Sân khấu Cải lương với mảng đề tài hiện đại

Nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời ở Nam Bộ vào những năm đầu của thế kỷ XX, sau một thời gian ngắn đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả, dần dần phát triển trên phạm vi cả nước. Cái tên cải lương được bắt nguồn từ hai câu liễn: “Cải cách hát ca theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” đã khẳng định được ý chí quyết tâm đổi mới, niềm tự cường dân tộc, sự sáng tạo của những người xây dựng nên môn nghệ thuật này.

Ở sân khấu cải lương, những vở diễn thể hiện đời sống tâm lý của con người đương đại là mảng đề tài mang lại rất nhiều thành công, được khán giả đặc biệt yêu thích.

Ngay từ những bước đi đầu tiên, những vở diễn sống lâu trong lòng khán giả đa số là những vở về đề tài hiện đại, như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu…, rồi tiếp theo là Người nữ diễn viên miền Nam, Người con gái đất đỏ, Máu thắm đồng Nọc Nạn hay những vở như Bà mẹ bên sông Hồng, Bản danh sách điệp viên, Tiếng sấm Tây Nguyên, Nắng tháng tám… Đó là những vở diễn thành công đã phản ánh chân thực cuộc sống đầy gian nan vất vả, nhưng cũng rất anh hùng của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Đặc biệt với nội dung nhân bản và giá trị nhân đạo hàm chứa trong hình tượng những người phụ nữ nông dân, những bà mẹ nghèo khổ lam lũ nhưng cần cù và giàu đức hi sinh, những lão nông tri điền ưa nói thẳng nói thật, hơi ngang tàng nhưng rất mực nhân ái, vị tha với bà con, đồng bào và quyết liệt, khảng khái, dũng mãnh trước kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc… đã làm cho sắc điệu cải lương thêm gần gũi với cuộc sống đương đại. Nghệ thuật cải lương hoàn toàn xứng đáng được trân trọng bởi nó đã góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Sau thắng lợi của vở Người công dân số một (kịch bản Hà Văn Cầu, Vũ Đình Phòng, đạo diễn Dương Ngọc Đức, Sĩ Hùng năm 1976), một thời kỳ sôi nổi của nghệ thuật sân khấu cải lương với đề tài hiện đại lại được tiếp nối bằng các vở diễn: Đôi dòng sữa mẹ, Khi thành phố lên đèn, Nỗi đau tình mẹ (Nhà hát Cải lương Trung ương), Hoa đất Nặn (Cải lương Hải Phòng), Dòng suối trắng (Cải lương Kim Phụng)… ở miền Bắc, và hàng loạt vở diễn của các đoàn nghệ thuật sân khấu cải lương ở miền Nam từ sau ngày Tổ quốc thống nhất (1975). Một phong cách biểu diễn mới thay dần lối biểu diễn sướt mướt kiểu khóc gió, than mây, dường như đã là thói quen của nhiều nghệ sĩ, nhiều đoàn diễn ở các tỉnh phía Nam những năm trước đó. Những vở cải lương khai thác mảng đề tài hiện đại được các nghệ sĩ sáng tạo bằng cách nghĩ, cách nhìn mới, tính cách nhân vật đều gần gũi với con người ngày hôm nay, đặc biệt là tính cách người nông dân Nam Bộ, nên hầu hết những vở diễn của các đoàn cải lương phía Nam đã được đông đảo quần chúng nhân dân lao động đón nhận và cổ vũ rất nhiệt tình. Đó là các vở: Tình yêu và lời đáp(Nguyễn Trường Thiên), Người trong cõi nhớ (Lưu Quang Vũ), Cây sầu riêng trổ bông (Hoài Linh), Tiếng hò sông Hậu (Điêu Huyền), Giọt máu oan cừu (Trọng Nguyễn). Chính việc đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới phát sinh từ hiện thực cuộc sống đã là động lực thúc đẩy việc phát triển, nâng cao trình độ sáng tạo của các nghệ sĩ và đương nhiên, mặt bằng thẩm mỹ của nghệ thuật cải lương cũng ngày càng được nâng cao hơn. Các nhân vật nông dân mà cải lương thể hiện trong giai đoạn này tuy cũng đi vào các số phận cá nhân, nhưng vượt lên trên các cá nhân riêng lẻ ấy là sự ngời sáng phẩm chất truyền thống và giá trị đạo đức mới của nhân dân lao động Việt Nam.

