Hà Nội gió mùa – Chất nhân văn và chất Hà thành khiến vở diễn cuốn hút người xem

Xem Hà Nội gió mùa với bối cảnh đẹp, bỗng như thấy một Hà Nội rất khác lạ, rất thơ, trữ tình trong những ngày đầu đông.
Hà Nội gió mùa - Chất nhân văn và chất Hà thành khiến vở diễn cuốn hút người xem
Và những con người Hà Nội, dù trong cảnh huống nào, ở họ vẫn có chút khác biệt, dù rằng, câu chuyện về họ, về số phận con người trong chiến tranh được mô tả với đủ đầy sự khốc liệt. Đó là số phận của gia đình “một ông hai bà”: ông Cơ (Trọng Bình đóng) đã có vợ đẹp (bà Hân do Hồng Hạnh thủ vai) con khôn, nhưng vẫn lén lút đi lại với người phụ nữ khác là Việt (Bùi Thị Dung thủ vai) và cũng đã có con riêng. Quan hệ đắng chát giữa họ đã gây hệ luỵ tới thế hệ sau, khi kéo hai anh con trai “giống nhau như tạc” của hai bà trở thành thù địch. Chiến tranh đưa đẩy, Phong (Tuấn Thanh) – sĩ quan quân đội nguỵ đã bắt được Hiếu (Mạnh Hùng) – sĩ quan Quân giải phóng. Tận dụng cơ hội, lại thêm sự khích tướng của viên sĩ quan CIA, Phong đã trả mối hận của cho mẹ ruột, khiến Hiếu mất đi một con mắt (như mẹ Việt của Phong đã “bị”).

Giải phóng miền Nam (1975), tình thế thêm trớ trêu khi Phong phải vào trại cải tạo, dưới sự phán xử và giám sát của Hiếu. Không muốn gieo thêm mầm hận thù, nhưng Phong lại là một sĩ quan “ác ôn”, không thể dung tha khiến Hiếu với một bên là gia đình, thù riêng; một bên là việc công của một sĩ quan công an. Đặt vào nhiều xung đột nảy lửa, khó quy tụ, bối cảnh kịch lại trải dài cả đời người với bao không gian thời gian cần minh định, nhưng rất may, ê kip sáng tạo đã trung thành với chủ đề nhân văn, hoá giải hận thù… đã có cách giải quyết đẹp, sáng rõ ý tưởng mà hợp với logic tâm lý con người – nhân vật.

Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai lăn lộn trên sàn tập, đau đáu hàng tháng trời đã giải mã thành công tác phẩm kịch bản rất khó này. Kịch bản Cải lương về đề tài hiện đại vốn hiếm hoi, khó thuyết phục người xem đương thời, lại về đề tài chiến tranh … sao cho không bi luỵ, mềm mại, trữ tình mà vẫn không làm mất đi sự khốc liệt của sự kiện theo thời gian. Nhưng với bàn tay tài ba, nhiệt thành, “máu lửa” với nghề, Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai đã tìm ra cách xử lý tốt. Không tắt đèn chuyển cảnh, diễn viên vẫn diễn trong khi cảnh trí như “nét” tranh cắt giấy mô hình nhà cổ, cầu Long Biên được xoay chuyển để thay đổi không gian. Đạo diễn hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội say đắm để chắt lọc ra những nét, những cảnh riêng chỉ có ở nơi xứ này như tiếng rao quà đêm, tiếng chổi tre trong lác đác lá vàng rơi… Hay để những ứng xử lịch thiệp, theo đúng văn hoá ứng xử của “người Hà Nội gốc” ngay trong hoàn cảnh rất trớ trêu là khi hai người phụ nữ (đều là vợ và có con với ông Cơ) gặp nhau để “đánh ghen”, vậy mà lại ngấm ngầm vật vã với những đớn đau thân phận đàn bà để từ sự cố vô tình nhưng thảm khốc (một mắt của bà Việt bị “tai nạn”) đến một quá trình dài lo gieo mầm thiện, khiến họ đồng cảm trong nỗi chung lo về con cái. Tất cả những bất hạnh, trái ngang của số phận, của chiến tranh… đem lại đã được lọc qua bộ lọc trái tim con người, với những tâm sự, với bao ao ước và mong mỏi nên đã rất ngấm, rất phù hợp với cái “e” của cải lương. NSƯT Ngọc Chi cảm nhận được tinh thần đó, đã viết những ca từ, làn điệu hợp người hợp cảnh, là cơ sở cho những giọng ca vàng của Đoàn biểu diễn II thuộc Nhà hát cất lên, khiến khán giả trầm trồ tán thưởng.

Khác với quan hệ (thường tình và … có thể!) là biểu cảm “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa tác giả và đạo diễn; PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái và nhà văn Lê Minh Khuê đi xem vở đã tỏ ra hài lòng với đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai. Cô đã giữ vững được đường dây kịch, chuyển tải tốt ý tưởng mà họ cùng muốn đem đến công chúng qua tác phẩm, lại có một phong cách đạo diễn rất riêng, lãng mạn, trữ tình mà tài hoa. Tác phẩm sân khấu đã thuyết phục được người xem, khiến họ thêm yêu mảnh đất ngàn năm văn vật qua cái nhìn trong sáng về một Hà Nội, một văn hóa ứng xử Hà Nội vào những ngày đầu đông đầy gợi nhớ của thời gian đã qua.

Biên kịch: PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái (chuyển thể từ truyện Nhiệt đới gió mùa của nhà văn Lê Minh Khuê)
Chuyển thể Cải lương: NSƯT Ngọc Chi
Đạo diễn: NSƯT Hoàng Quỳnh Mai
Hoạ sĩ: Doãn Bằng
Thiết kế Nhạc cổ: Nhạc sỹ, NSƯT Hoàng Đạt
Nhạc sĩ sáng tác: NSƯT Hoàng Anh Tú
Biên đạo: Thanh Nam
Chỉ đạo chương trình: GĐ Bùi Xuân Tiến
Thiết kế và thực hiện trang phục: Nhà may Tiến Đại.

Nguồn :Cao Ngọc / Hội NSSKVN

Thảo luận cho bài: "Hà Nội gió mùa – Chất nhân văn và chất Hà thành khiến vở diễn cuốn hút người xem"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com