NHÀ VĂN HOÀNG CÔNG KHANH: Viết được là lúc mình có ích nhất

 

NHÀ VĂN HOÀNG CÔNG KHANH: Viết được là lúc mình có ích nhấtGần đây, người ta nhắc nhiều đến tên Hoàng Công Khanh, khi vở cải lương Cung phi Điểm Bích mà ông là tác giả trở thành hiện tượng trong làng sân khấu, nhưng ít người biết ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm văn học khác.

Ông có đến 14 tiểu thuyết đã xuất bản, trong đó nổi bật là Hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga, Vằng vặc sao khuê, Đôi mắt màu tím, Trại tân bồi(đã xuất bản ở Pháp), 5 tập thơ, kịch thơ cùng rất nhiều kịch nói và ca kịch đã được dàn dựng và xuất bản. Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều tập truyện ngắn, ký sự, tiểu luận với khá nhiều tác phẩm đoạt giải. đến nay, đã 86 tuổi, Hoàng Công Khanh vẫn thường xuyên ngồi trước màn hình vi tính và sáng tác. Ông bảo, có thể sắp tới Hội Nhà văn VN và Hội Nghệ sĩ sân khấu sẽ tài trợ để ông in thêm 4 tác phẩm nữa.

– Phóng viên: Điều gì đã khiến bác có thể sáng tác ở nhiều thể loại?
– Nhà văn Hoàng Công Khanh: Tôi đã đỗ tú tài Pháp và tự học Hán Nôm nên thấm nhuần văn hóa Pháp và Trung Quốc. Ngày trẻ tôi đọc nhiều, thấy thích và viết theo. Chỉ viết vì thích thôi nhưng có một chuyện không may (mà sau này tôi cho là may) xảy đến với tôi. Đó là thời kỳ tôi ở đội thanh niên yêu nước chống Pháp, rồi chẳng may bị bắt vào nhà tù Sơn La. Ngồi trong tù chẳng biết làm gì nên tôi viết tác phẩm Hoa nhạn lai hồng (NXB Văn học in năm 1992). Đây là tập ký sự viết theo con mắt văn học, có thể sắp tới sẽ được tái bản. Tôi thích nhất là kịch thơ nhưng thể loại này rất khó viết, theo tôi khó nhất vì phải giỏi cả kịch và thơ, mà còn phải nói được điều gì cho hấp dẫn nữa. Nhưng cái giúp mình nói được nhiều nhất lại là tiểu thuyết. Nói chung tôi cứ viết những gì mình cho là hợp.

– Bác có ngạc nhiên không khi kịch thơ Cung phi Điểm Bích vốn không mấy người biết nay bỗng nhiên được ngoài Bắc trong Nam cùng dàn dựng?
– Cung phi Điểm Bích tôi viết năm 1987 và phải mất 3 năm mới xong. Mơ ước của tôi là được dựng vở này đúng là kịch thơ, song lúc mới xuất bản, có nhiều người đọc mà không hiểu gì. Sau đó, kịch thơ Cung phi Điểm Bích được Đài Tiếng nói VN thu thanh và phát sóng. Tôi có xin mấy cái đĩa về tặng bạn bè và giữ làm kỷ niệm. Thế là tôi cũng hài lòng lắm rồi. Bẵng đi bao nhiêu năm, bỗng nhiên cô Hoàng Quỳnh Mai tìm đến tôi và nói muốn dựng vở đó thành cải lương. Nói thật là tôi không thích dựng thành cải lương đâu, vì tôi đã đứng ở sân khấu cải lương nhiều năm rồi nên rất hiểu “bản chất” của cải lương. Tôi là người làm sống tại đoàn cải lương Kim Phụng trước kia đấy, vừa đạo diễn vừa biên kịch. Thời ấy, để cho “ngon ăn” tôi thường chuyển thể các tác phẩm của Trung Quốc, rồi có khi chỉ cho toàn diễn viên nữ đóng vai nam, khách đến xem gạt đi không hết. Nhưng trong thâm tâm tôi lại coi thường cải lương vì tôi thấy có quá nhiều chất thị trường (tất nhiên, trừ vọng cổ, cái này rất giá trị). Song cô Mai hứa sẽ không thay đổi gì, chỉ thêm thắt vài chữ thôi. Tôi đồng ý vì nghĩ không còn hy vọng được dựng thành kịch thơ nữa. Phải công nhận cô đạo diễn ấy có con mắt tinh tường, lại thông minh, yêu nghề và sáng tạo. Sau khi vở này được công diễn, có nhiều người gọi điện cho tôi ngỏ ý muốn dựng lại. Tôi thấy đúng là bất ngờ.

