Cải lương Việt Nam – Bước chuyển mình đầy mới mẻ

Vở cải lương: Cung Phi điểm bích
Vở cải lương: Cung Phi điểm bích

 

Đêm ra mắt 2 vở diễn “Cung phi Điểm Bích và Dấu ấn giao thời” của hai đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai và Triệu Trung Kiên đã trở thành sự kiện lớn trong giới cải lương Việt Nam. Đã lâu lắm rồi Hà Nội mới có chuyện lạ là toàn bộ số ghế của rạp hát kín người, có tới cả trăm khán giả đứng 2 tiếng đồng hồ để được xem cho trọn vở diễn.

Lực lượng đạo diễn trẻ ở miền Bắc chiếm số lượng không nhỏ những đăng kí tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn tại TP. HCM vào trung tuần tháng 12.2007 chỉ có 5 đạo diễn, trong đó riêng Nhà hát Cải lương Trung ương đã chiếm 2/4 là đạo diễn Quỳnh Mai và Trung Kiên.

Quỳnh Mai và Trung Kiên cùng tốt nghiệp lớp Đạo diễn khóa 21 (2001-2005) do thầy giáo – đạo diễn NSND Lê Hùng làm chủ nhiệm. Hai vở diễn đầu tay của hai bạn trẻ đã để lại ấn tượng tốt. Và sau 2 năm, hai bạn trẻ lại cùng “tái xuất” vở thứ 2 trên sân khấu của Nhà hát Cải lương Trung ương để cùng dự thi. Cung phi Điểm Bích và Dấu ấn giao thời ra mắt đã gửi gắm một quan niệm làm cải lương rất mới từ góc nhìn của các đạo diễn trẻ, khắc phục được những nhược điểm thường thấy từ cải lương, đó là sự sáo rỗng trong ngôn từ, tiết tấu chậm và cả cách dàn dựng rườm rà, xa hoa… Tiết tấu hiện đại, cách dàn dựng chân thực, giản dị từ phục trang, trang trí cho tới phong cách dàn dựng và diễn xuất đã tạo sức hấp dẫn cho người xem. Những khắc khoải của các nhân vật lịch sử trong Cung phi Điểm Bích như Thiền sư Huyền Quang, Điểm Bích, vua Trần Anh Tông… trong tình yêu cho tới bây giờ chẳng hề lỗi nhịp bởi đạo diễn đã khai thác và đặt ra một vấn đề không bao giờ cũ, đó là khát vọng tình yêu của con người. Dấu ấn giao thời lại là cách nhìn mới từ góc khuất trong tâm hồn của những nhân vật mà đã từng gây biết bao tranh cãi về công và tội như Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, vua Lý Huệ Tông…

Nữ tính và đầy cá tính. Quỳnh Mai đã tạo nên một tác phẩm lãng mạn nhưng cũng khá sâu sắc, đạo diễn đã khai thác được những miếng trò rất đắt từ nghệ thuật dân gian, lễ hội dân gian như hát ả đào, chầu văn, lên đồng, lễ hội linh tinh tinh phồng của người Việt cổ… Là đạo diễn nữ nên Quỳnh Mai đã khai thác nhân vật cung phi Điểm Bích ở mọi khía cạnh, tình yêu và nhu cầu đòi hỏi được yêu, được sống vì tình yêu còn mạnh mẽ hơn cả cô Thị Màu hay Súy Vân trong Chèo. NSƯT Thanh Thanh Hiền sau gần chục năm rời khỏi sân khấu của Nhà hát Cải lương Trung Ương đã tái xuất với vai Điểm Bích – nhân vật xuyên suốt của vở. Chị đã dành trọn hết tâm lực thể hiện để biểu đạt được những ý tưởng mà đạo diễn gửi gắm (Quỳnh Mai là bạn thân của Thanh Thanh Hiền).

Với Triệu Trung Kiên, những kiến thức từ diễn viên, đạo diễn và cả sự đam mê học hỏi đã giúp anh hoàn thành tốt vai trò mới là tác giả. Hiện Trung Kiên đang học lớp Thạc sĩ sân khấu học của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Khi học tới tác phẩm Rừng trúc, anh đã rất thú vị về giai đoạn lịch sử này. Chính tác phẩm đã gợi ý giúp anh trở ngược lại cách sau giai đoạn diễn ra vở Rừng trúc 10 năm, lí giải việc vì sao vua Lý Huệ Tông lại đi tu và cả mối quan hệ tay ba giữa Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ và Lý Hụê Tông.

Để có được hai vở diễn đạt chất lượng này, phải cảm ơn Ban Giám đốc và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trung Ương đã làm được một việc mà không phải đơn vị nào cũng có thể làm được cho đạo diễn trẻ đi dự thi.

Thúy Hiền (Theo Văn hóa)

Thảo luận cho bài: "Cải lương Việt Nam – Bước chuyển mình đầy mới mẻ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com