Trần Nhân Tông – mối duyên cải lương Nam Bắc

Trần Nhân Tông - mối duyên cải lương Nam Bắc

Khởi thủy từ ý tưởng đầy chất thiền của NSƯT Bạch Tuyết, tác giả Lê Duy Hạnh đã chấp bút viết nên kịch bản cải lương Trần Nhân Tông. Từ khi kịch bản ra đời cho đến khi được dàn dựng là chặng đường dài 3 năm. Đồng cảm với tâm huyết, ý tưởng sáng tạo của NSƯT Bạch Tuyết và tác giả Lê Duy Hạnh, đồng thời muốn học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm làm nghề của đồng nghiệp phía Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã đưa vở diễn “Trần Nhân Tông” lên sân khấu.

Tuân theo ý đồ của tác giả và đạo diễn, vở “Trần Nhân Tông” không theo cấu trúc thông thường như các vở diễn khác với nội dung hoàn chỉnh có đầu, có cuối, do vậy không thể tóm tắt cốt chuyện. Bên cạnh đó, vở diễn cũng không chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột kịch tính, căng thẳng, bất ngờ gắn với yếu tố bi thương vốn thường thấy trên sân khấu cải lương. Cả vở diễn là sự chiêm nghiệm của vua Trần Nhân Tông (NS Hoàng Tùng, NSƯT Xuân Vinh) về đạo và đời. Sự chiêm nghiệm ấy được thể hiện qua dòng suy tưởng của nhà vua về cuộc chiến chống Nguyên Mông đã qua mà Người trực tiếp lãnh đạo và giành thắng lợi. Điều này được tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Bạch Tuyết và các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương VN diễn tả bằng các màn đồng hiện nối tiếp nhau xuyên suốt vở diễn. Đó là màn đồng hiện Hội nghị Bình Than – hội nghị của các vương hầu, quan lại, tướng soái để bàn kế hoạch kháng chiến và Hội nghị Diên Hồng – hội nghị triệu tập các phụ lão – những đại biểu có uy tín của nhân dân, đã mang đến triều đình ý nguyện “Đánh !” của toàn dân. Qua màn đồng hiện này, người xem có thể thấy nhận thức của vua Trần Nhân Tông về khối đại đoàn kết toàn dân đã tạo nên sức mạnh để chiến thắng.

Vài nét về vở kịch

Tác giả Lê Duy Hạnh
Chuyển thể cải lương NT Khánh An
Đạo diễn TS, NSƯT Bạch Tuyết
Cố vấn nghệ thuật NSND Ngọc Phương
Trợ lý đạo diễn NSƯT Xuân Vinh
Nhạc sĩ NSƯT Thanh Hải
Họa sĩ NSƯT Bùi Huy Hiếu
Biên đạo múa Bích Ngọc

Đó là màn đồng hiện những tấm gương anh dũng hi sinh vì nước : tướng Trần Bình Trọng (NS Văn Đáng), trước mọi thủ đoạn đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc của quân thù, vẫn hiên ngang thét vào mặt chúng : “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc” ; Hoài văn hầu Trần Quốc Toản (NS Minh Hải), tuổi còn niên thiếu, dưới lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”, hăng hái đòi được xông pha trận mạc, đánh đuổi giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi Đại Việt ; công chúa An Tư (NSƯT Vương Hà), vì nước, đã phải từ bỏ cuộc sống ấm êm, nhung lụa, hiến dâng tuổi trẻ, đời con gái và kể cả tính mạng của mình sang trại giặc vừa làm vật tiến cống, vừa làm nội gián cho quân ta. Sự hi sinh của họ chính là một trong những biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa yêu nước và khí phách anh hùng của dân tộc.
– Đó là màn đồng hiện tướng giặc Toa Đô dù đã tử trận nhưng hồn còn nặng nề ác nghiệp, không làm sao siêu thoát và đau đớn nhận ra chân lí : công danh cái thế cũng chỉ là giấc mộng dài, phú quí hơn người cuối cùng cũng đầu lìa khỏi cổ.
– Đó là màn đồng hiện hồn của các cung nữ đã từng nhảy xuống suối Giải Oan trầm mình khi vua Trần Nhân Tông đi tu để giữ tròn tiết hạnh, mang cái chân tâm trong sáng của người được rọi chiếu những giáo lí sâu xa của Phật pháp thông qua vị sư tổ của phái Trúc Lâm- Yên Tử Việt Nam.

