Huệ khá ăn ý. Giọng hát, cách diễn vẫn còn nhiều ngơ ngác, nhưng có cái duyên rất ăn với vai một thôn nữ Kinh Bắc 18 tuổi dần gắn bó cuộc đời nơi phủ chúa. Càng về cuối, Hồng Hạnh vào vai càng ngọt hơn, có những đoạn ca khá khó Hạnh đã “đổ giọng” hay đến mức cả Nhà hát phải ào lên tiếng vỗ tay đầy ngạc nhiên. Một điều lạ, những khoảnh khắc Hạnh diễn “vào” nhất lại là những khoảnh khắc diễn tả sự mất mát lớn lao tưởng như rất cần sự trải nghiệm của diễn viên.

Đồng tá giả Lê Chức gọi việc phân vai diễn vở này là “một cuộc cách mạng”. 15 vai diễn trong một vở lớn của Nhà hát, nhưng chỉ có 2 nghệ sĩ đã có tuổi nghề là Quỳnh Mai (Tiệp dư Trần Thị Lộc) và Triệu Trung Kiên (chúa Trịnh Sâm), tất cả các vai diễn khác đều được giao phó cho các diễn viên trẻ mới vào nghề, thậm chí là sinh viên mới tốt nghiệp. Bên cạnh một “Chúa Trịnh Sâm” đã có lúc nhịu lời nhưng khá có kinh nghiệm diễn, một Tiệp dư xuất hiện rất ít nhưng giọng ca vẫn để lại nhiều ấn tượng, cá “lính mới” nhà ta vào vai cũng chẳng chênh tài : Quang Khải – vai Quận Huy, và đặc biệt là Mạnh Hùng – vai Thái giám. Sự “đáng yêu” của viên Thái giám khốn khổ này quả là thành công của cả tác giả, đạo diễn và diễn viên. Cái mặt nhẵn nhụi không có nổi một cọng râu, cái dáng đi, giọng nói rõ là của kẻ quen khom lưng uốn lưỡi, mới nhìn đã ghét. Nhưng tâm sự của “một cọng cỏ hèn mà lại có hoa”, “một ngòn đèn lom đom mãi mà không sáng lên được” này với những bậc tình cảm chẳng khác chi…”người thường” đã đưau nhân vật vượt qua cái tầm của một kẻ chuyên “thọc lét” người xem, viên Thái giám này làm người ta cười đã, nhưng cùng đó là cả dư vị đắng cay trong niềm trắc ẩn…

Người xem còn nhiều mong muốn chưa được đáp ứng đủ đầy, ví dụ như : một Đặng Thị Huệ cá tính góc cạnh hơn nữa, nội tâm đa tầng hơn nữa, phát triển tâm lý quyết liệt hơn nữa, hay một vài chi tiết của vở được chăm sóc kĩ lưỡng hơn v.v… Nhưng màu sắc tươi rói, sống động của vở diễn, những xen kẽ, biến chuyển tài tình của các lớp diễn… đã níu chân người xem đến tận cùng đêm diễn, để chia sẻ và gửi gắm những ước vọng đẹp đẽ về tình yêu, lòng trắc ẩn và cả những vấn đề tề gia trị quốc xưa, nay…

Phương Duy (Theo Văn nghệ trẻ)

Thảo luận cho bài: "Bông huệ tím"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com