Dù đã qua rồi ánh hào quang sáng chói, nhưng với nghệ sĩ Thanh Hằng: Hạnh phúc dù đến muộn vẫn rất đáng trân trọng khi bà được trở về quê hương tiếp túc con đường nghệ thuật.
Nhớ về quãng thời gian xa rời sân khấu, Nữ nghệ sĩ trầm lắng: “Tôi gần như quên nghề nghiệp của mình từ những chuỗi ngày sống tha hương. Mỗi sáng lo cho các con đến trường, thi thoảng đi hát ở chùa. Nghệ danh Thanh Hằng chỉ được nhắc đến khi ai đó gọi tên, và trong tiềm thức, tôi bất chợt nhớ mình đã từng tạo ra hào quang”.
Sang xứ người, Nữ danh ca ngày nào đến nghe cải lương cũng không dám vì mỗi lần nghe là một lần nhớ da diết. Mỗi lần đi ra cửa hàng, thấy chỗ bán băng đĩa phát cải lương cô chỉ biết ngậm ngùi bỏ đi. Lâu lâu nhớ quá, cũng chỉ lén mở xem, kịch bản nào hay là nước mắt lại tuôn. Cảm xúc trong cô vẫn luôn dạt dào như thế. Nhiều lúc, Thanh Hằng cũng muốn bỏ hết tất cả để trở về với sân khấu, về với anh em Tổ nghề. Nhưng nghĩ đến các con, cô lại nuốt nước mắt mà gạt hết đi giấc mộng ấy của mình để rồi phải mấy ngày sau mới nguôi cơn buồn.
Nghệ sĩ Thanh Hằng bật khóc vì khán giả vẫn yêu thương
Niềm vui lớn nhất của nữ nghệ sĩ là khi thấy tình cảm của khán giả trong nước, họ vẫn dành sự yêu mến và đón nhận khi cô về nước hoạt động nghệ thuật trở lại sau 15 năm xa xứ.
Giọng ca “Duyên kiếp” hạnh phúc chia sẻ: “Tôi về nước sau ngần ấy năm cũng giống như lá rụng về cội, nước chảy về nguồn vậy. Có lẽ do thời đại ngày nay công nghệ tinh vi, dù tôi ở nước ngoài nhưng các đài Việt Nam vẫn chiếu những vở tuồng cải lương xưa có sự tham gia của mình, trên mạng cũng có rất nhiều”.
Cô hào hứng nói thêm: “Nếu như trước đây, khán giả yêu mến mình thuộc đối tượng trung niên đến các cụ già, thì sau khi ngồi ghế nóng các chương trình truyền hình, tôi thấy mình cũng rất được lòng các bạn trẻ. Mỗi năm đã có bao nhiêu nghệ sĩ, chương trình xuất hiện, còn tôi đã vắng bóng đến 15 năm nên khi trở về cảm giác rất ngỡ ngàng và lo sợ. Nhưng có lẽ do Tổ nghiệp còn thương nên tôi được khán giả dang rộng vòng tay chào đón”.
Nếu tinh tế một chút, khán giả sẽ nhận ra Thanh Hằng đã khóc rất nhiều trong những chương trình tham gia gần đây như: Sau ánh hào quang, Chuyện của sao, Sân khấu và cuộc đời… Những giọt nước mắt ấy nhiều ý nghĩa lắm, cô khóc vì mừng bởi thế hệ trẻ vẫn còn nhớ cải lương, cô khóc vì ao ước một lần được đứng trên sân khấu cùng với các em để hát và truyền lửa cho họ, nối lại nhịp cầu đã gãy bấy lâu.
Đứa con tha hương đã về: Nguyện được chết trên sân khấu Việt Nam
Cuộc nói chuyện bỗng trầm xuống khi nữ nghệ sĩ nhìn xa xăm: “Không biết 1 – 2 năm nữa sẽ như thế nào vì trong người có rất nhiều bệnh”.
Cô nghẹn ngào và tiếc nuối: “Tôi không sợ bệnh tật, chỉ sợ cái viễn cảnh không còn được gặp khán giả nữa khiến bản thân rùng mình. Đời nghệ sĩ mà, còn nỗi buồn nào hơn khi phải xa lìa sân khấu, khán giả. Cảm giác ấy gấp trăm ngàn lần nỗi đau da thịt. Tôi chỉ xin được chết trên sân khấu ở Việt Nam như trả hết món nợ mà Tổ nghiệp, ông bà, cha mẹ đã cho. Còn thân xác, xin được trả về với các con, bởi đâu có gì quý hơn tình mẫu tử. Còn nếu ngày nào đó, tôi chết trên sân khấu hải ngoại thì chắc chắn linh hồn sẽ trở về với Việt Nam, với khán giả ở quê hương mình, tôi chắc chắn như thế”.
Chớp mắt, quãng thời gian đẹp nhất đã qua, cô “nữ vương” trong Truyền thuyết về tình yêu oai hùng ngày nào giờ đã hơn 50 tuổi, nhưng nhiệt huyết với nghề vẫn chưa bao giờ nguội dù ở vai trò nào. Giờ đây, nữ nghệ sĩ vẫn còn ngồi hàng đêm để ghi hình các chương trình truyền hình. Đối với cô, được gắn bó với sân khấu cải lương Việt Nam là hạnh phúc lớn nhất bây giờ.