Vào những năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ XX), do hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, đồng thời sự du nhập ào ạt các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài đã tác động không nhỏ tới thị hiếu thẩm mỹ và thói quen thưởng thức nghệ thuật sân khấu truyền thống của một bộ phận khán giả Việt Nam. Cũng như các ngành nghệ thuật sân khấu khác, nghệ thuật cải lương phải trải qua những khó khăn, thử thách nghiệt ngã để tồn tại và phát triển.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc, đưa nghệ thuật sân khấu trong đó có cải lương, trở về đúng quỹ đạo hoạt động để phát huy bản chất tốt đẹp của nó, nhiều cuộc hội thảo khoa học về sân khấu cải lương được tổ chức, nhiều vở diễn cải lương thực sự có chất lượng đã ra đời.

Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 có 11 đoàn nghệ thuật cải lương tham dự, trong 13 vở diễn có 8 vở viết về đề tài hiện đại. Hình tượng người lao động nói chung và người nông dân nói riêng lại được các tác giả đề cập một cách nghiêm túc và chân thành trong những vở như: Tiếng hát cao nguyên, Xôn xao rừng quế, Tàn héo ước mơ, Khi tình yêu đã chết, Nỗi đau tình mẹ, Sau bức màn nhung, Bỉ vỏ, Trả giá cuộc đời… Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, trong số 11 vở cải lương tham dự có 7 vở viết về đề tài cuộc sống mới.

Nhiều vở hiện đại không trực tiếp đề cập tới các vấn đề ở nông thôn, nông nghiệp, nông dân nhưng hầu như các nhân vật trung tâm ở một số vở diễn cải lương mới đều có hơi hướng, gốc gác là nông dân, dù đó là nông dân đồng bằng, vùng biển hoặc vùng núi… Họ là những người lao động chân chính đang từng bước chuyển mình về nhận thức, hành động và quan hệ tình cảm trong cơ chế mới để thích ứng được với cuộc sống mới.

Ở mỗi vở cải lương, các yếu tố truyền thống và hiện đại tồn tại trong mối quan hệ tương tác, gắn bó. Nghệ thuật cải lương đón nhận sự giao lưu và chịu ảnh hưởng các bộ môn nghệ thuật khác là sự đương nhiên, bởi lẽ nó cần phải tồn tại và phát triển. Nếu một vở cải lương không giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại thì hiệu quả nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ mà nó đem tới cho khán giả sẽ không cao. Đã có một số vở cải lương về đề tài hiện đại, trong đó có những vở phản ánh cuộc sống nông thôn và quan hệ mới giữa những người nông dân, những con người thực sự làm chủ hoặc đang nỗ lực tự khẳng định mình trong cương vị chủ nhân mới của cuộc sống hôm nay. Vở cải lương Bóng biển (Đoàn cải lương Hương Tràm năm 1995) khắc họa hình tượng cô gái nông thôn vùng đồng bằng Nam Bộ vì thương cha già, cô cầu xin cha đừng đi làm công việc nguy hiểm. Với cha, cô là một đứa con gái yếu đuối, hiếu thảo và dễ thương, trước người yêu cô dịu dàng đằm thắm và ý nhị, nhưng với quân thù cô là người hoạt bát mưu trí, quả cảm và sẵn sàng quyết thắng, dù có phải hy sinh. Phẩm chất của cô gái và ông Tư Câu Sấu chính là hình tượng tiêu biểu của người nông dân Nam Bộ bình dị, quả cảm, bất chấp mọi nguy hiểm nhưng cũng thật chan chứa tình đời, tình người. Rồi hàng loạt vở cải lương với đề tài hiện đại như Ngọc sáng đất kiếm thần, Người sót lại của rừng cười, Những khoảnh khắc đời người… cũng tạo nên những thành công mới cho nghệ thuật cải lương.

Vậy nguyên nhân nào đã làm nên thành công ấy?

