Cội xưa – hướng tới sự trang trọng trên sân khấu Cải lươ

Cội xưa – hướng tới sự trang trọng trên sân khấu Cải lương

Cội xưa – hướng tới sự trang trọng trên sân khấu Cải lương

Cội xưa là công trình sáng tạo nghệ thuật của tác giả Đức Hiền, do NSƯT Lê Chức biên tập và đạo diễn. Vở tập trung vào Lê Bắc (nghệ sĩ Trung Kiên) từng một thời là sĩ quan dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Vào thời Pháp, tin theo lời tuyên truyền, Lê Bắc đã rời bỏ quê hương, theo Chúa vào Nam, rồi trở thành người của Mĩ – ngụy.

Khi chế độ này sụp đổ, Lê Bắc lại một lần nữa rời bỏ Tổ quốc sang Mĩ, với nỗi đau chứng kiến người thân chết trong cảnh chen chúc lên tàu. Dù lấy vợ khác, có con gái và một cơ nghiệp vững vàng, dù đau đáu nỗi nhớ quê hương, song Lê Bắc vẫn kiên quyết không trở về Việt Nam bởi một điều đơn giản : Việt Nam giờ thuộc về Cộng sản, mà Cộng sản thì không bao giờ chấp nhận những kẻ như ông và ông cũng không bao giờ quên mối thù với họ. Từ quan niệm ấy, ông đã cấm vợ con nhắc và bàn đến chuyện trở về Việt Nam, dù vì bất cứ lí do gì. Song, quan niệm đó của ông dần có sự thay đổi và để có được sự thay đổi đó, bản thân Lê Bắc đã phải trải qua cả một quá trình nhận thức :
Bước thứ nhất, khi con gái ông là Hoài Hương (nghệ sĩ Hồng Hạnh) giới thiệu người yêu là Bình (nghệ sĩ Mạnh Hùng) – một chàng trai Việt Nam đi du học trên đất Mĩ, ông đã phản đối đến cùng việc cho hai người lấy nhau khi Bình không chấp nhận điều kiện của ông là phải từ bỏ quê hương, để ở lại Mĩ. Bởi ông không muốn bất cứ ai trong gia đình ông có liên quan đến Việt Nam và gắn mình với mảnh đất Việt Nam.

Bước thứ hai, khi được xem những cuốn băng ghi hình đất nước, quê hương, được nghe Clark (nghệ sĩ Xuân Thông) – một cựu chiến binh Mĩ kể về những chuyến đi dài ngày ở Việt Nam, trong lòng Lê Bắc xuất hiện những trở trăn, nghi hoặc và chính điều này đã thôi thúc Lê Bắc quyết định thăm lại Tổ quốc với danh nghĩa thương nhân.

Bước thứ ba, khi chứng kiến bà Nết – mẹ của Bình – người mà ông không hề quen biết, nhưng suốt bao năm qua vẫn đều đặn chăm sóc mộ phần cho cha mẹ ông, khi nhìn tận mắt bi kịch của những đứa trẻ bị chất độc da cam – chất độc mà ngày xưa ông vẫn tưởng là thuốc diệt cỏ thông thường, khi bị bà Nết phát hiện ra chính ông là một trong những kẻ đã ném bom xuống làng mạc, quê hương – nơi bà sinh sống, gây ra bao thảm cảnh chết chóc và di họa, nhưng lại được tha thứ, “khép lại quá khứ”, “xóa bỏ hận thù”, vì một Tổ quốc Việt Nam thống nhất và dựng xây, vì một sự qui tụ dân tộc lớn lao…ông bắt đầu nhận thức lại về bản chất của cuộc chiến tranh mà ông đã đi qua.
Bước thứ tư, khi đối diện với cái chết của Clark vì bị nhiễm chất độc điôxin và lần giở từng tập hồ sơ mà Clark để lại ghi rõ những vùng rải chất độc da cam mà ông trực tiếp đánh dấu, Lê Bắc đi đến bàng hoàng tỉnh ngộ về những sai lầm mà mình đã gây ra. Với nỗi đau vò xé cùng sự ân hận, day dứt, xót xa, Lê Bắc đã quyết định thay đổi hoàn toàn quan niệm trước đây của mình và để gia đình trở về Tổ quốc.

Thông qua quá trình nhận thức của Lê Bắc, vở diễn Cội xưa đã phản ánh cách nhìn nhận của những con người thuộc tuyến bên kia về quá khứ lẫn hiện tại, về cái đúng và cái sai của cuộc chiến tranh, về sự chịu trách nhiệm trong việc giải quyết hậu quả của chiến tranh đang hằn lên vai những con người vô tội và quan trọng hơn cả là về sự thấu hiểu : con người sinh ra, lớn lên, dù đi đâu, làm gì thì cũng không thể không trở về nguồn cội. Bởi vậy, Lê Bắc vừa đóng vai trò “thắt nút”, vừa đóng vai trò “mở nút” xung đột, làm sáng tỏ chủ đề tư tưởng của vở diễn. Còn các nhân vật xung quanh Lê Bắc chỉ là những mảng nền sáng tối tác động đến nhận thức của Lê Bắc mà thôi.

Từ kết cấu tác phẩm, đạo diễn Lê Chức khi xử lí cảnh diễn, đã luôn đặt nhân vật Lê Bắc ở vị trí trung tâm của sàn diễn gắn liền với hai không gian trang trí của NSƯT Doãn Châu : không gian nhà Lê Bắc trên đất Mĩ đầy sang trọng, lịch sự, hòa trộn giữa hai nền văn hóa Việt – Mĩ và không gian nhà bà Nết ở Việt Nam với dàn cây leo xanh mướt tỏa lên sự chân quê, bình dị. Hơn nữa, để gia tăng thêm ý nghĩa trở về nguồn cội của vở, nhạc sĩ Doãn Tiến đã sử dụng chủ yếu nhạc cụ dân tộc như sáo, bầu… một cách ngọt ngào, nhất là ở những chi tiết xoáy sâu vào tâm trạng nhân vật.

Cội xưa dù có đề tài không mới, nhưng khi tham dự Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005, nghệ sĩ Trung Kiên (vai Lê Bắc) và Thuỳ Liên (vai vợ Lê Bắc) đã đạt được huy chương Vàng, nghệ sĩ ưu tú Vương Hà (vai bà Nết), Mạnh Hùng (vai Bình), Hồng Hạnh (vai Hoài Hương) được huy chương Bạc, nghệ sĩ Mai Lý (vai em gái Bình) được giải khuyến khích, dàn nhạc được giải xuất sắc và đã tạo nên dấu ấn trong lòng bạn bè đồng nghiệp bởi đội ngũ nghệ sĩ “ca hay, diễn giỏi, đồng đều, rất trầm tĩnh và tiết chế các xung đột hành động bên trong tinh tế”; bởi “đạo diễn – NSƯT Lê Chức khéo dùng một hình thức chuyển tải chú ý tới sự trang trọng trên sân khấu Cải lương từ cảnh trí cho tới cách xử lí tình huống, tâm lý và ngôn từ của nhân vật”.

Cội xưa được đông đảo khán giả, nhất là khán giả miền Nam đón nhận với tình cảm tốt đẹp. Có những khán giả miền Nam còn viết thư bày tỏ cảm xúc của mình sau khi xem vở diễn, tạo thành động lực rất lớn khích lệ các nghệ sĩ của Nhà hát nâng cao hơn nữa chuyên môn của mình. Vở diễn đã được nhận giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Vinh Nguyên

Thảo luận cho bài: "Cội xưa – hướng tới sự trang trọng trên sân khấu Cải lươ"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com