Những hoa trái góp vào cho một nghệ thuật sân khấu truyền thống mang đặc thù khép mở

1. NGƯỢC DÒNG
So với các loại hình kịch hát dân tộc khác (tuồng, chèo, bài chòi, ca Huế, dù-kê v.v…) cải lương là nghệ thuật truyền thống có khả năng dung chứa rộng nhất các loại hình nghệ thuật trước và sau đó, có sức lan tỏa nhanh và đều khắp toàn quốc. Nhưng thời điểm ra đời chính thức, đặc trưng cùng nguồn gốc đưa đến sự hình thành cải lương vẫn là những điều còn chưa thống nhất giữa những ai quan tâm nghiên cứu nó.

Tiến sĩ sân khấu Bạch Tuyết trong một buổi giao lưu với công chúng trẻ ở Nhà Văn hóa Thanh niên cho rằng cải lương chịu ảnh hưởng bởi nghệ thuật truyền thống của Indonesia.

Tác giả Lê Duy Hạnh cho rằng: “Cải lương đã chịu ảnh hưởng có tính cách quyết định của 2 dòng sân khấu: sân khấu truyền thống của Việt Nam và sân khấu kịch hiện đại của Pháp”.

Trong cuốn Ca nhạc và sân khấu cải lương, nhạc sĩ Tuấn Giang đã đưa ra mô hình: Ca nhạc dân ca – Ca nhạc tài tử-ca Huế – Ca ra bộ-cải cách hát bội – Sân khấu cải lương.

Trong bài Tính dân tộc hiện đại trong sân khẩu cải lương, ông nói rõ hơn: “Sân khấu cải lương là nghệ thuật miêu tả, cách điệu, nội dung kể chuyện chữ tình, có màu sắc bi, hài… hợp thành bởi:

– Ca nhạc dân gian Nam Bộ và các miền.

– Ca nhạc tài tử cung đình Huế.

– Tinh hoa của nghệ thuật sân khấu cổ truyền.

– Một phần các hình thái nghệ thuật đương đại”.

Như các nghệ thuật khác, sự ra đời của cải lương không thể tách khỏi hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị của thời điểm nó sinh ra.

GS Hoàng Như Mai, ở phần Sân khấu cải lương trong cuốn Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày về nghệ thuật cải lưonưg chỉ từ đầu thế kỷ XX. Còn tác giả Trương Bỉnh Tòng trong cuốn Nghệ thuật cải lương- những trang sử đã đi xa hơn, trở ngược lại thế kỷ XVII để đặt vấn đề “Hát cải lương từ đâu mà có”? Theo ông:

– Ca và hát vốn là truyền thống ngàn năm của dân Việt

– Tâm lý những người ở đất mới (nông dân nghèo tránh chiến tranh áp bức, người khẩn đất, lính, tội đồ).

– Đất Nam bộ ngoài văn hóa của người Việt còn văn hóa của các tộc người Hoa, Khơme, Chăm… người Việt tiếp thu hoa văn của họ, để tạo bản sắc văn hóa mới. Đồng thời, Nam Bộ cũng là vùng đất sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây, là nơi chữ quốc ngữ phổ biến sớm nhất, báo chí xuất hiện sớm nhất ở nước ta. Nhiều tác phẩm thơ, truyện xuất hiện được kể lại, truyền đi, nơi có điệu nhạc do vậy mà nói thơ Nam Bộ phát triển, cùng với hò, vè, lý, dân  ca Nam Bộ.

Nam Bộ có hát bội từ thế kỷ XVIII (Tả Quân Lê Văn Duyệt lập gánh hát đầu tiên, Bùi Hữu Nghĩa soạn Kim Thạch Kỳ Duyên).

– Cùng lúc đó Nam Bộ cũng có Nhạc lễ và Đờn ca tài tử trong những sinh hoạt làng, xã, xóm ấp (như lễ hội…); đến giữa thế kỷ XIX phát triển mạnh 2 nhóm:

+ Nhóm tài tử miền Tây: Bầu An, Lê Tài Khị (Nhạc Khị) ở Bạc Liêu được tôn làm môn đệ của ông); Nguyễn Quan Đại (Ba Đợi), Trần Quang Diệm (nội tổ ông Trần Văn Khê), nhóm Vĩnh Kim, Mỹ Tho và nhóm Tống Hữu Định, Kinh Lịch Qườn, Phạm Đăng Đàn (Vĩnh Long Sa Đéc).

