Logo mới của Nhà hát Cải lương Trung ương

Sau sự kiện Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nhà hát Cải lương Trung ương cũng đã chuẩn bị cho mình những đối sách để nhằm làm hoạt động của Nhà hát dần phù hợp với tình hình mới. Việc cấp thiết nhất đã và đang được Nhà hát thực thi là tạo một thương hiệu nghệ thuật có uy tín. Một Logo biểu trưng của Nhà hát sẽ là không thể thiếu.

Logo mới của Nhà hát Cải lương Trung ương Việt nam
Logo mới của Nhà hát Cải lương Trung ương Việt nam

Trước đó, Nhà hát cũng đã dùng một hình hiệu làm biểu trưng của đơn vị, do đạo diễn NSƯT Lê Chức (lúc đó là Giám đốc Nhà hát) xây dựng ý tưởng và nghệ sĩ Trung Kiên được ông giao thực hiện ý tưởng. Đó là một hình hiệu được kết cấu từ hình khối một chiếc đàn Nguyệt, hai mặt nạ sân khấu khóc – cười và một dải mây uốn lượn. Hình hiệu này, về kết cấu, hình khối và đường nét tương đối đẹp mắt, tuy nhiên vẫn có cái gì đó chung chung, chưa thật đặc sắc và còn hơi rườm rà.

Logo lần này, để phù hợp với tình hình mới, cần đạt được những yêu cầu sau :
– Đơn giản, dễ nhận biết
– Phong cách hiện đại
– Diễn tả một cách khái quát đặc thù ngành nghề và Nhà hát

Một vài phương án đã được đưa ra và cuối cùng Giám đốc Bùi Xuân Tiến sau khi tham khảo ý kiến của các phòng ban, đoàn thể trong Nhà hát, đã quyết định chọn một phương án tối ưu. Phương án này cũng do nghệ sĩ – đạo diễn trẻ Trung Kiên thiết kế và thực hiện.
Những ý tưởng được thể hiện trên Logo :

– Hình Logo mới được kết cấu bằng hai chữ cái C (màu đỏ) và chữ V (màu vàng). Đỏ và vàng là hai màu sắc chủ đạo trên sân khấu dân tộc. Chữ C và V là hai chữ cái đầu của từ Cải lương và Việt Nam, lấy từ tên giao dịch quốc tế của Nhà hát – Vietnam National Cai luong Theatre. Hai chữ cái được sắp đặt một cách hợp lí để tạo thành hình cây đàn Nguyệt lồng với một phần của hình mặt nạ sân khấu.

– Cây đàn Nguyệt là một nhạc cụ chủ đạo trong dàn nhạc Tài tử – tiền thân của sân khấu Cải lương. Số vạch trên cần đàn Nguyệt là 5, tượng trưng cho thang âm ngũ cung của âm nhạc cải lương : Hò, Xự, Xang, Xê, Cống.

– Hình mặt nạ là biểu tượng của sân khấu. Nét mày ngài, mắt phụng trên mặt nạ là một khái quát về phong cách của loại hình. Cùng nét mày ngài, mắt phụng, nếu ở Tuồng mạnh mẽ, dữ dằn, mang đặc tính anh hùng ca, thì ở Chèo dân dã, mang đặc sắc của văn minh sông Hồng. Đối với Cải lương, néy vẽ ấy lại vút cong, mềm mại, tao nhã, bâng khuâng, hư ảo như nét vẽ trên một bức tranh lụa.

– Trong lòng chữ C tạo thành bầu đàn có hình hoa văn mây nhẹ nhàng, bay bổng, vừa tượng trưng cho tính dân tộc và cũng là phong cách trữ tình, êm ả của sân khấu Cải lương.

Logo mới đã xuất hiện trước tiên trên trang Web của Nhà hát và từ năm 2007 sẽ là hình hiệu chính thức của thương hiệu Nhà hát Cải lương Trung ương./.

Kiên Triệu

Thảo luận cho bài: "Logo mới của Nhà hát Cải lương Trung ương"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com