Các nghệ sĩ của Hà Nội đang phải sống và làm việc như thế nào ?

XƯƠNG RỒNG TRÊN CÁT

Nhà hát không có “nhà” để “hát”
Tính đến thời điểm này, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã tròn 57 tuổi, nhưng không có rạp biểu diễn của riêng mình. Trong khối nghệ thuật dân tộc, có lẽ chỉ còn mỗi Nhà hát Cải lương Việt Nam là không có “nhà” để “hát”. Anh chị em nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn thường nói đùa với nhau rằng : mình là “con nuôi”, Tuồng, Chèo chính thống hơn nên họ là “con đẻ”.
Hàng năm, Nhà hát phải mất một khoản tiền không nhỏ để thuê địa điểm biểu diễn. Tiền thuê rạp chiếm 1/3 doanh thu đêm diễn. Nếu thuê ở những địa điểm lớn như Cung Văn hóa, Nhà hát Lớn Hà Nội… thì không đủ để chi trả.Cũng vì không có rạp nên Nhà hát phải biểu diễn ngoài trời. Biểu diễn ngoài trời đã làm hao tổn con người và hao mòn phương tiện. Diễn viên bị ảnh hưởng về thể lực và thanh sắc. NSƯT Minh Thành – Trưởng đoàn I cho biết : “Diễn ngoài trời diễn viên luôn hít phải sương gió, mà tháng 11 sương muối rất hại cho sức khỏe. Mùa đông thì lạnh buốt, mùa hè thì mưa rào. Cách đây 4 hôm, chúng tôi phải đội mưa mà diễn ngay cầu Đuống. Mưa cũng không to nên khán giả không chịu về. May mà yêu nghề nên lúc đó chúng tôi không cảm thấy gì. Xong chương trình mới thấy ngấm lạnh”. Phương tiện của Nhà hát nhanh hư hỏng cũng vì để ngoài trời và vận chuyển quăng quật. Nếu như một chiếc máy để trong nhà tuổi thọ được 10 năm, nhưng để ngoài trời chỉ có 3 năm. Dù có che đậy cẩn thận, trang thiết bị vẫn chóng hỏng. Tâm sự với tôi, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Bùi Xuân Tiến bảo : “Có hôm đang diễn thì trời mưa, diễn viên ướt hết. Chúng tôi kêu mãi rồi mà Nhà nước có cho rạp đâu. Bộ thì không quyết định được. Đến giờ phút này điều đó là rất khó, nhất là trong điều kiện hiện nay tấc đất đắt hơn vàng”. Nỗi khổ không có rạp đã khiến cho lãnh đạo và diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn trăn trở, nhưng bản thân Nhà hát không thể tự xây rạp vì điều đó là quá sức. Họ đành phải chấp nhận hoàn cảnh “không an cư” nhưng “lạc nghiệp”. Không có rạp đã tôi luyện cho anh chị em diễn viên Nhà hát có thể biểu diễn tốt ở bất cứ nơi nào và trong mọi hoàn cảnh.