+ Nhóm tài tử Sài Gòn: NguyễnLiêm Phong, Phan Hiển Đạo, Nguyễn Tùng Bá (học nhạc Huế về Sài Gòn chơi nhạc tài tử).

Theo ông Vương Hồng Sển trong Hồi kỳ 50 năm mê hát, cải lương có được do “lòng ái quốc của một số người bị mất nước, cố tìm lối trồi đầu tiên để cho tinh thần quốc gia còn tồn tại”. Ông cho rằng cải lương ra đời được do những cơ hội:

– Hát bội không còn hợp thời nữa, gây cảm giác nhàm chán vì triết lý phong kiến và cách thể hiện không hợp nữa.

– Toàn quyền Albert Sarraut mừng thắng Đệ nhất Thế chiến và để dân bản xứ xao lẵng việc nước, không làm quốc sự, nới tay cho trí thức biến hát bội thành một nghệ thuật cách tân, cải lương, họ đã tìm cách xem giọng ái quốc vào điển cũ và cứ biến hóa mãi, trau dồi đờn ca, đưa tài tử salon lên sân khấu, lập hội, lấp gánh.

Theo ông Trần Văn Khải trong Lịch sử cải lương:

– 1919, Ban tài tử Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho gồm Tư Triều (kìm), Chín Quán (bầu), Mười Lý (tiêu), Bảy Võ (cò), Hai Nhiều (tranh), Ba Đắc (ca), trong đó có người đi Pháp về, cho biết họ được đờn ca trên sân khấu. Cô Ba Đắc ca bài Tứ Đại Oán, vừa ca vừa làm điệu bộ cả 3 nhân vật. Ông Trần Chánh Chiếu mời cả ban về khách sạn Minh Tân (gần ga xe lửa Mỹ Tho) diễn tấu. Thầy Hộ, chủ rạp Casino (sau chợ Mỹ Tho) cũng mời  ban này diễn tối thứ tư và thứ bảy trước khi chiếu bóng, được công chúng hoan nghênh.

“…1912, chúng tôi có đến xem, cách chưng dọn còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng làm tấm fond, kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván có để một bàn chưa treo, hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm rạp và khán giả có cảm giác đứng trước căn phòng khác hạng trung lưu. Các tài tử dều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem nghiêm trang. Cô Ba Đắc ca rất hay và biết đủ các bài cổ điển. Nhất là cô ca bản Tứ Đại Oán; Bùi Kiệm – Kiều Nguyệt Nga rất duyên dáng” (Trương Bình Tòng).

– 1915, Nguyễn Hữu Định (Phó 12) ở Vĩnh Long cho 3 người đóng 3 vai Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga đúng trên ván vừa ca vừa ra bộ.

Trần Văn Khải (Nghệ thuật sân khấu Việt Nam):

– Tết 1917 cải lương đầu tiên trên sân khấu xiếc của thày André Thân Sa Đéc, sau một thời gian dài ca ra bộ phụ diễn trước khi mở màn. LụcVân Tiên của Trương Duy Toản (trước đó chiếu film câm Charlot tìm vàng) dựa gốc ca nhạc dân tộc và kế thừa cái hay sân khấu truyền thống.

– Tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới mà ông đã được thưởng thức (ông đã đi và bị bắt ở Paris vì hoạt dộng chính trị), ông Toản, một soạn giả hữu danh, một nhà hoạt động chính trị, đã xây dựng được một sân khấu dân tộc hiện đại như ông ước mơ (Nổi trôi trong ánh đèn màu- Hồi ký Bảy Nhiều).

– 15-3-1918 André Thân sang gánh cho thầy Châu Văn Tú (Mỹ Tho) gọi là thầy Năm Tú Mỹ Tho, diễn Kim Vân Kiều của Mạnh Tự – Trương Duy Toản tại Chinéma Théâtre (rạp Thầy Năm Tú) – tối thứ bảy diễn ở Êđen (Chợ lớn). Về sau thứ bảy và chủ nhật diễn ở Môderne (Sài Gòn) đường D’Espagne (Lê Thánh Tôn)…

– 16-11-1918, một nhóm trí thức Nam Bộ do yêu cầu của Toàn quyền Albert Sarraut đã lập hội để khuyến cung quốc trái tại Nhà hát Tây, những gì tham gia còn lưu hình trong tạp chí Nam Phương (19-1-1919) (trong nhóm có nhà văn Hồ Văn Trung tự Hồ Biểu Chánh).

