Sân khấu cải lương trong thời đại mới đang gặp không ít khó khăn, tuy vậy, có những con người vẫn đang ngày đêm tìm cách gìn giữ. NSƯT Kim Tử Long là một trong những nghệ sĩ hoạt động tích cực nhất, khán giả vẫn thấy ông đều đặn thực hiện các đêm diễn cải lương trong Nam, ngoài Bắc.
Tại Hà Nội, Kim Tử Long đã thực hiện liveshow cải lương Ngôi sao phương Nam số thứ 8. Vào ngày 12-10 tới, đêm diễn thứ 9 với tên gọi Thánh đường sân khấu sẽ được công diễn tại Nhà hát Chèo Hà Nội. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với NSƯT Kim Tử Long về câu chuyện giữ gìn, phát triển cải lương trong cuộc sống đương đại.
– Sân khấu nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chứ chưa nói đến phát triển. Nhiều nghệ sĩ than rằng họ phải làm thêm nghề “tay trái” để nuôi sống đam mê, trong khi đó anh vẫn duy trì đều đặn các show cải lương do chính mình tổ chức. Liệu đây có phải là tín hiệu vui, cho thấy nghệ thuật cải lương đang lấy lại vị trí trong đời sống nghệ thuật?
– Có thể lạc quan mà nói rằng, cải lương vẫn có chỗ đứng riêng nhất định của nó. Bằng chứng là tôi và nhiều nghệ sĩ cải lương khác vẫn thường xuyên có những buổi diễn chật kín khán giả. Tuy nhiên, nếu so với thời hoàng kim của cải lương cách đây khoảng 20 – 30 năm về trước, khi mà sản phẩm video cải lương thịnh hành, thì bây giờ các nghệ sĩ phải nỗ lực hơn để bám nghề. Tôi nhớ thời điểm đó, lịch đi quay của các nghệ sĩ luôn dày kín. Những tên tuổi như Lệ Thủy, NSND Minh Vương, Bạch Tuyết… nhận lời mời biểu diễn không xuể phải từ chối bớt. Đến thời của tôi, Ngọc Huyền, Quế Trân… cải lương vẫn thịnh, có những đêm diễn không đủ vé bán cho khán giả. Giờ đây, tuy sân khấu cải lương không được náo nhiệt như trước nhưng chúng tôi vẫn có những đêm diễn riêng của mình.
– Thưa anh Kim Tử Long, điều gì khiến anh tự tin thực hiện chuỗi liveshow cải lương Ngôi sao phương Nam tại Hà Nội?
– Nhiều người hỏi tôi: Sao dám mang cả một show cải lương được đầu tư hoành tráng từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, không sợ lỗ à? Tôi chỉ cười, nếu lỗ thì tôi đã không thực hiện đến nay là 9 đêm diễn công phu như vậy. Không ít người nghi ngờ tình yêu cải lương của khán giả Hà Nội, tôi lại khẳng định rằng, khán giả Hà Nội còn rất nhiều người mê cải lương. Chỉ có điều là nghệ sĩ cải lương có chịu đổi mới, sân khấu cải lương có đủ hấp dẫn để lôi kéo khán giả hay không mà thôi? Hiện nay, vấn đề hóc búa của sân khấu nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng là làm thế nào để bắt nhịp được hơi thở đương đại, để khán giả cảm thấy sân khấu gần gũi với đời sống của họ.
– Vậy, chắc hẳn anh Long phải có “chiêu” để thu hút khán giả?
– Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, khán giả bây giờ khác với khán giả của 20 – 30 năm về trước, vì thế cải lương không thể mặc những bộ quần áo lòe loẹt diêm dúa, ra sân khấu cầm micro ca một lèo rồi đi vào thì chắc chắn là khán giả sẽ bỏ về. Khán giả đến nghe cải lương là để giải trí, họ cần được xem những đêm diễn đẹp cả về phần nhìn và nghe. Đó là lý do mà chúng tôi cố gắng dàn dựng các chương trình công phu, chuẩn bị thêm nhiều đạo cụ sân khấu, trang phục phải thật đẹp để phù hợp với thị hiếu của khán giả trẻ. Trong chương trình của chúng tôi, cải lương còn được kết hợp với những giai điệu hiện đại để tạo sự mới lạ cho người nghe. Chúng ta không nên nhìn cải lương với con mắt hoài cổ mà hãy cố gắng gắn kết cải lương với hơi thở mới.
– Làm mới âm nhạc truyền thống là câu chuyện đã được nói đến bấy lâu, cũng có không ít nhà hát, nghệ sĩ nung nấu, trăn trở phục hưng sân khấu truyền thống, nhưng không phải ai cũng thành công. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
– Nếu không thử thì sẽ không thể biết mình thành công hay không, đôi khi việc thử nghiệm những tác phẩm mới, cách làm mới phải chấp nhận rủi ro lớn. Tôi có lợi thế là có thể hát sang nhiều thể loại nhạc khác như vọng cổ, đờn ca tài tử, tân cổ giao duyên, nhạc trữ tình… Tất cả những điểm mạnh này tôi có thể kết hợp lại được với nhau trong một đêm diễn, sẽ mang đến sự mới mẻ hơn cho khán giả khi thưởng thức
– Vậy, giữa thời đại hiện nay, anh có “sống” được với nghề không?
– Tôi vẫn sống rất đàng hoàng bằng nghề diễn cải lương. Tuy đã hơn 50 tuổi nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng nghiệp diễn này. Khi còn có thể hát được thì tôi vẫn cống hiến cho khán giả.
– Các nghệ sĩ trẻ theo đuổi âm nhạc truyền thống gặp không ít khó khăn trong việc theo đuổi, bám trụ với nghề. Là bậc đàn anh trong nghề, anh có lời khuyên gì cho họ?
– Khi thực hiện liveshow cải lương Ngôi sao phương Nam ở Tp. HCM và Hà Nội, bên cạnh người bạn diễn quen thuộc là Ngọc Huyền và “bà xã” Trinh Trinh, tôi đã mời khá nhiều nghệ sĩ trẻ cùng tham gia biểu diễn, trong đó có cả những thí sinh vừa bước ra từ cuộc thi cải lương. Cách tốt nhất để giữ ngọn lửa đam mê với nghề là phải có chỗ để nghệ sĩ biểu diễn và nhận được sự tán dương của khán giả.
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!