Sân khấu cải lương là một loại hình ca kịch dân tộc, sự tiếp cận với đề tài hiện đại phải chăng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi từ trước tới nay, đề tài này thường ít xuất hiện trên sân khấu dân tộc. Thế nhưng, khán giả lại chấp nhận những vở diễn đề tài hiện đại của cải lương một cách nồng nhiệt. Điều đó khẳng định đây là thế mạnh của sân khấu cải lương, và đó cũng là đặc thù riêng tạo nên tính hiện đại và những thành công lớn của nghệ thuật cải lương.

Chúng ta đều biết rằng, nghệ thuật cải lương là một loại hình ca kịch dân tộc. Phần kịch ở đây hoàn toàn phù hợp với những đề tài hiện thực, chứa đựng những mâu thuẫn, chiều sâu tâm lý trong cuộc sống đời thường. Phần âm nhạc bài ca của cải lương lại rất phong phú, đa dạng, ngọt ngào. Bài bản của cải lương chia thành nhiều dạng như: Các bản nhỏ, Bắc, Nam, Ngự, Oán, rồi các làn điệu dân ca, vọng cổ… Mỗi loại lại có sắc thái, tính chất riêng dùng để diễn tả những tình huống, tâm trạng riêng cho nên khi có bài ca trong vở không bị khiên cưỡng với tình huống kịch. Một nét đặc thù nữa là hành văn trong lời ca mang màu sắc của ngôn ngữ đối thoại chứa kịch tính, chứ không chỉ đơn thuần là kể lại hay minh họa cho một câu nói. Cách đặt lời cũng rất đa dạng, không bị ép buộc theo vần hay theo khổ thơ nào nhưng hiệu quả lại rất sinh động ngọt ngào, xúc động khiến cho khán giả tiếp nhận dễ dàng hơn.

Nghệ thuật biểu diễn của sân khấu cải lương cũng rất đặc biệt. Nó là sự hòa quyện của hai trường phái biểu diễn Đông Tây, vừa có hiện thực tâm lý vừa có ước lệ cách điệu phương Đông. Đó chính là điểm thuận lợi cho người diễn viên khi phải thể hiện những nhân vật của cuộc sống đương đại với chiều sâu tâm lý phức tạp mà vẫn dung dị đời thường, đúng như câu nói của nghệ sĩ Năm Châu: “Diễn của sân khấu cải lương cần thật và đẹp”. Hệ thống hình thể vũ đạo trong nghệ thuật cải lương cũng rất tiên tiến và phóng khoáng. Nó không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu cầu kỳ. Hệ thống vũ đạo dưới con mắt của biểu diễn được xem như hệ thống hành động hình thể, có mục đích làm cho người diễn viên chuyển vận trên sân khấu được hoạt bát nhẹ nhàng và góp phần làm cho diễn viên diễn tốt hơn, sâu hơn, tạo thành công chung cho vai diễn. Từ xưa đến nay các bậc lão thành trong nghề cải lương khi nói đến vũ đạo cải lương thường nói “thứ nhất là dáng, thứ nhì là chất, thứ ba động tác”. Điều đó cũng khẳng định rằng hệ thống vũ đạo hoàn toàn phục vụ cho nhiệm vụ biểu diễn. Đó chỉ là một số trong rất nhiều điểm đặc biệt của nghệ thuật cải lương tạo nên thế mạnh trong việc thể hiện những đề tài hiện đại, tạo nên sức chiến đấu cao và cũng khẳng định được những nét đặc thù vừa truyền thống, vừa hiện đại, tiên tiến của loại hình ca kịch dân tộc này.

Trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển vững mạnh, nghệ thuật sân khấu không thể không quan tâm tới việc thể hiện những đề tài mới, đó là những mảng sống đầy sôi động, phức tạp và đầy kịch tính mà ở đó con người vừa tìm kiếm sự tiến bộ, vừa bộc lộ những yếu kém và thậm chí gian tham, độc ác. Sân khấu cải lương cũng cần phải phát huy hết thế mạnh của mình, liên tục tìm tòi đổi mới và tiếp cận với đề tài hiện đại để tồn tại và phát triển, để khẳng định mình, một loại hình ca kịch dân tộc hiện đại, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc./.
Phạm Trí Thành (Theo vanhoanghethuat.org.vn )

Thảo luận cho bài: "Sân khấu Cải lương với mảng đề tài hiện đại"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com