Nhờ nấp sau “quốc trái, lạc quên”, Tây không để ký mà nghệ thuật cải lương đã củng cố được trong những bước đầu gian nan.

Về sau, còn có các gánh Đồng Bào Ban (Bốn Sự), Nam Đồng Ban (Hai Cu)-Mỹ Tho.

Trong đó có những người nổi danh: Năm Phỉ, Bảy Phùng Há, Tư Sạng, Hai Giỏi, Năm Châu… Rồi Văn Hí Ban (Chợ Lớn), Tân Phước Nam (Sóc Trăng) Sĩ Đồng Ban (Long Xuyên)…

Dần dà, cải lương lan tỏa khắp Trung và Bắc và được đồng bào các nơi mến mộ (Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam: Hát bội cải lương, thoại kịch).

2. GÓP PHẦN
Trong bảng thành tích nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Trung ương, tuy chưa được xem tất cả, nhưng với những vở mà chúng tôi đã được xem qua như Bắc cầu ô thước, Hoàng hậu của hai vua, Cây đàn huyền thoại, Tình sử Lộ Đà Giang, Thời con gái đã xa, Vằng vặc ánh sao Khê v.v… chúng tôi xin có một lời cám ơn trân trọng gởi đến những đồng nghiệp có khát vọng thể hiện một nghệ thuật cải lương nghiêm túc trên đất Bắc, trong bối cảnh chuyển giao giữa hai thế kỷ với bao khó khăn phức tạp mà một nghệ thuật truyền thống phải đối đầu trong cơ chế thị trường.

Đặc thù của sân khấu cải lương nằm chính trong tên của nó: “Sửa đổi sao cho tốt đẹp hơn”. Cải lương là một loại hình đi bằng hai chân với hai hướng đóng mở: đóng lại với những quy ước của sân khấu truyền thống và mở ra với các hình thái nghệ thuật đương đại. Với đặc thù đó, những người lăn lộn với lại hình sân khấu này, nếu không bản lĩnh và nếu không nồng nàn sống chết với nó, sẽ rơi vào tình huống “thương nhau mà lại bằng mười phụ nhau”

Trong suốt gần một thế kỷ, sân khấu cải lương Nam Bộ đã có những cách tân tích cực, đồng thời có những sửa đổi đầy nghệ thuật này tới mấp mé miệng vực tử sinh.

Hội thảo về Mộng Vân do Trung tâm nghiên cứu cải lương tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 1990 đã ghi nhận những đóng góp lớn của Mộng Vân đồng thời cũng cho thấy chủ trương sử dụng vọng cổ trên sân khấu của Mộng Vân là đúng nhưng nhiều gánh theo “môn phái” này đã tận dụng vọng cổ, chạy theo hình thức, bất chấp nội dung của vở diễn, nên đã làm cho cải lương xuống cấp. Nhà nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng đã tiếc cho Mộng Vân không có một gánh lớn do ông trực tiếp và tập trung chỉ đạo mô hình Mộng Van, như Năm Châu đã làm với tuồng xã hội và Phùng Há với tuồng Tàu…

Điều khiến chúng tôi rất cảm động và không thể giấu được niềm cảm phục khi lần đầu tiên gặp nhau tại Liên hoan sân khấu nhỏ toàn quốc lần thứ II ở Ninh Bình, chúnh tôi thấy các bạn đồng nghiệp ở Nhà hát Cải lương Trung ương đã không những gìn vàng giữ ngọc cho nghệ thuật cải lương trên đất Bắc, mà còn cách tân nó một cách tài tình và điệu nghệ qua vở diễn Bắc cầu ô thước (Đạo diễn NSƯT Lê Chức). Đây là một vở vốn đã khó dựng ngay cả cho sân khấu kịch, trong đó nổi cộm vấn đề lìa quê, lìa nghiệp tổ của những nghệ sĩ cải lương miền Nam. Nhưng phải nhờ đến tấm lòng và khát vọng “cải lương” của những nghệ sĩ Bắc Hà, vở diễn mới có cơ hội chào đời, và với tư cách khán giả Nam Bộ, chúng tôi phải nhìn nhận một cách công bằng đó là một vở cải lương đã thể hiện được một vấn đề lớn của miền Nam một cách tử tế, nếu không muốn nói là sang trọng. Một trang trí rực rỡ rất tài tình bởi những chất liệu vô cùng đơn giản mà cũng đậm chất cải lương, và điều quan trọng nhất là nó đã thể hiện được một cách nổi bật chủ đề của diễn.Những sợi dây lóng lánh giăng mắc khắp nơi như những sợi nước mắt nhớ thương mà dù người xa cách người đến mấy đại duơng vẫn nối được tình nghệ sĩ với nhau, và với cuống rún không thể chia lìa, gắn chặt với quê hương. Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Doãn Châu, chúng tôi tin thiết kế sân khấu của vở Bắc cầu ô thước đã ngân vang như một nốt nhạc trầm, đẹp trong một vẻ buồn lộng lẫy… Đan suốt trên cái nền êm ả đó là những giai điệu cổ kim đan chéo nhau một cách khéo léo được thể hiện bởi những chất giọng tài hoa của Thanh Thanh Hiền, Vương Hà, Xuân Vinh, Dạ Ngọc Hương…