Ở đây, sau mỗi màn đồng hiện, người xem đều nhận thấy hai hình ảnh tồn tại trong nhân vật Trần Nhân Tông : hình ảnh một vị vua anh dũng, sáng suốt, có tài cầm quân đánh giặc, biết trọng người tài, gần gũi chúng dân, biết thu phục lòng dân và hình ảnh một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, hiểu thấu lẽ đời. Hai hình ảnh này hoà hợp trong hình tượng Trần Nhân Tông ở trí và đức. Chúng được thể hiện qua sự suy ngẫm của nhà vua về lẽ được mất, sống còn. Cùng là cái chết, nhưng cái chết “vị quốc vong thân trọn bề trung hiếu” của ba quân tướng sĩ và toàn thể chúng dân, của Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, An Tư công chúa… là cái chết cao cả, anh hùng, mãi mãi được “bia đá sử xanh ghi khắc ngàn đời”. Cùng là cái chết, nhưng cái chết của Toa Đô – kẻ tham tàn phi nghĩa, dùng cường quyền xâm lấn lân bang, gây bao cảnh máu chảy đầu rơi, thảm khốc, điêu tàn… là cái chết vô nghĩa và phải chịu báo ứng. Song, cả hai cái chết, của ta hay địch, của bạn hay thù, đều liên quan đến tính mạng chúng sinh. Mọi sự mất mát, đau thương trong cuộc chiến tranh, dù thuộc chính nghĩa hay phi nghĩa, thì cũng không nên có. Bằng cái nhìn nhân ái đó, Trần Nhân Tông đã đi đến hành động : chiêu hồn, cầu độ cho những người đã vong mạng, trong đó có cả kẻ thù – nhất là khi kẻ thù đó đã biết thức tỉnh, sám hối, để linh hồn họ được thanh thản, siêu thoát ở nơi chín suối.

Với suy tưởng và hành động trên, người xem có thể thấy triết lí nhập thế và cái nhìn biện chứng của vua Trần Nhân Tông khi soi xét sự vật trong dòng biến đổi thường xuyên, liên tục, vô thủy, vô chung và liên hệ với nhau theo quan hệ nhân quả. Đó là cái mà đạo Phật gọi là sự “vô thường” của tất cả những gì hiện hữu trong thế giới trần gian, thế giới hiện tượng đang tồn tại trước mắt và con người ta khi hiểu được lẽ vô thường thì sẽ tĩnh tâm trước mọi biến đổi của sự vật, tránh được những cuộc “tranh nhân tranh ngã”, “ảo vọng hư không” và biết sống tuân theo quy luật, đạo lí muôn đời của vũ trụ. Chính thông qua ý nghĩa sâu xa này, tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Bạch Tuyết cùng các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương VN đã lí giải cho hành động của một ông vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam, đó là : sau khi thống lĩnh toàn dân 2 lần kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, ở ngôi vua 14 năm, lên làm Thái thượng hoàng 6 năm, bước sang độ tuổi 41, đã từ bỏ tất cả, tìm đến chốn Yên Tử xa xôi, u tịch, gắn mình với cuộc sống tu hành đơn sơ, mộc mạc và rồi trở thành Trúc Lâm Đại Đầu Đà – vị sư tổ của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam.

Đặt trong không gian trang trí thoáng, rộng, vở diễn đẩy mạnh nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, đặc biệt “sức nặng” tập trung vào 2 vai Trần Nhân Tông và An Tư công chúa với số lượng lớn bài ca cải lương. Âm nhạc và dàn múa cũng được chú trọng, nối liền với các màn đồng hiện xuyên suốt tác phẩm. Vở diễn “Trần Nhân Tông” thêm một lần nữa là bằng chứng sinh động cho sự gắn bó của nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc khi cùng hướng đến cái Tâm với lịch sử dân tộc, với Đạo, với Đời và với nghệ thuật Cải lương

Minh Thu

Thảo luận cho bài: "Trần Nhân Tông – mối duyên cải lương Nam Bắc"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright 2023 © Website tổng hợp tin tức, bài hát cải lương MP3, Video cải lương để quý độc giả có thể nghe nhạc và xem video trực tuyến. Nguồn nhạc được sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên Internet. Mọi vấn đề bản quyền xin vui lòng liên hệ Email cailuongxua@ gmail.com

Địa chỉ: 254 Minh Khai - Hà Nội.
Điện thoại: - E-mail: cailuongxua@gmail.com