– Vậy bác có thật sự hài lòng với vở cải lương Cung phi Điểm Bíchvốn được giới chuyên môn đánh giá rất cao?
– Tôi cho rằng các nghệ sĩ đã chuyển tải được 8/10 ý đồ của tôi. Thế là rất thành công rồi nhưng tôi vẫn tiếc một điều. Trong tác phẩm kịch thơ, tôi có gửi gắm ý này: Mỗi con người có quyền đi theo khát vọng của mình, nhưng phải chịu trách nhiệm với khát vọng ấy. Huyền Quang có quyền đi tu, Điểm Bích có quyền khát vọng yêu thương, vua có quyền nghi ngờ để giữ ngôi, người giải quyết giả dối bằng bạo lực thì phải trả giá bằng bạo lực. Như Huyền Quang đã nói với Điểm Bích (hát): Ta rung cây đàn cung điệu của ta. Cũng như nàng rung cung điệu tình ca. Như người ấy cung điệu rung cuồng hận. Như đức vua cung điệu rung nghi vấn. Mỗi cung đàn rung một niềm riêng. Luyến láy bổng chìm khoan nhặt ngả nghiêng. Gảy vụng hay tinh đều phải trả giá. Sư tổ Huyền Quang rất bản lĩnh nhưng trong thâm tâm ngài không khỏi lo sợ và Điểm Bích đã hiểu được điều ấy. Lúc sư tổ trao đĩnh vàng cho nàng, nàng đã nói: Đĩnh vàng này nặng trĩu oan khiên. càng nặng trĩu thêm nỗi niềm cay đắng. Huyền Quang hỏi: Vậy con cần gì? Điểm Bích nói: Bạch, cũng không nhiều lắm. Con cần cái điều sư tổ không cho, hay chẳng dám cho? Và Huyền Quang đã sợ: Đừng khơi lên nữa cho thành giàn hỏa. Mà lửa tình bốc cháy cả nhân gian. So với lửa thần còn mạnh gấp trăm ngàn. Tiếc là khi diễn, đoạn tôi thích nhất này lại bị cắt bỏ.

– Điều gì đã khiến bác sáng tác khỏe thế, kể cả khi đã mắt mờ chân yếu?
– Ngày trẻ, tôi làm rất nhiều việc, giữ nhiều chức vụ, nào là giám đốc Sở VHTT Hải Phòng, phó giám đốc Sở Thông tin liên khu 11 tỉnh, tổng biên tập nhiều tạp chí, nhưng thực chất chẳng làm được bao nhiêu. Rồi có thời kỳ tôi bị kỷ luật, không biết làm gì phải đi làm thợ mộc rong, cứ đòn gánh trên vai, ai gọi gì làm đấy trong suốt 10 năm trời. Tôi có một bức ký họa do Bùi Xuân Phái vẽ tặng thời hai anh em còn làm báo, nhiều người hỏi tôi sao không bán đi lấy tiền nhưng thực ra tôi đi làm thợ mộc lại kiếm được khá tiền. Lúc ấy nghĩ phận mình tủi nhưng vẫn không bỏ viết. Thế mà về sau lại đoạt giải, cũng buồn cười. Lúc lên nhận giải ở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN, tôi có hỏi lý do vì sao mọi người lại trao giải cho tôi, họ nói là vì tôi viết thực. Tôi thấy viết được là lúc mình làm việc có ích nhất. Tôi già rồi, may có cái máy vi tính nên tiện lợi ghê. Bà nhà tôi đã mất bốn năm, mấy cô con gái đi lấy chồng hết, tôi ở một mình, đến giờ thì ra quán ăn cơm bụi, thời gian còn lại thì viết. Nhưng nói thật là bây giờ viết được ít thôi.
Thu Huyền (Theo Người lao động)

Thảo luận cho bài: "NHÀ VĂN HOÀNG CÔNG KHANH: Viết được là lúc mình có ích nhất"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com