Vâng, nếu nói sở trường đua những bản nhạc mới vào là cải lương Nam, rất táo bạo nhanh nhạy biến đổi khi môi trường chuyên hóa, thậm chí đôi lúc hơi bị quá đà với những yếu tố ngoại lai, như đã có lúc lấn lướt trên chính sân nhà loại nhạc “cà chía” hay twist, rock-en-roll… thì qua Bắc cầu ô thước, chúng tôi cảm nhận được sự trầm tĩnh trên đường tìm tòi cái mới mà vẫn không kém phần nồng nàn, xuất phát từ nỗi khát khao đi tìm cái dẹp của các bạn đồng nghiệp trên đất bắc.

Kết thúc liên hoan đợt ấy, Bắc cầu ô thước nhận huy chương Bạc, nhưng lấp lánh trong sự chia sẽ tri âm với những nghệ sĩ miền Nam chúng tôi lần đầu được tiếp nhận cải lương miền Bắc, vở diễn đã ghi đậm một sắc vàng rực rỡ…

Những vở sau này được mang vào giới thiệu với công chúng miền Nam lại rất nhiều lần nữa khẳng định bản lĩnh của Nhà hát Cải lương Trung ương trong việc lựa chọn tiết mục đậm chất văn học, như Cây đàn huyền thoại dựa trên tác phẩm Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, cũng như việc đưa những nhân cách lớn của lịch sử Việt Nam lên sân khấu cải lương như Nguyễn Trãi trong Vằng vặc ánh sao Khuê đã được dày công thể hiện. Điều này gợi cho cho chúng tôi liên tưởng đến cải lương trong thời kỳ đầu, khi vừa chuyển từ ca tài tử đến ca ra bộ rồi ráp với các cấu trúc tuồng Tàu, tuồng Tây để hình thành dần một loại hình sân khấu mới, nếu không bám rễ chặt với những danh tác trong kho tàng văn  học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên… và những nhân vật lịch sử như Trung Trắc, Trưng Nhị, Quang Trung, Lê Lợi v.v… thì nghệ thuật truyền thống này sẽ chông chênh hụt ngay một chân đứng…

Và như những người bạn nghề thân thiết lâu năm mới có dịp hội ngộ nhau trong nhữn đợt về thắp nhang trên bàn thờ bổ, chúng tôi cũng muốn chia xẻ một phần trăn trở là những điều mà các bạn đang thanh thảnh thực hiện đó, đang là một nỗi nhức nhối của chúng tôi trong đây mỗi khi cần thể hiện những kịch mục lịch sử hay những tác phẩm lấy từ nguồn văn học Việt Nam, bối cảnh xã hội  trọng cơ chế thị trường hơn với những cơ chế trẻ, khỏe, xông xáo vào những “điểm nóng’ của xã hội như bộ môn kịch nói.

Đọc trong trang “Vài lời tâm huyết” của các bạn có dòng: “Năm năm qua, Nhà hát Cải lương Trung ương vẫn tiếp tục hoạt động, xây dựng và biểu diễn phục vụ, vượt qua những khó khăn của tình hình với những nguy cơ luôn chực chờ ập xuống nghiệp tổ chúng ta theo”, chúng tôi hiểu và cảm thông tất cả những điều các bạn đã đổ ra để có được những dòng “tâm chữ” tưởng chừng đơn giản ấy.

Con đường lắm gian nan vẫn còn đợi ở phía trước, đòi hỏi chúng ta ngày càng bản lĩnh hơn nữa để giữ được đặc trưng vừa truyền thống vừa hiện đại của cải lương./.
Nguyễn Thị Minh Ngọc (Theo Tạp chí VHNT)

Thảo luận cho bài: "Những hoa trái góp vào cho một nghệ thuật sân khấu truyền thống mang đặc thù khép mở"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com