Phải đi bằng nhiều chân
Đã qua rồi cái thời hoàng kim của Cải lương, đã qua rồi cái thời diễn viên cải lương được trọng vọng. Ngày nay, người ta thích giải trí vui vẻ, nhanh chóng. Còn mấy ai mặn mà với những vở cải lương bi thương, xem xong mà lòng nặng trĩu như : Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Lan và Điệp…Nhiều người khi nói đến Cải lương thì giật mình tự hỏi : Nhà hát Cải lương Việt Nam và nghệ sĩ giờ đây sống như thế nào ? Họ có còn tha thiết với nghề không ? Thực tế ở Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thật trái ngược với những suy nghĩ ban đầu của tôi. Hôm đến trụ sở Nhà hát tại 164 Hồng Mai, tôi đã gặp đạo diễn nổi danh NSND Lê Hùng. Ông được mời đến để đạo diễn một số trích đoạn đưa vào danh mục diễn thường xuyên của Nhà hát, đó là : Kén vợ, Chuyện chó chết, Bán lợn… Tất cả diễn viên đang chờ Lê Hùng ở hội trường. Dưới sân, người khuôn, kẻ vác trang thiết bị lên xe ô tô. Hỏi ra mới biết buổi tối Nhà hát có “show” diễn ở Đan Phượng. Không khí của Nhà hát Cải lương nhộn nhịp và khẩn trương.
Trong lúc nói chuyện với lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam, tôi thật thà : “Nhiều người nghĩ rằng Nhà hát Cải lương Việt Nam sắp chết”. Vị giám đốc cười vang : “Chết thế nào được, chúng tôi sống khỏe là đằng khác. Chưa năm nào Nhà hát nhiều suất diễn như năm nay. Từ đầu năm đến giờ chúng tôi có 100 suất đấy”. Tuy nhiên, để Nhà hát có ngày hôm nay, ban lãnh đạo, đặc biệt là Giám đốc Bùi Xuân Tiến đã phải lăn lộn vất vả nhiều tháng ngày. Bản thân ông Tiến cũng là một nghệ sĩ, đã từng giúp việc cho 4 đời Giám đốc của Nhà hát. Ông còn là một người trưởng thành trong quân đội. Làm quản lí, ông Tiến đã thiết quân luật rất nghiêm khắc và công bằng, giao quyền tự chủ cho mọi người. Bất cứ việc gì người của Nhà hát cũng có quyền tự quyết theo cương vị trách nhiệm. Ông soạn thảo văn bản thi đua khen thưởng, tính điểm theo đúng công, chấm điểm theo tháng, từ tháng nhân tới năm, nếu tháng mất điểm thì năm cũng mất và việc lên lương, khen thưởng cũng mất luôn. Ông Tiến đã khép mọi người làm việc theo nguyên tắc : ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít và không làm không hưởng. Ban đầu, diễn viên Nhà hát không chịu. Họ phản ứng dữ dội. Ông Tiến còn nhận được những thư nặc danh đe doạ, nhưng ông không sợ. Ông Tiến bảo ai giỏi thì lên làm Giám đốc, ông làm việc khác.
Theo lời ông kể thì Nhà hát lúc đó “nát như tương bần”. Với sự quyết đoán nhưng có tình, có lý, dần dần anh chị em trong Nhà hát nể phục và cùng giám đốc mới chèo chống con thuyền tiến lên. Đó là vị giám đốc “đặc biệt” mà tôi đã từng gặp. Trong con người ông luôn tồn tại hai dòng máu : dòng máu người lính và dòng máu nghệ sĩ, tưởng chừng như chúng đối chọi nhau, nhưng thực ra lại bổ trợ nhau.
Lãnh đạo Nhà hát còn luôn tạo cơ chế mở cho diễn viên, khuyến khích họ “sống” bằng nhiều cách. Vì vậy, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam còn đi làm thêm giỏi hơn đi làm chính. Họ làm đủ kiểu : diễn trên truyền hình, đóng phim, đọc lời bình, quảng cáo, dẫn chương trình, hát “theo sô” cho đài Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh… Hạnh phúc nhất là họ làm thêm bằng nghề của mình. NSƯT Vương Hà cho biết : “Khi Nhà hát có lịch diễn thì đi diễn, còn không thì đi làm thêm. Nghệ sĩ mà chỉ chăm chăm vào đồng lương thì không ai chịu nổi. Để có thêm thu nhập bằng làm thêm, chị Hà đã phải học hỏi rất nhiều. Chị chắt lọc những tinh tuý của các bộ môn để “khi cần là có”. Chị có thể hát được dân ca, chèo, nhạc trữ tình, ngâm thơ… vì từ cải lương chuyển sang khá dễ. Chị bảo phải hát chất nào ra chất ấy, khán giả họ tinh lắm, với lại có hát hay thì bầu sô mới mời mình. Chị khoe với tôi vừa đi diễn với ca sĩ Trọng Tấn về.
Tôi có dịp tìm hiểu thêm một số nhà hát nghệ thuật dân tộc, nhưng có lẽ Nhà hát Cải lương Việt Nam là đơn vị năng động hơn cả. Họ chủ động chuyển hướng hoạt động theo hai cách : định hướng và phương thức. Định hướng là phải có 2 vở cải lương truyền thống trong một năm (theo quy định của Nhà nước). Phương thức là dàn dựng những chương trình ca múa nhạc tổng hợp gồm các tiểu phẩm hài, nhạc nhẹ, dân ca và cải lương… Tức là nâng cao đời sống diễn viên nhưng Nhà hát vẫn đỏ đèn.
Nếu không có sự năng động vươn lên ấy, chắc hẳn Nhà hát và diễn viên cải lương miền Bắc sẽ lay lắt với vô vàn khó khăn. Họ không chỉ nâng cao đời sống, đảm bảo nhiệm vụ Nhà nước giao, mà còn gặt hái nhiều thành công trong nghệ thuật. Năm 2007 là năm “đại thắng lợi” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Với 2 vở “Cung phi Điểm Bích” “Dấu ấn giao thời”, họ đạt 2 giải lớn nhất của Cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ sân khấu toàn quốc, 3 giải nhất, nhì, ba của cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu cải lương toàn quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận xét Nhà hát Cải lương Việt Nam là đơn vị nghệ thuật năng động, tự chủ vươn lên, Chi bộ của Nhà hát là Chi bộ xuất sắc trong hơn 60 Chi bộ hoạt động nghệ thuật.
 Ngọc Hiền (Theo Hà Nội mới cuối tuần)

Thảo luận cho bài: "Các nghệ sĩ của Hà Nội đang phải sống và làm việc như thế nào ?"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com