Một đoá mãn khai…

Đã ba lần, tôi bị lên cơn ớn lạnh – gần như sốt rét – khi ngồi theo dõi vở. Các cao trào vừa bi tráng, vừa kinh khiếp hãi hùng đã gây sức cho tôi đến thế! Cảnh tượng tạo nghi án về người mẹ ruột thản nhiên đầu độc con trai vua – dâu – hoàng hậu bằng một món ăn đặc sản. Cảnh vợ chồng sống với nhau đã hai mặt con vẫn phải tự tay xiết cổ người chồng để mọi sự được hanh thông theo ý kẻ thù!Một đoá mãn khai...

Cảnh Lý Huệ Tông trong nếp áo nâu sòng- sau khi bị bức tử mặt trắng bệch bỗng trở nên ma quái âm u lúc chiều hôm nắng quái giữa những tiếng cuốc xẻng đều đều của đội đạo tỳ làm công việc hậu sự. Và cuộc đời của Trần Thị Dung mới thê thiết làm sao? Giờ đây, tôi không còn tin câu Sướng như ông hoàng, bà chúa nữa. Rồi tới nhân vật Trần Thủ Độ! Đã bao đời qua, người ta cố gắng luận công luận tội của ông nhưng bất lực! Khi tự vẫn chết ở Hậu Bán thế kỷ XX, nhà văn Nhất Linh có để lại lời di cáo: “Chỉ có lịch sử mới phán xét được tôi”. Chắc cũng đành mượn câu nói đó để áp dụng với Trần Thủ Độ! Xét cho cùng, một Lý Huệ Tông chỉ biết an phận với vợ đẹp, con ngoan, luôn trong tâm thế cầu hòa (sẵn sàng trả đất lại cho Chăm pa để yên thân) thì dù có trị vì hết kiếp cũng không giữ nổi cơ đồ lẫn dòng dõi! Nhưng những thủ đoạn đa mưu, sâu kế, ngang nhiên đạp lên luân thường đạo lý để thực hiện câu: mục đích chứng minh phương tiện như của Trần Thủ Độ thì quả quá dã man?

Cả một giai đoạn đầy bi tráng ấy đã được Nhà hát CL Trung ương trình bày lại lột cách sống động, mạch lạc, gãy gọn, súc tích và đầy tính thuyết phục! Vở Dấu ấn giao thời mượt mà chất văn học và. sâu lắng chất sử thi, góp thêm một góc nhìn về các nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Những tên húy hào sảng của Lý Huệ Tông; Phật Kim của Lý Chiêu Hoàng làm vở có một cái gì thật hơn là dã sử hư cấu. Tôi không nhắc đến tên từng diễn viên vì ở đây họ đã nhập thân vào từng nhân vật. Như một đàn ong thợ cần cù: mỗi người một việc, từ các anh chàng múa vật đấu kiếm với nhau một cách hết sức nhịp nhàng bài bản chứ không phải lua khua vài đường kiếm lấy lệ như hay thấy ở sân khấu cải lương lúc sau này; đến sự bài bản của dàn âm thanh, ánh sáng, cảnh trí đã hỗ trợ cho sự thành công của vở và nhất là ca ngâm không thua chút nào với cải lương Nam bộ!

Vâng cải lương đất Bắc, bằng sự kiên trì học tập khổ luyện của mình đã nghiêng ngửa với cải lương Nam bộ, vốn được coi là một đặc sản của đất phương Nam! Và những Triệu Trung Kiên, Hoàng Tùng, Dạ Ngọc Hương, Thu Hà, Xuân Thông,… cũng luyến láy nhẹ nhàng những 3 Nam 6 Bắc và đã ru lòng chúng tôi – nhũng người Nam bộ cứ tưởng rằng chỉ người miền Nam mới hát nổi cải lương. Trong vở, Trần Thủ Độ có nói một câu hàm ý: “Bởi nhà Lý đã đến hồi suy thoái như một cơ thể đang hoại tử thì một nhà Trần mạnh mẽ đầy sức sống có dềnh lên đòi gánh gồng việc lớn, âu cũng là quy luật”. Đúng là cải lương là đặc sản Nam bộ, nhưng nếu vẫn cứ chụp giật ăn xổi ở thì với những trích đoạn vá víu: yêu đương diễm huyền, hài kiểu cù lét thì e rằng một sớm mai nào đó thức dậy chữ cải lương đã chuyển giao hẳn cho đồng bằng Bắc bộ!

Tôi không biết Nhà hát CL Trung Ương đã ”bị” xã hội hóa chưa hay vẫn còn ”được” bao cấp trong sinh hoạt trình diễn? Nhưng dù bao cấp mà đã thực hiện được một tác phẩm cải lương hoàn chỉnh về mọi mặt như vở Dấu ấn giao thời thì thiết tưởng những người yêu nghệ thuật ca diễn này đã đủ xứng đáng với sự đầu tư chăm sóc của Nhà nước. Xin được cám ơn và xiết chặt tay tác giả kiêm đạo diễn, kiêm diễn viên Triệu Trung Kiên – một tay cầm ba kiếm – vậy mà vẫn múa đúng bài bản tặng cho công chúng một đóa hoa mãn khai.
Dương Nữ Thục Linh (Theo Tuần báo Sân khấu TP HCM)

 

Thảo luận cho bài: "Một đoá mãn khai…"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com